- Người ta vẫn bảo phụ nữ mang thai không nên khóc nhiều! Vậy mà từ ngày anh ấy đi, hôm nào cũng khóc! Vừa sướt mướt vừa chuyện trò, kể kể với đứa con trong bụng mình đủ thứ chuyện không biết nói cùng ai...

Bị AIDS, vẫn muốn sinh con

Mang thai ở tháng thứ 5, làm xét nghiệm máu thì được bệnh viện kết luận: Tôi đã chuyển sang giai đoạn AIDS -  khả năng lây nhiễm cho đứa trẻ sẽ rất cao! Hơn nữa với tình trạng sức khoẻ như vậy- tôi có thể bị nguy hiểm tính mạng trong lúc sinh nở!

Và thế là - tôi – một người mẹ trẻ cứ mong chờ sự ra đời của con mình bằng trạng thái tâm lý hồi hộp, căng thẳng và đầy nỗi hoang mang…!

Tôi tháng thứ 7, áp lực mẹ tạo ra cho tôi và đứa bé ngày một nặng nề hơn! Để thực hiện quyết định lạnh lùng, dứt khoát, bà áp đặt cho tôi hai sự lựa chọn: Một là bà sẽ được ra thanh toán toàn bộ số tiền viện phí nếu sau khi sinh- tôi chấp nhận bỏ mặc đứa nhỏ tại đó rồi ra về một mình.

"Tôi trở dạ lúc mười giờ đêm, mẹ chở tôi tới viện sản trên chiếc xe máy. Do đã được tư vấn từ trước rằng tôi có thể sẽ tử vong ngay trong lúc lâm bồn. Mang tâm trạng lộn xộn, bao lo lắng bồn chồn" - Ảnh minh hoạ

Ngược lại, nếu cố tình lưu luyến không cắt đứt với nó, coi như tôi sẽ phải bế nó mà trốn viện vì không có tiền trả, rồi muốn bồng bế nhau đi đâu thì đi…

Tôi khóc ròng! Nhiều đêm thức trắng hai hốc mắt thâm sâu mà ruột gan rối lên như tơ vò! Làm sao tôi có thể nhẫn tâm bỏ rơi đứa con mình rứt ruột đẻ ra trở thành trẻ vô thừa nhận cho được!

Hoặc cùng lắm, tôi con bỏ trốn khỏi viện…Nhưng như vậy thì sẽ không lấy được giấy tờ chứng sinh- sau này khó làm được khai sinh, và hơn nữa sẽ còn gặp nhiều rắc rối, bất lợi cho các hồ sơ thủ tục liên quan đến tương lai của đứa nhỏ…? Phải làm sao đây chứ?

Chợt nhớ đến đôi vợ chồng đứa bạn mới cưới nhau gần đây, cả hai đều là người có HIV. Ba chúng tôi cùng là thành viên trong nhóm giáo dục đồng đẳng của địa phương…

Vậy là một ý tưởng loé lên trong đầu. Tôi vội vã tìm đến gặp họ. Khi nghe xong câu chuyện của tôi cùng lời khấn cầu xin được họ giúp đỡ, đắn đo trong dây lát… Cuối cùng thì họ cũng giúp tôi trong vai diễn giả làm một đôi vợ chồng đi xin con nuôi vì lý do nhiễm HIV nên không muốn sinh con.

Sau khi bàn bạc cùng nhau, tôi sắp xếp thời gian để họ tới nhà nói chuyện với mẹ. Theo yêu cầu của bà, buộc họ viết tay một bản cam kết sẽ chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm với đứa bé!

Cam kết sẽ đến đón nó lập tức ngay sau khi sinh, giấy tờ chứng sinh sẽ được giao cho họ, còn việc đăng ký khai sinh được uỷ thác toàn quyền quyết định thuộc về họ, phía gia đình tôi không còn bất cứ sự liên quan nào tới đứa trẻ.

