- Bán hàng hội chợ, phát tờ rơi, phục vụ, lễ tân… là những công việc thời vụ được giới trẻ ráo riết săn lùng. Mùa làm thêm dịp Tết năm nay đang sôi động và hứa hẹn nhiều mức lương hấp dẫn

 

Sinh viên nghèo mưu sinh từ Tết

Năm nay, theo ghi nhận của các trung tâm giới thiệu việc làm thì lượng sinh viên đến tìm việc làm dịp Tết nguyên đán tăng hơn so với năm ngoái.

 

“Trường mình nghỉ Tết khá sớm nên cách đây nửa tháng mình đã xin đi làm ở một quán ăn trên đường Kim Mã. Thời gian nghỉ dài, làm thêm dịp Tết lại được trả lương cao nên mình tranh thủ đi làm lấy tiền về tiêu Tết” – Bùi Thị Phương (SV năm 3 ĐH Công nghiệp Hà Nội, quê Hưng Nguyên - Nghệ An) chia sẻ.

 

Phương có mặt ở nhà hàng từ 19h và chỉ được về khi hết khách, có hôm đến 2h sáng. Phương được trả lương 100 nghìn/ngày, lại được khách “bo” tiền nên thu nhập cũng khá.

 

“Bình thường làm gì cho ra từng ấy tiền? Bạn mình đi bán hàng cả tháng cũng được trả có 800 nghìn. Số tiền kiếm được đủ mua vé xe về hôm 29 Tết, mua cho mẹ cái áo ấm và thằng em mình đôi giày” – Phương hí hửng khoe.
 

Nhiều sinh viên nữ tranh thủ đi bán hàng trước Tết. Công việc khá bận rộn vì cuối năm lượng khách rất đông

 


Cũng là mưu sinh, tranh thủ kiếm thêm chút thu nhập, nhưng trường hợp của Mai Thị Nụ (SV năm nhất, Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội, quê Thanh Hóa) lại đầy ấm ức.

 

Nụ làm cho một cửa hàng bán quần áo trên đường Cầu Giấy từ mấy tháng nay. Mỗi tháng trả lương chủ đều giữ lại 300 nghìn “tiền đặt cọc”. Nếu bỏ về trước ngày 29 thì sẽ mất việc, không được trả lương và tất nhiên là mất luôn tiền đặt cọc. Nụ ngồi ngẩn ngơ khi bạn cùng phòng đã về quê: “Mẹ mình đang ốm, nhà lại đang vào vụ cấy không ai làm cho. Nhưng nếu về bây giờ thì mất hết. Dù lương thấp cũng đành cắn răng ở lại”.

 

Đối với nhiều sinh viên quê miền Bắc, miền Trung vào học trong Nam thì việc đón Tết xa nhà đã trở nên quen thuộc. Trần Văn Đông, SV năm thứ 3 Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang từ ngày đi học chưa một lần được về quê (ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa).

 
“Tiền xe về Tết mắc lắm, cả đi cả về hơn triệu bạc, lấy đâu ra? Mỗi tháng bố mẹ ki cóp mãi mới gửi cho mình được 5-6 trăm nghìn. Thôi ở đây đi làm kiếm thêm chút tiền, ra giêng bố mẹ khỏi phải gửi”. Đông phục vụ ở một quán cà phê, lương bình thường là 700 nghìn/tháng. Còn dịp Tết được trả 100 nghìn/ngày.

 

“Những lúc đi làm thì không sao, chứ về đến phòng trọ là mình nhớ nhà, nhớ bố mẹ đến phát khóc lên được. Sáng mùng 1 lang thang ra phố, nhìn người ta đi chúc Tết mà tủi thân, gọi điện về nhà, mẹ khóc, bố khóc, mình cũng khóc. Ba ngày Tết như dài hàng thế kỉ” - Đông nói.

