- Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng: "Trong năm nay chỉ nên động viên một số tuyến chạy ở bến xe Mỹ Đình đi đường HCM. Năm sau sẽ để các doanh nghiệp tự đăng ký, tồn tại được thì tốt, nếu không thì tự nghỉ. Không nên ép họ nghỉ bằng mệnh lệnh hành chính".
 

Trước việc Tổng Cục Đường bộ Việt Nam tiến hành phân luồng đưa xe khách lên đường Hồ Chí Minh (HCM) từ ngày 1/2, đại diện doanh nghiệp vận tải - ông  Trương Ngọc Thắng, Chủ nhiệm HTX Vận tải Miền Tây (Nghệ An) cho biết, chạy đường 1A xe doanh nghiệp của ông còn có lãi, nhưng nếu chạy đường HCM xe của doanh nghiệp sẽ không có khách, nên chắc chắn sẽ lỗ, và nhiều khả năng sẽ phải bán xe chuyển nghề khác.

Theo ông Thắng, HTX của ông có 7 xe, trong đó có 3 xe chạy ở bến Mỹ Đình, và 4 xe chạy ở bến Nước Ngầm (Hà Nội). Số tiền mua xe đều vay 90% vốn ngân hàng, 10% bạn bè, lãi hàng tháng rất lớn. Do vậy nếu chạy đường HCM xe của ông sẽ không có khách.
 
Các doanh nghiệp chạy xe đường HCM nguy cơ tai nạn rất cao, vì mặt đường nhỏ, ý thức chấp hành của người dân chưa tốt.

"Nếu xe chúng tôi phải chạy đường HCM thì xe sẽ không có khách, chúng tôi chắc chắn sẽ lỗ. Nếu chỉ vài khách trên xe mà chạy từ Nghệ An ra Hà Nội thì có 100 năm sau chúng tôi cũng không trả được hết nợ", ông Thắng nói.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho rằng: Khi đưa ra phương án này Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) phải thông báo từ sớm, và có giải pháp, quy trình để các đơn vị thực hiện một cách khoa học. Ở đây, văn bản mới ban hành mà đã thực hiện ngay, như thế là thiếu thận trọng, vì chính sách này liên quan đến doanh nghiệp, người dân.

"Thông báo sớm để các doanh nghiệp có phương án tuyến từ trước. Còn đưa xe lên rừng thì chạy bằng gì, lỗ là khó tránh. Nếu luật bắt thực hiện thì các doanh nghiệp phải tính lại. Giờ các doanh nghiệp chỉ kêu thôi, nhưng nếu kêu không được thì bỏ tuyến, lâu lâu chạy lậu vài chuyến, làm luật", ông Liên nói thêm.

Do vậy, ông Liên đề nghị, trong năm nay chỉ nên động viên một số tuyến chạy ở bến xe Mỹ Đình đi đường HCM. Năm sau sẽ để các doanh nghiệp tự đăng ký, tốn tại được thì tốt, nếu không thì tự nghỉ. Không nên ép họ nghỉ bằng mệnh lệnh hành chính.

Một số Sở GTVT các tỉnh có xe quản lý phải lựa chọn xe chạy qua đường HCM, đoạn tuyến Hà Nội – TP. Vinh (Nghệ An), như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam… đều có chung quan điểm là việc thực hiện đưa xe khách lên đường HCM rất khó, vì tuyến này không có khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ còn thiếu và yếu…

Chúng tôi đồng ý thực hiện. Tuy nhiên, còn vấn đề cần phải điều chỉnh, như tỷ lệ 30% số xe khách chạy tuyến đường HCM thì địa phương không làm được.

Chúng tôi phải chọn doanh nghiệp nào, không chọn cái nào, rồi phát sinh cơ chế xin cho, làm rối địa phương. Nên chỉ còn cách hoặc chọn 100%, hoặc không thay đổi gì hết”, ông Ngô Thanh Thiện, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện, Sở GTVT Đà Nẵng cho biết.

Đồng quan điểm trên, đại diện Sở GTVT Quảng Bình cho biết, hiện nay tỉnh này chỉ có  5 đơn vị, với 12 xe chạy tuyến Quảng Bình - Hà Nội. Nên việc lựa chọn 30% số doanh nghiệp rất khó.

"Các doanh nghiệp chạy xe đường HCM nguy cơ tai nạn rất cao, vì mặt đường nhỏ, ý thức chấp hành của người dân chưa tốt. Các đường nhánh chủ yếu là đường đất, khi xe đi qua đem đất lên mặt đường HCM, khi trời mưa mặt đường rất trơn, hệ số an toàn thấp", ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh khuyến cáo.

Đại diện Sở GTVT các địa phương đều đề nghị Bộ GTVT, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam nên đầu tư nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện các dịch vụ như hệ thống cây xăng, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng xe, dịch vụ chăm sóc y tế, cấp cứu...

Theo đại diện Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, việc phân luồng xe khách lên đường HCM khó khăn thì có nhiều. Về mặt hạ tầng, cơ sở dịch vụ… các tuyến đường mới đều gặp phải, không chỉ riêng gì đường HCM, nếu xe chạy, dịch vụ chắc chắn sẽ phát triển.

Dự kiến thời gian tới Tổng Cục Đường bộ sẽ tổ chức họp với 22 địa phương phải có xe chạy đường HCM để quán triệt, và tìm biện pháp tháo gỡ những tồn tại.

Gia Văn