Thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết, bộ này vừa hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Ngày 24/3, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà sẽ chủ trì hội nghị góp ý vào dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Bộ Nội vụ cho biết, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung phải bảo đảm các nguyên tắc như ý tưởng, cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt,... nhưng phải bảo đảm không trái Hiến pháp, Điều lệ Đảng.

Được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn 

Dự thảo nghị định dành một chương quy định rõ về trình tự, cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ. Trong đó có quy định về trình tự, biện pháp thực hiện trong trường hợp cấp bách, khẩn cấp khi thực hiện đề xuất vì lợi ích chung.

Cụ thể là khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo, trong trường hợp cấp bách, khẩn cấp để bảo vệ lợi ích chung, để hạn chế thiệt hại hoặc việc thực hiện có thể gây thiệt hại thì cán bộ có trách nhiệm báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo của cán bộ, người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp có trách nhiệm tổ chức họp tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức để cho ý kiến về việc cho cán bộ thực hiện hoặc thực hiện thí điểm đề xuất.

Cuộc họp phải được ghi nhận thành biên bản. Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, người đứng đầu có văn bản trả lời đồng ý hay không. Trường hợp không đồng ý cho thực hiện đề xuất thì phải nêu rõ lý do.

Trường hợp cần thiết khi có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục hoặc dừng thực hiện hoặc thực hiện thí điểm thì cán bộ phải thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Trong trường hợp cán bộ không chấp hành thì phải chịu mọi trách nhiệm do mình gây ra theo quy định.

Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được khuyến khích bằng các hình thức như: Được tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị và được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cuối năm, được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được ưu tiên, tạo điều kiện trong đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với cán bộ; được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn vị trí đang đảm nhiệm hoặc được bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp.

Cơ quan quản lý trực tiếp của cán bộ có hình thức ghi nhận, áp dụng và nhân rộng, bảo vệ kết quả đổi mới, sáng tạo; tạo điều kiện, hỗ trợ về vật chất và tinh thần, các hình thức khuyến khích khác phù hợp với tổ chức, hoạt động, địa bàn của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác.

Lạm dụng để trục lợi, tham nhũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Dự thảo cũng quy định bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để đảm bảo về mặt pháp lý cho cán bộ mạnh dạn đề xuất.

Cụ thể, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trường hợp cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định đồng ý thì tùy theo tính chất, mức độ, người gây cản trở, gây khó khăn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp.

Đó là cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự; cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất; cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại.

Trường hợp được bảo vệ nữa là cán bộ thực hiện đề xuất phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục; cán bộ thực hiện đề xuất chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền; được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt và cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời.

Mặt khác, cán bộ nếu có hành vi lạm dụng đề xuất được phê duyệt để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người có hành vi cản trở, gây khó khăn cho cán bộ trong quá trình thực hiện đề xuất, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định còn quy định về trách nhiệm của cán bộ; trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu cơ quan quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Bộ Nội vụ đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Phương án 2: Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.