Mẹ chồng nàng dâu Bến Tre kể về hành trình chia sẻ, yêu thương suốt 12 năm trong trong chương trình Mẹ chồng nàng dâu số 325.

Ai dè chị Nguyễn Thị Tuyết Vương không ngần ngại đáp: “Mẹ đừng lo về khoản này. Vợ chồng con sẽ cố gắng để trả hết món nợ đó”. 

Chị Vương chia sẻ: “Em rất thương anh Minh nên lúc đó điều em nghĩ đến không phải là nợ nần. Nợ mình sẽ trả được nhưng nếu bỏ, mình sẽ không kiếm được một người đàn ông như vậy nữa”.

Mẹ chồng miền Tây cho biết, bà có 5 người con, trong đó có 3 con trai. Ba con trai cưới vợ ở 3 miền khác nhau. Nhưng cô con dâu nào cũng ngoan ngoãn, có hiếu, chưa làm buồn lòng cha mẹ bao giờ.

Đặc biệt, chị Tuyết Vương là nàng dâu hoàn hảo trong mắt bà Đào. Bà kể, con dâu ở thành phố về nhưng không nề hà việc gì: nấu cơm, làm vườn, chăm sóc cha mẹ… 

Chị Vương cũng khen mẹ chồng nhân hậu, cởi mở, thương con cháu hết lòng. Chị kể: “Ngày đầu về làm dâu, sau khi cha mẹ đẻ về hết, chỉ còn lại mình em ở nhà chồng, em tủi thân khóc. Mẹ chồng ra ôm em, nói ‘ba mẹ cũng là ba mẹ của con, còn có chồng con và các anh chị em con nữa. Đây là gia đình thứ hai của con nên con đừng buồn’. Nói rồi mẹ ôm em dìu vào nhà”.

Thấy mẹ tình cảm, yêu thương mình thật lòng, những ngày đầu về làm dâu, chị Vương rất kiên trì học hỏi để thích nghi với gia đình mới. Chị phụ mẹ chồng nấu ăn, quan sát khẩu vị của các thành viên trong gia đình.

Về sau, mỗi lần về quê, chị đều tranh đi chợ, nấu cơm thay mẹ chồng. Sợ mẹ vất vả nấu nướng cầu kỳ, vợ chồng chị về không báo trước cho mẹ nữa, khi nào về đến cổng chị mới gọi mẹ ra mở cửa. 

“Em vẫn còn nhớ mãi chuyện em làm mất đôi dép khi lên bàn đẻ. Lúc ra viện không có dép đi, mẹ nhường cho em đôi dép, nói ‘con mới đẻ, đi vào cho đỡ lạnh chân, con không đi là mẹ không vui’. Mẹ bảo mẹ đi chân đất quen rồi, thế là mẹ đi chân không từ bệnh viện về quê, tay ôm giỏ đồ. Em nhìn thấy thương lắm. Dù chỉ là hành động nhỏ thôi nhưng cho thấy là mẹ rất thương mình”, chị Vương bùi ngùi nhớ lại.

Bà Đào tự nhận mình rất có phước vì cả 3 con dâu đều rất thương bà. Ba lần bà phẫu thuật, con gái chỉ ghé thăm, cho tiền, còn con dâu mới là người chăm mẹ. Không chỉ lo cơm nước, chị Vương còn tắm rửa cho mẹ chồng. Mỗi lần về quê, chị luôn xoa bóp chân cho mẹ chồng trước khi đi ngủ. Chị đi lại trước mặt cha mẹ cũng phải cúi khom người xuống. Mặc dù, bà không hề yêu cầu những lễ nghi ấy nhưng chị luôn làm vậy và dạy con y chang.

Hai mẹ con đều thừa nhận hợp tính, chưa làm nhau buồn lòng bao giờ.

Không những yêu kính mẹ chồng, nàng dâu quê miền Trung cũng rất nể phục người chị chồng. “Chị chồng là tấm gương cho tụi em. Chị xây nhà cửa, lo từng miếng ăn, mua đồ cho cha mẹ… Tụi em cứ nhìn vào cách chị chăm lo cho cha mẹ mà làm theo”.

Chị Vương bày tỏ mong muốn cha mẹ giữ gìn sức khoẻ, bớt lo nghĩ cho con cháu để anh chị yên tâm làm việc. Chị cũng chia sẻ rằng bản thân rất vui khi thấy các con mình chứng kiến bố mẹ hiếu kính với ông bà mà cũng học theo. “Con em nói cha mẹ cứ về nuôi ông bà, khi nào cha mẹ già, tụi con sẽ về nuôi cha mẹ”.