Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đặt mục tiêu 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn.

Trong chương trình, Bộ Giáo dục - Đào tạo được giao hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh kết hợp tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, bữa ăn học đường phù hợp với lứa tuổi, vùng, miền và hình thức tổ chức; còn Bộ Y tế hướng dẫn về phòng, chống các yếu tố nguy cơ và bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản ở học sinh.

can thi .jpg
Hoạt động thể lực giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, cận thị... Trong ảnh, bác sĩ đo thị lực cho một học sinh tiểu học ở Hà Nội.

Theo Bộ Y tế, có 4 yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm phổ biến như tim mạch, tiểu đường, ung thư..., gồm: hút thuốc lá (hoặc thuốc lào), thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý.

Năm 2022, Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học. Bộ tài liệu này được soạn thảo bởi nhóm chuyên gia giáo dục và dinh dưỡng y khoa.

Theo đó, dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực góp phần giảm các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong tương lai cho học sinh. Điều này đem lại lợi ích về sức khỏe và mang ý nghĩa xã hội thiết thực như tiết kiệm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục, năng lực trí tuệ và năng suất lao động khi trưởng thành...

3 nhóm cường độ trong hoạt động thể lực của học sinh

Hoạt động thể lực của trẻ em, học sinh bao gồm: trò chơi vận động, vui chơi giải trí, giờ học thể dục, thể thao trường học, các hoạt động trong thời gian nghỉ giữa các tiết học; đi bộ, chạy nhảy hoặc đi xe đạp đến trường và các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại, tập luyện các môn thể thao…

Hoạt động thể lực có thể chia thành 3 nhóm cường độ. Trong đó, mức độ nhẹ bao gồm các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày như đi lại chậm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh lớp học, phòng học… Trong ngày, trẻ chủ yếu có những hoạt động này nhưng lại tiêu hao rất ít năng lượng và không phát huy tác dụng có lợi cho sức khỏe về mặt tim mạch và thừa cân.

Ở mức độ trung bình, hoạt động thể lực làm tăng nhịp tim lên khoảng 60-70% so với nhịp tim tối đa và tăng nhịp thở. Biểu hiện của loại vận động này là làm cho đối tượng thở hổn hển và tim đập nhanh. Các hoạt động trong nhóm này có ít trong ngày nhưng có lợi cho sức khỏe và cần thực hiện ít nhất 60 phút mỗi ngày.

Với cường độ mạnh, các hoạt động thể lực làm tăng nhịp tim tối đa, gồm bóng đá, chạy nhanh, leo núi, đi lên cầu thang nhiều tầng… Các hoạt động trong nhóm này cũng có lợi cho sức khỏe và nên tăng cường trong tổng số 60 phút vận động mỗi ngày.

Hoạt động thể lực của học sinh có thể chia làm nhiều lần trong ngày tích hợp với các hoạt động giáo dục của nhà trường. Những hoạt động thể lực có cường độ trung bình mỗi lần không nên dưới 10 phút và các hoạt động thể lực có cường độ mạnh mỗi lần không nên quá 10 phút.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trẻ em cần được tạo điều kiện để tăng cường các hoạt động thể lực ít nhất 60 phút mỗi ngày, có thể chia làm nhiều lần, mỗi lần ít nhất trên 10 phút với sự kết hợp giữa hoạt động cường độ trung bình với cường độ mạnh phù hợp lứa tuổi, giới và các giai đoạn phát triển thể chất và vận động.

Vai trò hoạt động thể lực đối với sức khỏe và trí lực học sinh

- Giúp phát triển tốt chiều cao; tăng cường sự rắn chắc của xương và cơ bắp

- Giúp nâng cao sức khỏe; tăng sự linh hoạt, nhanh nhẹn, sức mạnh, sức bền

- Giúp cân bằng năng lượng và duy trì cân nặng hợp lý cho cơ thể; Tăng cường lưu thông máu giúp học sinh có trái tim khỏe mạnh

- Giúp trẻ có đầu óc minh mẫn, thông minh hơn, học giỏi hơn

- Giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, cận thị, đái tháo đường....

- Giúp hình thành và phát triển các kỹ năng sống cần thiết như: kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm, tinh thần trách nhiệm, khả năng thích nghi...

- Giúp hình thành và rèn luyện nhân cách như: tính kiên nhẫn, lòng dũng cảm, tính quyết đoán, tính kỷ luật...

- Giúp thư giãn giải tỏa căng thẳng, tăng khả năng tiếp thu kiến thức mới và tự tin vào bản thân.

Võ Thu, Thanh Hùng, Ngọc Trang, Lê Thị Hạnh