Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam vừa ra mắt Ban Di sản - Kết nối, đồng thời khai mạc Tuần lễ Di sản - Kết nối. 

Dự án gồm các hoạt động nhằm góp phần bảo tồn và quảng bá không gian di sản áo dài Việt Nam trong nước và quốc tế; hỗ trợ quảng bá du lịch di sản văn hóa - cấu thành quan trọng của nền công nghiệp văn hóa Việt Nam; đồng đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch CLB Di sản Áo dài Việt Nam - cho biết, sự kiện là dịp để các tổ chức và cá nhân yêu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam kết nối, giao lưu và tìm hiểu về các hoạt động liên quan. Qua chuỗi chương trình, BTC mong các buổi thảo luận, tìm ra những giải pháp để tôn vinh di sản văn hóa, giá trị thương hiệu Việt, bảo tồn giá trị truyền thống và xây dựng đội ngũ kế thừa.

W-batch-ddz5225707755320-037af7daa4ca92f03633a015fac23dff-1.jpg
NSƯT Hải Phượng. 

Chia sẻ với VietNamNet, Nghệ sĩ Ưu tú Hải Phượng cho biết đồng hành cùng các sự kiện văn hóa dân tộc nhiều năm qua. Theo chị, bảo vệ di sản văn hoá không là việc của riêng ai, không thể mặc định chỉ dành cho người lớn tuổi hay lãnh đạo. Trái lại, việc này phụ thuộc phần lớn ý thức của các bạn trẻ, mầm non nước nhà.

NSƯT Hải Phượng kể, trước đây chị cùng một số đồng nghiệp thực hiện các chương trình đưa âm nhạc dân tộc vào học đường. Đến nay, hiệu ứng từ các hoạt động trên ít nhiều được lan tỏa đến người trẻ. Nhiều nghệ sĩ cũng chọn chất liệu dân gian để sáng tác, mang hơi thở của thời đại và được đón nhận. 

“Đó là những trái ngọt xứng đáng cho những nỗ lực bấy lâu của chúng tôi. Tôi hiểu rằng, khi các bạn trẻ bắt nhịp hay làm việc gì, họ sẽ tự tạo cầu nối để gắn kết với nhau. Những điều nhỏ nhoi ấy sẽ góp phần gìn giữ những di sản văn hoá. Đó là điều chúng tôi trân quý, mong mỏi”, NSƯT Hải Phượng cho biết. 

NSƯT Hải Phượng dẫn chứng áo dài ngày càng trở nên gần gũi với không chỉ riêng phụ nữ mà còn nam giới, già trẻ lớn bé.

"Mùa xuân vừa rồi, xu hướng áo dài tiến gần hơn với các bạn trẻ. Chúng ta đi đâu cũng có thể thấy ai đó mặc áo dài, tôn lên vẻ đẹp và văn hoá mùa xuân, cũng như là trang phục truyền thống của nước nhà", chị nói thêm. 

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thuần - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trang phục Việt, Cố vấn trưởng cho CLB Di sản áo dài Việt Nam - TP.HCM chia sẻ hình ảnh áo dài từ lâu đều được mặc định là trang phục truyền thống của Việt Nam.

Dù được thiết kế trên nhiều chất liệu đa dạng, với phom dáng phối khác nhau nhưng áo dài vẫn tạo nên nét đặc trưng riêng của Việt Nam.

batch ddz5226271127018 9da62ed786b017bf002e70cd01762f89.jpg
Các khách mời tham quan triển lãm ảnh 'Di sản quanh ta' trong khuôn khổ sự kiện. 

Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM - cho rằng, di sản văn hóa phi vật thể hiện hữu khắp nơi trong đời sống của người Việt. Theo bà, nhiều người nghĩ di sản là đồ cổ, áo dài, tranh... là chưa đủ. Di sản cần sự kết nối với nhau trên phạm vi cả nước. 

Chuỗi sự kiện TP.HCM - Di sản - Kết nối diễn ra từ ngày 7 - 17/3 với nhiều hoạt động tôn vinh các di sản văn hóa, các tinh hoa Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội tìm hiểu về hoạt động di sản - kết nối qua các buổi thảo luận, bảo tồn giá trị truyền thống và xây dựng đội ngũ kế thừa.

Hoàng Trang hát 'Ở trọ' của Trịnh Công Sơn

Một số hoạt động chính trong chuỗi sự kiện TP.HCM - Di sản - Kết nối:

- Triển lãm bộ sưu tập ảnh nghệ thuật "Di sản quanh lục gia châu Á Nguyễn Thị Thanh Tâm, tại 38 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM. Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 7 đến 17/3.
- Chiều 8/3: Giao lưu với nhà sưu tập tranh Trần Hậu Tuấn về cuốn sách Bùi Xuân Phái và thưởng thức bộ sưu tập của danh họa Bùi Xuân Phái, tại 357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, TP.HCM.
- Ngày 9/3: Thưởng thức hội họa, âm nhạc và ẩm thực truyền thống tại Nguyen's Art Garden (thành phố Thủ Đức, TP.HCM); tham quan các gian hàng của Bảo tàng Áo dài và giao lưu tại Lễ hội Việt - Nhật (công viên 23/9, quận 1, TP.HCM).