HTML clipboard

 - Những quán bar đắt đỏ mỗi tối vẫn nhộn nhịp khách khứa. Các dịch vụ làm đẹp, spa cao cấp vẫn hút khách giàu có bởi có bão giá hay không thì nhu cầu ăn tiêu, làm đẹp của những người giàu không đổi. Và họ có đủ khả năng kinh tế để chi trả cho những dịch vụ cao cấp này, bất chấp tất cả các dịch vụ này đều tăng giá.

Rượu Tây chảy như suối

Trên các diễn đàn trực tuyến, chuyện người giàu tiêu tiền, người giàu ăn chơi, hưởng thụ thời bão giá đang trở thành một chủ đề nóng bỏng.

Nhiều người tham gia các diễn đàn khẳng định: “Đó mới là những gì các bạn nghe kể hoặc được chứng kiến một vài lần. Nếu các bạn biết thực sự người giàu tiêu tiền như thế nào, kể cả giữa lúc giá cả leo thang như thế này, thì các bạn sẽ thấy mọi chuyện không chỉ có từng đó”.

“Được lời như cởi tấm lòng”, rất nhiều người trong diễn đàn đã kể cho nhau nghe “một vài” câu chuyện ăn chơi, giải trí xa xỉ của giới giàu có mà họ từng biết, từng chứng kiến hoặc được kể lại.

Những quán bar đắt đỏ mỗi tối vẫn nhộn nhịp khách khứa - Ảnh minh họa, nguồn: MP
Hiện nay, có một quán bar mới mở trên phố Hoàng Minh Giám (Hà Nội) đang làm “nức lòng” nhiều “dân chơi” và giới giàu có muốn tìm cảm giác mới mẻ, lạ lẫm. Tại đây, khách được phục vụ tận tình, chu đáo, được mãn nhãn với những màn trình diễn quyến rũ của các nữ vũ công bịt mặt.

Giá “chát” nhưng không đêm nào khách khứa không vào ra nhộn nhịp ở nơi này. Những người đến quán bar này mà uống bia là có vẻ bị “phân biệt đối xử”, không phải bởi nhân viên phục vụ, mà bởi những người xung quanh.

Nguyên nhân dễ hiểu là bởi phần đông những người vào đây đều dùng rượu ngoại giá ít nhất cũng phải vài triệu đồng/chai.

“4 người đi, ngồi trong quán bar hơn 1 tiếng đồng hồ mà chỉ dám mon men gọi một chai rượu Tây loại bình thường và hoa quả nhưng khi thanh toán hết hơn 4 triệu đồng rồi. Có nhiều khách đến đây thanh toán một đêm lên tới vài chục triệu chứ không ít. Phải nói là với những khách này, rượu Tây là suối chảy. Quán bar càng không thiếu rượu để phục vụ nhu cầu của họ”, anh Tuấn, một khách hàng vừa đến quán bar này để thưởng thức cảm giác “thượng lưu” kể lại trên diễn đàn.

Lấy thực tế này để đối chiếu với những số liệu về tốc độ tiêu thụ rượu ngoại ở Việt Nam mới thấy thật trùng khít. Mới 3 tháng đầu năm 2011 nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu trong cả nước đã chi tới 16.5 triệu USD để nhập khẩu rượu và các loại đồ uống về Việt Nam!

Những quán bar khác trên địa bàn Hà Nội không vì bão giá mà trở nên ảm đạm, bởi đối tượng đến đây không phải những người nghèo. Người nghèo lo ăn chưa đủ, lấy đâu ra tiền để đến quán bar với mức giá 120.000 đồng/chai bia Heiniken, 50.000 ngàn đồng/chai nước lọc, 70.000 đồng/lon nước ngọt và 500-700 ngàn đồng/đĩa hoa quả, vv… Rượu Tây chất đầy dưới hộc bàn, mỗi chai có giá đều tiền triệu.

Có những vị khách tuần đến đây 2-3 lần, đều như chanh vắt, hóa đơn thanh toán đêm nào ít ỏi nhất cũng 4-5 triệu. Mọi người xung quanh (và cả bản thân tôi) cũng thấy cuộc sống ngày càng khó khăn nhưng thực sự là lượng khách đến đây không hề giảm sút. Nhu cầu ăn chơi, giải trí vẫn cao lắm!

Mỹ phẩm, spa, dịch vụ làm đẹp vẫn hot

Theo khảo sát sơ bộ tại một số thẩm mỹ viện, spa có tiếng ở Hà Nội hiện nay thì tất cả các dịch vụ làm đẹp cho chị em đều tăng giá, theo đà tăng chung của thị trường. Những phương pháp mát-xa, chăm sóc da và cơ thể được quảng cáo là đặc biệt (như dùng đá quý, đá lấy từ núi lửa, nước biển sâu, vv…) đều tăng giá khoảng 20-30%.

Nhưng đây không phải lý do để những người giàu có từ chối sử dụng sản phẩm.

Chủ một thẩm mỹ viện trên phố Cao Bá Quát cho biết: Thẩm mỹ viện của họ có những khách hàng mỗi tháng chi 20 triệu tiền làm đẹp, từ A đến Z. Khách hàng đã đẹp một lần là họ thấy rất “áp lực”.

Đây toàn những người có tiền, thậm chí rất nhiều tiền, họ chỉ quan tâm là họ có đẹp lên thực sự không, còn tiền không phải chuyện quá quan trọng.

Chị này lấy ví dụ: Mát-xa với đá quý mỗi lần mất 1,5 triệu đồng nhưng khách hàng vẫn không đắn đo lựa chọn. Với những dịch vụ đặc biệt hơn như mát-xa với đá lấy từ … núi lửa, giá “chát” mà nhiều “quý bà” rất hào hứng thử để trải nghiệm.

Nhất là dịch vụ tắm trắng với ngọc trai, giá lên tới 2,1 đến 2,3 triệu đồng/lượt nhưng mỗi ngày có không dưới chục khách hàng sử dụng, vv… Thậm chí, có những “quý bà” giàu có đến độ mạnh tay chi 11 triệu đồng để sở hữu một chai sữa tắm có khả năng chống lão hóa!

“Thực sự là giữa thời buổi này, chúng tôi không dám mở rộng thêm các loại hình phục vụ nhưng lại tập trung làm thật tốt những dịch vụ mình đang có thể mang lại sự thỏa mãn cao nhất cho những người có nhiều tiền, những người giàu có thực sự”, chị nói.

Trong khi đó, các loại mỹ phẩm xịn, mỹ phẩm xách tay có giá 6-8 triệu đồng/bộ (hạng vừa phải) và 15-20 triệu đồng/bộ (hạng cao cấp) vẫn được tiêu thụ “vèo vèo”. Chị Hồng Loan, một đầu mối chuyên cung ứng mỹ phẩm xách tay có uy tín thông qua các diễn đàn trực tuyến và mạng bán lẻ trực tuyến cho biết: “Lấy hàng đợt nào về là hết ngay đợt đó. Thực sự là có thể nhịn ăn nhịn uống một chút, nhưng nhịn làm đẹp thì … khó hơn!”

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy: Trong 3 tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp đã chi 36,4 triệu USD để nhập khẩu nước hoa và các loại mỹ phẩm. Đây là một trong những mặt hàng được đưa vào danh mục “kiểm soát đặc biệt” để hạn chế nhập siêu.

N.A

>> Đại gia tiêu tiền “khủng” thời bão giá