- Trao đổi với VietNamNet về tình trạng xe tải vi phạm đi vào giờ cấm, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông tại ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), Trung tá Ngô Minh Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 7 - Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết: “Xe tải vi phạm đi vào giờ cấm có giảm, nhưng vẫn còn xe cố tình vi phạm. Qua kiểm tra có một số trường hợp có giấy phép của Sở GTVT cho hoạt động ban ngày, nhưng đó là ngoài giờ cao điểm”.

Khó kiểm soát xe tải chạy vào giờ cấm


Theo ông Tiến, xe tải đi vào ngã tư Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến giờ cao điểm không chỉ gây tắc đường mà còn không an toàn giao thông khi có nhiều người qua lại. Đương nhiên, đây là trách nhiệm của các lực lượng quản lý nhà nước và lực lượng CSGT khi phát hiện vi phạm thì phải kiểm tra, xử lý.

Tính từ đầu năm đến nay, Đội 7 đã xử lý 723 trường hợp xe tải đi vào giờ cấm, trong đó riêng tháng 5, tính đến thời điểm này đã xử phạt được 29 trường hợp.

Xe tải vẫn cố tình đi vào giờ cấm trên đường Khuất Duy Tiến.

Con số này so với thực tế xe vi phạm vẫn còn quá ít, khác với hàng ngày người tham gia giao thông qua ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi vẫn phải chứng kiến cảnh xe tải ngang nhiên đi vào giờ cấm.

Trước thực tế này, ông Tiến cho hay: “Đến thời điểm này xe tải vi phạm vào giờ cấm có giảm, nhưng hết hẳn thì chưa. Qua kiểm tra, có một số trường hợp có giấy phép của Sở GTVT cho hoạt động ban ngày, nhưng đó là ngoài giờ cao điểm”.

Ông Tiến cũng thừa nhận, việc xử lý xe tải đi vào giờ cấm tại nút giao thông lớn nhất Hà Nội này hiện gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng xử lý vi phạm có hạn, trong khi lượng phương tiện xe tải lưu thông lại rất lớn.

Trung tá Tiến dẫn chứng: Đến 21h là xe tải được phép chạy vào, thì khoảng 21h kém 15 kiểu gì cũng có từ 10 đến 15 xe chạy vào nên kiểm soát rất khó khăn. Thậm chí có lúc 4 đến 5 xe đi vào giờ cấm, nếu yêu cầu kiểm tra giấy tờ thì tài xế cứ vòng quanh phải đến vài tiếng đồng hồ mới xử lý được.

Thêm vào đó, anh em CSGT không phải hạng xe nào cũng lái được, nên biện pháp cưỡng chế cũng bị ảnh hưởng khi gặp phải các trường hợp xe vận tải cỡ lớn vi phạm.   

“Lực lượng con người có mức độ và sức lực có giới hạn nên nhiều khi lượng phương tiện quá tải thì kiểm soát của mình cũng không đạt kết quả cao. Có những trường hợp khi tài xế xuống xe, CSGT yêu cầu kiểm tra giấy tờ chưa chắc họ đã chấp hành ngay”, ông Tiến cho hay.

Sau khi lắp đèn tín hiệu và tạo khu bùng binh mới, giao thông tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đã bớt lộn xộn hơn.

Để giải quyết tình thế “khó xử” khi cưỡng chế xe tải cỡ lớn, được biết Phòng CSGT Hà Nội đã chỉ đạo: Với những xe rơ mooc, xe container hoặc xe bồn chở xi măng rời khi vi phạm và bị cưỡng chế sẽ được CSGT gọi điện thuê đơn vị cứu hộ kéo vào bãi. Khi xử phạt, chi phí thuê này chủ xe phải chịu hoàn toàn.

Giao thông lộn xộn vì… chờ dự án?

Được biết, nút giao thông Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi là nút giao thông lớn nhất Hà Nội hiện nay với diện tích rộng khoảng 4.000 m2. Sở dĩ nút giao thông này rộng, bởi, đây là vị trí tương lai có từ 2 -3 dự án đi qua.

Trong thời gian tới, ngã tư này sẽ có đường trên cao nối cầu Thanh Trì với đường Phạm Hùng và tương lai không lâu nữa là đường tàu trên cao Cát Linh – Hà Đông. Điều này khiến cho việc tổ chức giao thông ở đây rất khó khăn.

Khu bùng binh được bao rộng trông như "đảo" giữa đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi

Ông Tiến cho biết: Hiện tại ở giữa ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi có một cái “đảo” rất lớn, là diện tích về sau sẽ chôn 2 trụ cầu của đường trên cao. Nên nếu bỏ “đảo” đi để lắp đèn sẽ tạo thói quen cho người tham gia giao thông, đến lúc công trình thi công, lại phải tạo lại thói quen cho người tham gia giao thông, sẽ rất mất thời gian.

“Xung quanh bùng binh rộng này dự án sẽ xin phép rào tôn để thi công và được biết Sở GTVT đồng ý, nhưng chỉ ở mức độ cho phép chứ không được cao quá sẽ chắn tầm quan sát của người tham gia giao thông”, ông Tiến cho biết thêm.

Trước luồng thông tin trái chiều về việc lắp đèn tín hiệu giao thông tại Ngã tư Khuất Duy Tiến -  Nguyễn Trãi, ông Tiến cho rằng: Khi chưa lắp đèn tín hiệu, tất cả đều đi vào rồi lại đi ra, không ai phải dừng nên xung đột giao thông đã xảy ra. Qua một thời gian, có nhiều ý kiến của dư luận nên các đơn vị quản lý đã phải tổ chức lắp đèn, dù là hơi chậm,nhưng xung đột giao thông đã giảm.

“Khi lắp đèn có chiều dừng - chiều đi không dám nói là hết hoàn toàn xung đột, nhưng chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên, do ngã tư này rộng quá nên vẫn phải bố trí nhiều lực lượng CSGT”, ông Tiến khẳng định.     

Vũ Điệp