Nghe mẹ tôi nói, “giấy trắng, mực đen; bút sa, gà chết!” họ nhìn nhau lúng túng, dè dặt tỏ vẻ ái ngại!

Nhưng rồi bắt gặp ánh mắt cầu khẩn đến tuyệt vọng của tôi – họ không thể nỡ lòng từ chối!

Thực sự là tôi chẳng biết kết cục của “vở kịch này sẽ đi đến đâu”. Một cách làm liều giữa lúc đang bế tắc và vô vọng!  Đành bất đắc dĩ tạm thời dàn xếp bằng “hoãn binh” như vậy thôi chứ biết tính sao.

Những ngày sau cùng của thai kỳ, vác cái bụng khệ nệ – tôi đi bộ tới gõ cửa nhà từng người bạn quen biết một, huy động mọi sự giúp đỡ của họ vào vở kịch đang sắp diễn ra những tình tiết quan trọng nhất.

Tính toán kỹ lưỡng tôi phân công thế này: Vợ chồng T – N trong vai xin con nuôi sẽ đến bệnh viện lúc tôi sinh, cầm được giấy chứng sinh trong tay rồi thì đưa con tôi về một nhà nghỉ nào đó…

Cái M. có nhiệm vụ trông nom, chăm sóc đứa nhỏ những lúc tôi chưa kịp có mặt (vì nó là đứa đã từng làm mẹ nên sẽ có nhiều kinh nghiệm chăm trẻ). Còn chị H, mọi chi phí ban đầu trước mắt, chị ấy đã chuẩn bị sẵn một khoản – tình nguyện hỗ trợ “miễn hoàn lại” cho hai mẹ con sau khi tôi bỏ trốn khỏi nhà - tìm đến với con mình (bởi tôi biết chắc dù không làm thế, mẹ cũng sẽ đuổi tôi khi chuyện lừa dối này bại lộ)…

Cuộc vượt cạn kiên cường

Tôi trở dạ lúc mười giờ đêm, mẹ chở tôi tới viện sản trên chiếc xe máy. Do đã được tư vấn từ trước rằng tôi có thể sẽ tử vong ngay trong lúc lâm bồn. Mang tâm trạng lộn xộn, bao lo lắng bồn chồn!

Để tự trấn an mình, suốt dọc đường đi, dù đau nhưng tôi vẫn hướng mặt trên trời; môi không ngừng mấp máy khe khẽ cầu nguyện – mong sao mọi sự được bình an, không xảy ra điều bất trắc, rủi ro ấy.

Đau suốt một đêm, tám giờ sáng hôm sau tôi lên bàn đẻ thì mẹ tôi về dọn hàng để dì tới trông thay. Nằm trong phòng hộ sinh, thời gian trôi đi một cách nặng nền, chậm chạp…

Tôi thấy như không còn cảm giác với từng cơn đau dồn dập đến! Chỉ còn những cảm giác tưởng chừng như thóp thoi trong hồi hộp; đầu óc căng lên như sắp đứt toang từng sợi dây thần kinh.

Nhắm mắt cầu nguyện (đó là một giải pháp tôi thường tìm đến mỗi khi lâm vào nỗi tuyệt vọng không còn sự lựa chọn!). Bám vào thứ niềm tin của thế giới tâm linh, tôi khắc khoải hy vọng vào một thế lực siêu nhiên nào đó sẽ cứu giúp cho tôi. Nhất định tôi phải sống! Phải tận mắt nhìn thấy được mấy phút giây con tôi cất tiếng khóc chào đời!

Tôi cứ nằm như vậy một mình, không một tiếng kêu la, âm thanh “thịch thịch”… đều phát ra từ tiếng máy đo tim thai đặt bên cạnh giường khiến tôi như muốn nghẹt thở.

11 giờ trưa, những âm thanh “thịch, thịch…” bỗng trở nên hỗn loạn truyền ra dấu hiệu báo động. Bác sĩ phụ trách ca đỡ đẻ bước vội sang từ phòng bên, theo sau là hai nữ y tá.

