- Dẫu biết không còn phép nhiệm mầu nào để giữ Thầy lại trên cõi đời này nữa, nhưng thật đau lòng khi nhận được tin nhắn của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên báo tin: Thầy Hoàng Ngọc Hiến đã mất…” - Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ.

Hơn nửa thế kỷ làm thầy, dù không có học hàm giáo sư chính thức của Nhà nước, các trí thức, báo giới Việt vẫn khâm phục, kính trọng và trìu mến gọi thầy Hoàng Ngọc Hiến là giáo sư.

Thầy Hoàng Ngọc Hiến bảo vệ luận án tiến sĩ tại Liên Xô (cũ) về Maiakovski, có thể coi ông là “Nhà Maiakovski học”; là hội viên Hội Nhà văn VN từ 1987, cả cuộc đời Thầy gắn liền với văn chương và bao lớp học trò nhà văn như: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tạo, Tạ Duy Anh…

Ông là nhà văn, nhà phê bình, nhà giáo mang tầm của một nhà văn hóa. Những học trò bước chân ra đời từ trường Viết Văn Nguyễn Du không ai quên được ấn tượng mạnh mẽ về Thầy. Song hành với giáo sư Phạm Vĩnh Cư, thầy Hoàng Ngọc Hiến đã dẫn dắt bao lớp học trò trong niềm đam mê văn chương.

Không chỉ trên bục giảng, ngay cả trong ngôi nhà nhỏ đằng sau trường Đại học Văn hóa mà lũ học trò thường xuyên tìm tới vì ngưỡng mộ người đã có công phát hiện và khẳng định tài năng văn học Nguyễn Huy Thiệp, những câu chuyện giản dị của Thầy bao giờ cũng thấm đẫm tính triết học và sâu nặng tình người.

Thầy Hoàng Ngọc Hiến cạnh gốc tùng ngàn tuổi trên đỉnh Yên Tử (Ảnh chụp tháng 1/2010) - HB
Học trò của Thầy không chỉ ở trường VVND mà thành đạt trên khắp cả nước, cho nên giới trí thức vẫn ưu ái gọi Thầy là “Giáo sư của các giáo sư”.

Tận tình hết sức với trò, nhưng Thầy lúc nào cũng trong tình trạng ốm. Vợ Thầy, một người đàn bà đẹp của thế kỷ trước, luôn kể lể than phiền vì “ông ấy uống thuốc thay cơm”. Trò đến lần đầu sợ lắm vì giáo sư phu nhân luôn hỏi: “Có hẹn trước chưa? Đã gọi điện cho thầy chưa?”. Nói thế, nhưng rồi cánh cửa nhà Thầy luôn bao dung, rộng mở, đón học trò.

Tám mươi mốt tuổi trời, dù cố gắng rèn luyện thể thao hàng ngày để tăng cường thể lực, Thầy vẫn rất yếu vì bị hen suyễn lâu năm. Thầy cố gắng viết. cố gắng tham dự các chương trình, hoạt động, không ai nghe thấy Thầy kể về bệnh tật bao giờ.

Cho đến đầu năm mới 2011, bác sĩ bất ngờ phát hiện ra căn bệnh ung thư dạ dày, mổ cấp cứu cho Thầy. Quá yếu mệt, Thầy đột quỵ, hôn mê sâu. Chỉ có hai mươi ngày để vợ con cháu chắt được lo lắng cho Thầy trong đoạn cuối của hành trình. Bạn bè, học trò bốn phương biết tin cũng tìm về túc trực bên giường bệnh. Cho đến tối hôm qua, 24/1, lúc 23h, Thầy đã rời xa cõi tạm.

Đau lòng lắm, nhưng điều quan trọng hơn, ai cũng cảm nhận được ông trời đã thương Thầy, không bắt một con người cả đời năng động như Thầy phải nằm lâu một chỗ. Nhẹ nhàng thế, Thầy đã xa tất cả, những bài giảng, lũ học trò, vợ con gia thế, phiêu diêu về cõi ngàn thu.

Hòa Bình