Các hành vi vi phạm liên quan đến sản phẩm thiết bị điện, điện tử thuộc danh mục hàng hóa quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04/2009/BKHCN có những diễn biến phức tạp. Do vậy, việc thanh tra trong lĩnh vực này sẽ góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Vi phạm việc ghi nhãn hàng hóa chiếm tỷ lệ cao

Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, Bộ KH&CN đã phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo các lực lượng trong toàn ngành tiến hành cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2011 trong 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 10/2011).

Cuộc thanh tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm là thiết bị điện, điện tử trong sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu.

Hội nghị tổng kết thanh tra chuyên đề về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm, thiết bị điện, điện tử năm 2011 (Ảnh: Phương Nga)
Đồng thời, qua việc thanh tra tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, buôn bán, xuất nhập khẩu trong việc thực hiện quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, pháp luật về nhãn hàng hóa. Công tác thanh tra góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm là thiết bị điện, điện tử, bảo đảm an toàn cho người sử dụng và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước của ngành KH&CN…

Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Trần Minh Dũng cho biết, cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề đã tiến hành thanh tra tại 2.265 cơ sở, trong đó có 111 cơ sở sản xuất (chiếm 4,9%), 2.129 cơ sở buôn bán (chiếm 94%), 25 cơ sở nhập khẩu (chiếm 1,1%). Cơ quan thanh tra đã tiến hành xử phạt đối với 654 cơ sở vi phạm với tổng số tiền là 551.576.000 đồng.

Kết quả thanh tra cho thấy, nhóm hành vi vi phạm về ghi nhãn hàng hóa chiếm 66,8%, vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chiếm 29,8%, vi phạm về đo lường chiếm 1,2% và vi phạm về sở hữu công nghiệp chiếm 2,2%.

Trong số các hành vi vi phạm, các vi phạm về ghi nhãn hàng hóa chiếm tỷ lệ cao nhất. Đây là loại vi phạm dễ bị cơ quan chức năng phát hiện và nhà sản xuất, người buôn bán thường cố tình vi phạm. Các hành vi vi phạm phổ biến là nhãn hàng hóa ghi nội dung không đúng quy định, nhãn rách, mờ, hàng nhập khẩu không có nhãn phụ, nhãn phụ ghi không đầy đủ, không đúng quy định…

Hành vi vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phổ biến là cơ sở sản xuất không công bố hợp quy, hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, cơ sở buôn bán hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa phải công bố hợp quy nhưng trên hàng hóa không gắn dấu hợp quy (dấu CR), không lưu giữ hồ sơ chứng nhận theo quy định…

Đối với hàng hóa thiết bị điện, điện tử (nồi cơm điện, máy sấy, thiết bị đun nước… ) thì yếu tố đo lường là thứ yếu, trừ dây cáp điện, hầu hết sản phẩm còn lại, yếu tố vi phạm về đo lường ít xảy ra.

Những vi phạm về sở hữu công nghiệp thường tinh vi, phức tạp, đòi hỏi cơ quan chức năng cũng phải có chuyên môn sâu để đánh giá, phát hiện và xử lý. Mặt khác, trình tự xử lý vi phạm về sở hữu công nghiệp cũng có những đặc thù riêng, như đối với hành vi xâm phạm quyền thì phải có đơn yêu cầu xử lý của chủ thể quyền thì cơ quan chức năng mới xử lý được.

Phát hiện nhiều trường hợp cố tình “lách luật”

Ông Trần Minh Dũng cho biết, trong cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2011, Đoàn thanh tra nhận thấy hầu hết các sản phẩm thiết bị điện, điện tử có gắn dấu hợp quy (CR) không đồng nhất về cách thể hiện, kích thước, màu sắc, chất liệu dấu hợp quy. Các hộ buôn bán đã tự ý in, gắn dấu hợp quy (CR) lên sản phẩm, bất chấp sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy hay không. Việc dấu hợp quy thể hiện không đồng nhất đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra xác định dấu hợp quy gắn trên sản phẩm là thật hay giả, thuộc sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy hay không.
Thanh tra thiết bị điện, điện tử tại Hòa Bình (Ảnh: Sở KH&CN Hòa Bình)
Đoàn thanh tra phát hiện nhiều thiết bị điện gia dụng (có tính tương đương về công dụng so với nhóm các thiết bị điện nêu trong danh mục 13 mặt hàng phải quản lý theo QCVN 04) cần phải thực hiện các quy định về an toàn khi sử dụng nhưng lại không được nêu tên trong Danh mục 13 nhóm sản phẩm thiết bị điện, điện tử như: chảo điện, nồi áp suất điện, nồi điện đa năng, bếp điện, các thiết bị điện chăm sóc sức khỏe (máy mát-xa chân, mát-xa lưng, mát-xa mặt, ghế mát-xa toàn thân), quạt điện không cánh, máy sưởi điện, tông đơ điện... Vì vậy Đoàn thanh tra chưa thể xử lý được đối với những loại sản phẩm này, mặc dù phát hiện có vi phạm.

Có hiện tượng “lách luật” của các cơ sở sản xuất, kinh doanh một số mặt hàng, gây nên những khó khăn cho Đoàn thanh tra khi xử lý. Cụ thể là: sản phẩm dây lõi nhôm bọc nhựa ghi trên nhãn hàng hóa là “Dây nhôm dùng để cố định cây cảnh” nhưng bán cho người dân sử dụng làm dây điện trong nông nghiệp như kéo đường dây điện, chạy máy bơm nước; một số loại dây lõi kim loại nhiều sợi (dây đồng) bọc nhựa PVC người dân mua sử dụng làm dây điện nhưng sản phẩm ghi nhãn hàng hóa là dây loa. Những sản phẩm nêu trên đều không thực hiện hợp quy nhưng cơ quan thanh tra không xử lý được.

Hay như, một số tên gọi không thống nhất cũng gây nên khó khăn trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Thị trường bán nồi áp suất điện đa năng (có cả chức năng nấu cơm) nhưng có được coi là nồi cơm điện để xử lý hay không? Dây điện nhôm bọc đồng thì áp dụng quy định nào trong quản lý? Một số cơ sở sản xuất dây điện bọc nhựa PVC nhưng có tiết diện khác với tiết diện được quy định trong TCVN 6610 (như phần viện dẫn của QCVN 4:2009/BKHCN), một số loại dây điện với điện áp danh định 0,6/1KV, 300/500V…Với lý do đó, nhà sản xuất cho rằng họ không bị điều chỉnh bởi QCVN 04 và không phải công bố hợp quy. Nhiều đoàn thanh tra lúng túng khi xử lý trường hợp như vậy.

Ngoài ra, một số loại hàng hóa do tên gọi không thống nhất đã gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm…

Để giải quyết triệt để tình trạng này, ông Trần Minh Dũng cho rằng rất cần sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là công tác tuyên truyền tới người tiêu dùng. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra kiểm tra, cần có sự hợp tác của các ngành chức năng tại các địa phương, sự chỉ đạo, điều phối chung của UBND các tỉnh, thành phố...

Thanh tra diện rộng chuyên đề về sản phẩm thiết bị điện, điện tử năm 2011 đã thành công và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua thanh tra chuyên đề, các cấp, các ngành đã thu được những bài học kinh nghiệm phục vụ cho công tác quản lý ở ngành mình, cấp mình. Để duy trì và phát huy kết quả đạt được, cơ quan quản lý cần tiếp tục duy trì kết quả thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu sản phẩm thiết bị điện, điện tử, giám sát việc thực hiện quyết định xử lý và các yêu cầu của Đoàn thanh tra.

  • Phương Nga