Họ nhìn nhau trong một thoáng rất nhanh… Rồi tôi nghe tiếng những bước chân vội vã… mọi động tác của họ hết sức khẩn trương nên tôi hiểu giây phút quan trọng đã đến …!

Dì tôi bấm máy gọi về cho mẹ, tôi khẽ nhắm mắt lại – xoa lên cái bụng lần cuối rồi thầm thì:

- Con yêu! Đừng nóng lòng! Bình tĩnh thêm chút nữa thôi con nhé! Con sắp được nhìn thấy cả thế giới rộng lớn này rồi đấy! Mẹ con mình cùng phải cố gắng lên nào! Mẹ yêu con biết bao!

Người  bác sĩ đỡ đẻ luôn miệng khen rằng: Trong cuộc đời làm nghề lương y bao lâu nay, ta hiếm khi gặp người mẹ trẻ nào kiên cường giống như tôi! Đau đớn thế nào cũng không nghe thấy một tiếng kêu.

Tôi thiếp đi sau một đêm thức trắng vì những cơn đau. Vừa tỉnh lại đã bắt gặp ngay gương mặt lạnh lùng hối thúc của mẹ.

- Tao mới vừa gọi cho vợ chồng thằng T, chúng nó còn đang dưới Hải Phòng! Mà chiều nay bác sỹ đã cho xuất viện luôn vì quá tải số lượng sản phụ. Giờ mày định thế nào? Nếu từ đây tới 2 giờ chiều, chúng nó không đến, nhớ là trước khi phòng sơ sinh họ gọi để trả đứa bé, tao sẽ ra ngoài làm thủ tục thanh toán tiền viện phí, nhân lúc ấy mày phải trốn luôn rõ chưa!

Tôi cứ lặng im không đáp lại. Lòng như có lửa đốt, tôi liền bấm máy:

- A lô!..Anh T à?... Sao cơ ạ?... Không về được sao?... Trời đất ơi! Em van xin hai người đấy! Vợ chồng anh đã làm ơn thì làm ơn cho trót đi cố gắng về tới Hà Nội trước 2 giờ chiều nhé! Nếu không mọi việc lỡ dở thì em sẽ phải ân hận cả đời, giúp em với nhé.

…Tôi lại căng ra trong sự chờ đợi, nước mắt ướt đẫm gối! Còn mẹ tôi cứ nhấp nhổm đi ra - đi vào, vẻ mặt co lại…

1 giờ 45 nhân viên bệnh viện yêu cầu tôi đưa chiếc dây đeo tay có in số dấu của con mình. Vậy là họ sắp trao đứa nhỏ cho tôi rồi! Vợ chồng họ còn chưa tới, làm sao đây?.

Cuống cuồng ngồi dậy, tôi đưa tay vén chiếc váy sản phụ rộng thùng thình, dài quết đất lên, lom khom đứng dậy ngó dáo dác ra các góc hành lang. Đúng lúc này, một y tá bế đứa trẻ sơ sinh bước vào, sau khi nghe hỏi đúng tên thì trao lại đứa bé:

Mẹ tôi đưa mắt chăm chăm nhìn tôi như có ý dò hỏi:

- Bây giờ mày tính sao đây?...

Ôm con trong tay, tôi ngắm nhìn nó- đầu óc mông lung. Một giọt nước mắt rỏ tong tong xuống bầu má thằng bé còn đỏ hỏn. Nó hé mắt nhìn tôi lơ láo, miệng tóp tép có vẻ đang thèm bú mẹ khiến lòng tôi trào dâng niềm xót xa. Lại lom khom bế nó ngóng ra phía hành lang…

Tôi mừng quýnh lên khi bóng vợ chồng T. xuất hiện! Lại cả cái Trang nữa kìa! Tôi mỉm cười – một nụ cười như mếu máo, suýt nữa tôi đã hét toáng lên vì mừng rỡ!

