Béo phì và hàng loạt gánh nặng bệnh tật

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Trúc Lan Trinh, Phó trưởng khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định(TP.HCM), tỷ lệ béo phì đang gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Đây là gánh nặng cho nền kinh tế, sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống, tuy nhiên có thể dự phòng và điều trị được.

Dẫn số liệu của Tổ chức y tế thế giới, bác sĩ Trinh cho biết ước tính toàn cầu hiện có khoảng 1,9 tỷ người thừa cân, béo phì; riêng béo phì chiếm khoảng 1 tỷ. Con số này có thể tăng thêm 167 triệu người vào năm 2025, khiến nguy cơ tử vong sớm tăng cao. 

Lý giải mối liên quan của béo phì với các bệnh lý khác, bác sĩ Trinh cho hay khi cơ thể tích tụ nhiều calo, lượng calo dư thừa được lưu trữ dưới dạng chất béo hoặc mô mỡ, tiết ra adipokines, dẫn đến tình trạng đề kháng insulin, đề kháng leptin, tích tụ mô mỡ, tăng tế bào sợi và gây ra bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường

Bác sĩ nhấn mạnh có khoảng 13 loại ung thư liên quan đến bệnh béo phì như tử cung, buồng trứng, gan, mật, tụy, tuyến giáp, đại trực tràng, dạ dày…  

Đối với phụ nữ, béo phì khiến cho tỷ lệ mang hai thấp, tăng huyết áp thai kỳ, tăng nguy cơ tiền sản giật, tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, thai lưu, thai to, dễ bị sinh non hoặc trẻ sinh ra chậm phát triển.

Béo phì có thể do chế độ ăn uống, lối sống, nội tiết hoặc di truyền.

"Bệnh béo phì hiện được xem là một bệnh mạn tính, phức tạp, đa yếu tố, đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. Người bệnh bị giảm tuổi thọ, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính không lây", bác sĩ Trinh nhận định. 
 
Kiểm soát cân nặng cho người béo phì

Theo bác sĩ Đặng Trúc Lan Trinh, chế độ ăn phổ biến hiện nay làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì vì thói quen sử dụng thức ăn nhanh, đồ chiên xào nhiều hơn đồ hấp luộc, thực phẩm đóng hộp nhiều hơn đồ tươi sống, uống nhiều rượu bia và nước giải khát có đường.

Ngoài ra, lười vận động cũng là một vấn đề khi 70% người Việt Nam trưởng thành không đạt mức vận động thể lực được khuyến cáo.

“Số bước chân trung bình 1 ngày chỉ đạt 3.600 bước, trong khi dó khuyến cáo 10.000 bước/ngày. Đặc biệt, nhóm người làm việc văn phòng chỉ vận động 600 bước/ngày”, bác sĩ Trinh nói. Để điều trị, người bệnh béo phì cần thay đổi chế độ ăn, chế độ luyện tập cũng như liệu pháp tâm lý. Tâm lý trị liệu rất quan trọng với người béo phì, cần tránh các ngôn ngữ đổ lỗi, kỳ thị. 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Kim Chi, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho rằng quá trình giảm cân với người bệnh béo phì là một đường zig-zag, có thăng và trầm. Do đó, cần chia thành nhiều giai đoạn để tư vấn cho bệnh nhân.

Người bệnh cần được xác định mục tiêu tương ứng với giai đoạn ngắn hặn và giai đoạn lâu dài. Trong đó, giai đoạn ngắn hạn trong 6 tháng với mục tiêu giảm cân trung bình từ 5-15% cân nặng; giai đoạn lâu dài có mục tiêu duy trì hiệu quả giảm cân, hạn chế tái tăng cân và lưu ý mục tiêu theo bệnh đồng mắc.

Khoảng 13 loại ung thư liên quan đến bệnh béo phì như tử cung, buồng trứng, gan, mật... 

Bác sĩ Chi cho rằng người bệnh cần phải được can thiệp đa mô thức theo từng giai đoạn, từng cá thể, từng mức BMI (chỉ số khối cơ thể) khác nhau. Trong đó, thay đổi lối sống là can thiệp nền tảng và xuyên suốt.

Các bác sĩ cũng cho biết phẫu thuật không phải phương pháp phù hợp với tất cả người bệnh béo phì. Phương pháp này được khuyến nghị cho người 18-69 tuổi khi có chỉ định và thanh thiếu niên bị béo phì nặng. Người bệnh phải tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt thời gian sau phẫu thuật và thay đổi chế độ ăn suốt đời. Ngoài ra, phụ nữ mang thai hoặc dự định có thai trong vòng 1 năm không nên thực hiện.

Thừa cân béo phì "áp đảo" các bệnh tật học đường

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tình trạng học sinh thừa cân béo phì tại TP.HCM chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các bệnh tật học đường với 28,96%. 

Trong đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng cao ở khối tiểu học và có chiều hướng giảm dần từ khối trung học cơ sở đến khối trung học phổ thông.

Nguyên nhân được xác định là chế độ dinh dưỡng không hợp lý và lối sống ít vận động. Cụ thể gồm: thói quen ăn nhanh, không nhai kỹ thức ăn, hay ăn vặt, ăn thức ăn nhanh, thích ăn ngọt, không ăn sáng, ăn nhiều vào buổi tối (đặc biệt là trước khi đi ngủ), ít tập luyện thể dục thể thao, xem tivi và chơi trò chơi điện tử quá nhiều… 

Ngoài ra, cũng có 10% trẻ bị thừa cân, béo phì do những bệnh lý bẩm sinh di truyền có bất thường gene.

Các bác sĩ cảnh báo, trẻ bị thừa cân béo phì có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khi trưởng thành như tim mạch, chuyển hóa bất thường glucose, rối loạn gan mật - đường ruột, khó thở khi ngủ.

Trẻ cũng có thể gặp các biến chứng về giải phẫu, nghiêm trọng nhất là bệnh Blount (một dị dạng xương chày do phát triển quá mạnh). Về tâm lý, trẻ dễ tự ti do bạn bè trêu ghẹo, chế giễu, dần trở nên thụ động, cô đơn và dễ dẫn đến trầm cảm. 

Giao Linh - Văn Giáp - Diệu Thúy