 

Năm nay, Đông quyết tâm về thăm nhà, nhưng nghĩ đến chi phí lúc đi, lại chần chừ chưa mua vé xe.
 

Cô sinh viên Đại học Sư phạm TP.HCM Trịnh Thị Xuân Sang quê Hà Trung (Thanh Hóa) mồ côi mẹ, bố không đủ sức nuôi con ăn học. Suốt cả năm, Sang đi làm thêm tự trang trải mọi chi phí.

 

Ngày Tết đã gần kề mà Sang vẫn tất bật công việc ở cửa hàng quần áo. “Kể ra thì Tết Sài Gòn cũng hay lắm mà chị. Có điều…hơn hai năm trời em chưa được thắp nén hương cho mẹ…” – Sang nói như khóc.

 

Sinh viên giàu khám phá Tết… từ làm thêm

 

Với nhiều SV có điều kiện khá giả, làm thêm ngày Tết được coi như một trải nghiệm mới mẻ để được ngắm nhìn thành phố trong những thời khắc cuối năm

 

Thùy Dương (HV Báo chí Tuyên truyền) theo mẹ đi làm ở khách sạn Hà Nội. Dương hồ hởi: “Đi làm thấy vui lắm nhé, nhìn người ta tấp nập chuẩn bị Tết. Mình cũng được dịp tiếp xúc với khách nước ngoài, họ nói về Tết Việt hay lắm. Mình sẽ đón giao thừa với mẹ ở khách sạn luôn, thử cảm giác đón Tết ở một nơi không phải nhà mình, chắc chắn sẽ rất thú vị”.


Thanh Hương (ĐH Mỹ thuật công nghiệp TP.HCM) cũng làm cho một công ty dịch vụ chuyển quà cho đến đêm giao thừa. “Sài Gòn những ngày giáp Tết khác lắm, mình ở đây đến 20 năm mà chưa khám phá hết cái hay của nó. Năm nay, thay vì ngồi ở nhà nhìn mẹ chuẩn bị Tết, mình sẽ đi làm cái gì đó. Năm mới sẽ có trải nghiệm mới!”.

 

Một số sinh viên ở gần Hà Nội như Bắc Giang, Bắc Ninh cũng muốn ở lại Hà Nội đến gần giao thừa, xem người Hà Nội chuẩn bị Tết. Lương Hoài Thảo (ĐH Luật Hà Nội) đã chọn công việc đi phát tờ rơi quảng cáo các nhà hàng ăn uống.

 

“Công việc làm cho mình được đi nhiều, xem không khí Hà Nội những ngày cuối năm. Tết về lại có thêm khoản tiền rủng rẻng khỏi phải xin bố mẹ” - Thảo nói.

 

Vẫn còn nhiều cơ hội việc làm dịp Tết

 

Theo bà Vân Anh - Trưởng phòng giới thiệu việc làm, Trung tâm GTVL 20-10 (Hội LHPN Hà Nội), nhu cầu tuyển lao động thời vụ dịp tết 2011 có xu hướng tăng so với năm trước. "Không những vậy, tiền công cũng nhích lên từ 20 30%, do giá cả hàng hóa thị trường gia tăng".

 

Thông báo tuyển dụng đã nở rộ trên hàng loạt trang mạng và trung tâm giới thiệu việc làm, nhưng bà Vân Anh cũng khuyến cáo các bạn sinh viên “cần chọn công việc lành mạnh phù hợp với việc học. Khi giao kết hợp đồng nên chọn hình thức ký kết bằng văn bản, trong đó nêu rõ thời gian, công việc, mức lương, thời gian thanh toán”.

 

Các nhà tuyển dụng cho biết, đến nay họ vẫn có nhu cầu rất lớn về lao động thời vụ Tết. Các bạn sinh viên muốn tìm việc làm dịp này nên đến những trung tâm GTVL lớn, có uy tín để tránh trường hợp bị lừa. 

 

Mai Hoa – Đỗ Luân