Trước mặt mẹ, đám bạn tôi cũng diễn y như là thật… họ đêm đến đủ thử: nào tã lót, mũ áo, tất tay, bình pha sữa, lại cả con dao nhỏ, đôi đũa tre cùng với nhọ nồi… cả thái độ, lời nói của họ đều giống y như thật vậy khiến tôi ngồi ngây ra đó…

Họ nháy mắt với tôi rồi đón đứa bé đi, còn tôi theo mẹ trở về nhà, ngồi trên taxi, tôi cứ ngoái đầu nhìn mãi chiếc xe máy chở theo đứa con bé bỏng của mình. Tội nghiệp quá! Mới sinh được một ngày mà thằng bé đã phải chịu gió máy ngoài đường.

Từ lúc về tới nhà, tôi thấp thỏm, lo lắng! Đứng ngồi không yên nhớ con cồn cào trong lòng. Theo như dự tính đã được bàn bạc, tôi sẽ phải ở nhà mấy ngày cho mọi việc lắng xuống rồi mới tìm cách bỏ trốn lúc mẹ tôi vắng nhà.

Điểm hẹn là nhà nghỉ Thanh Bình – các bạn của tôi, cùng con tôi đợi tôi tại đó…Không! Tôi không thể chờ thêm vài ngày nữa! Ngay lúc này tôi phải đi thôi. Tôi cũng sẽ nói với mẹ tất cả sự thật, sẽ ra đi!

Mặc cho cuộc sống của tôi và con mình rồi đây có ra sao – tôi chưa lường được hết, chỉ biết đó sẽ là một cuộc sống không có phương hướng!

Tôi chưa từng làm mẹ, sức khoẻ thì còn đang rất yếu, lại không có người thân ruột thịt nào bên cạnh.

Còn đám bạn tốt bụng thì cũng chỉ giúp đỡ đến thế là hết lòng lắm rồi! Lẽ nào cứ làm phiền đến họ mãi được sao! Tiền bạc trong tay tôi chẳng có, chị Hạnh có thanh toán tiền thuê nhà nghỉ giúp tôi thì cùng lắm cũng chỉ là tạm thời dăm bữa.

Vậy rồi sau đó mẹ con tôi sẽ đi đâu về đâu? Tôi sẽ làm thế nào để nuôi mình, nuôi con trong hoàn cảnh ấy…? Thôi cũng đành phó mặc cho ông trời, tôi không thể tính toán thêm được gì nữa cả.

Nghĩ đến đó, tôi lập tức quỳ xuống dưới chân mẹ, đem mọi chuyện nói hết với bà. Vừa nghe xong, bà nổi trận lôi đình, quơ chiếc điện thoại trên bàn ném vào tôi cho hả giận:

- Á…à, đồ lưu manh, lừa đảo! tất cả chúng mày đều là một lũ lừa đảo… dám… dám lừa tao… Mày… mày cút ngay.., cho khuất mắt…Nhớ…có chết đói…cũng đừng mò về nhà tao…nghe chưa…Mày đi ngay đi…!

Tôi bước loạng choạng về hướng cửa, đau râm ran nơi vết thương còn mới vẫn rỉ đầy máu huyết, nước mắt xối xả lần mò ra khỏi con ngõ nhỏ!

Đi bộ không được bao xa thì gặp một cụ ông đang trên đường đi tập thể dục buổi chiều, tôi xin cụ làm ơn cho gọi nhờ một cuộc điện thoại..

…Tùng lái xe tới đón tôi, đến nơi họ, vừa gặp con, tôi đã chằm bặp ôm nó riết vào lòng, nước mắt không ngừng chảy tràn xuống hai bên gò má.

Hoàng Sang – Vân Anh (còn nữa)

(Bài viết sử dụng tư liệu trong phần tự truyện của nữ phạm nhân Trần Thị Hoàng M.)