Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước về công tác của các tòa án trong năm 2023. Công tác cán bộ; thanh tra, kiểm tra, kỷ luật công vụ là một trong những nội dung đáng chú ý được Chánh án Nguyễn Hòa Bình báo cáo.

Báo cáo cho thấy, từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023, Chánh án TAND Tối cao đã trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm 752 trường hợp. 

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được quan tâm. Công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển, biệt phái được thực hiện theo đúng quy định.

nguyenhoabinh copy.jpg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình 

Chánh án TAND Tối cao đã thực hiện quy trình đề nghị quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026-2031 với 2 nhân sự; đề nghị bổ sung quy hoạch chức vụ Phó Chánh án TAND Tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 với 5 cán bộ, nhiệm kỳ 2026-2031 với 12 cán bộ. 

Đồng thời, trình Chủ tịch nước kéo dài thời gian giữ chức vụ với 1 Phó Chánh án TAND Tối cao; thực hiện quy trình điều động bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý 70 cán bộ thuộc TAND Tối cao và TAND cấp cao; 323 trường hợp thuộc TAND địa phương...

Cũng trong thời gian này, TAND Tối cao đã tổ chức 2 kỳ thi tuyển chọn thẩm phán trung cấp, cao cấp; thi nâng ngạch thẩm tra viên chính, thư ký viên với 211 người. Trong đó có 59/63 người trúng tuyển thư ký viên; 81/148 người trúng tuyển thẩm tra viên chính. Ngoài ra, TAND Tối cao đã tổ chức thi nâng ngạch thẩm phán với 353 người.

Bên cạnh đó, các toà án luôn chú trọng quan tâm công tác Hội thẩm nhân dân. TAND các cấp hiện có 16.783 hội thẩm nhân dân; trong đó, có 10.590 hội thẩm nam, 6.193 hội thẩm nữ, 2.136 hội thẩm là người dân tộc thiểu số, 4.216 hội thẩm có trình độ chuyên môn pháp lý, 12.747 hội thẩm là cán bộ đương chức, 8.765 hội thẩm được tái cử.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá, đội ngũ hội thẩm nhân dân về cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử; việc phân công Hội thẩm tham gia phiên tòa đảm bảo thống nhất, khoa học.

46 công chức bị kỷ luật, 5 trường hợp bị khởi tố hình sự

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho hay, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức, người lao động có hành vi vi phạm được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. TAND Tối cao đã thành lập các đoàn kiểm tra do các lãnh đạo, thẩm phán TAND Tối cao làm trưởng đoàn để kiểm tra công tác chuyên môn năm 2022 của các TAND cấp cao và TAND 2 cấp tại 28 tỉnh, thành.

TAND Tối cao cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra công vụ, công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp dân của TAND cấp cao tại TP.HCM; TAND tỉnh và một số đơn vị TAND cấp huyện thuộc tỉnh Lai Châu, Cà Mau, Tuyên Quang, Tây Ninh, Hòa Bình, Kon Tum, Bình Định, Cao Bằng.

Qua thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra những thiếu sót, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của công chức, thẩm phán. Các tòa án đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Các TAND cấp tỉnh cũng tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn với TAND cấp huyện theo kế hoạch để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm những sai sót chuyên môn, nghiệp vụ. 

"Đáng chú ý là trong năm qua, có 46 công chức TAND bị xử lý kỷ luật (khiển trách 32 trường hợp, cảnh cáo 8 trường hợp, buộc thôi việc 4 trường hợp, cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý 2 trường hợp); 5 trường hợp bị khởi tố hình sự”, báo cáo nêu.

Bên cạnh đó, TAND Tối cao đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập trong hệ thống tòa án đảm bảo thống nhất, đúng quy định của pháp luật.

Hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác kê khai, công khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức thuộc TAND đã được xây dựng. TAND Tối cao đã tổ chức 5 cuộc thanh tra, kiểm tra xác minh tài sản, thu nhập đối với một số công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của một số TAND tỉnh.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cam kết thời gian tới kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Cùng với đó là làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác. Biên chế, khối lượng công việc của TAND các cấp sẽ được rà soát, để phân bổ, cơ cấu lại theo vị trí việc làm đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; xây dựng danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương trong TAND; sửa đổi, bổ sung quy chế đánh giá, xếp loại công chức, viên chức, người lao động.

Tính đến ngày 30/9, các TAND các cấp có 13.515 biên chế, gồm: 6.408 thẩm phán; 6.824 thẩm tra viên, thư ký Tòa án và tương đương và 283 chức danh khác. Trong đó có 3 phó giáo sư; 63 tiến sỹ, 3.167 thạc sỹ, 9.787 cử nhân và 498 trình độ khác. 

Thời gian qua, các tòa án đã xét miễn, giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước 5.934 việc với tổng số tiền được miễn, giảm trên 22,5 tỷ đồng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Các tòa án đã thụ lý 8 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án, đã giải quyết 5 yêu cầu với số tiền phải bồi thường hơn 2,136 tỷ đồng đồng; đã chi trả tiền bồi thường cho 1 trường hợp với số tiền gần 455 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các tòa án cũng thụ lý 27 vụ án dân sự mà người bị oan, sai khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường; đã giải quyết được 20 vụ, các vụ còn lại đang trong quá trình giải quyết theo quy định của pháp luật.

Các tòa án đã tuyên buộc các cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường tổng số tiền gần 14 tỷ đồng. Việc xem xét, giải quyết các yêu cầu bồi thường và các vụ án dân sự người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường thiệt hại được các tòa án giải quyết bảo đảm khách quan, thận trọng, công bằng, đúng pháp luật.