“Lúc đầu cũng rất phấn khởi vì con bỗng dưng gần như lột xác hoàn toàn. Nhưng chỉ sau đó vài tuần, cu cậu lại trở về với “thời kì nguyên thủy”: chăn màn vẫn không buồn gấp, đồ đạc, truyện tranh vứt tanh bành khắp nhà…”.

TIN BÀI KHÁC

Nở rộ “Học kì quân đội”

Vừa muốn con cái có thể rèn luyện thêm nhiều kĩ năng ngoài sách vở, vừa để chữa cháy cho việc không có ai trông con vào dịp hè nhiều bậc phụ huynh đã tìm đến khóa học “Học kì quân đội” đặc biệt cho “các cậu ấm cô chiêu”.

Trên một diễn đàn, một bậc phụ huynh than thở: “Con mình lớn tướng mà chẳng bao giờ đỡ đần được việc gì cho bố mẹ. Suốt ngày nó chỉ cắm đầu vào điện tử, tiền cho bao nhiêu là nướng vào giải trí bấy nhiêu. Nên khi nghe chị bạn quảng cáo có khóa học này, tốn kém đến mấy mình cũng phải cho con đi “cải thiện””.


 Các học sinh tham gia một khóa học “Học kì quân đội” (Nguồn: Petrotimes)

Trên Tuổi trẻ online bạn đọc Nguyễn Hữu Minh Long (TP.HCM) cũng thắc mắc: “Em sắp nghỉ hè và muốn đi “Học kỳ quân đội” dịp này. Cho em hỏi hè này “Học kỳ quân đội” tổ chức mấy đợt? đi bao nhiêu ngày? Ngoài ra, có khóa học kỹ năng sống nào cho học sinh không?

“Học kỳ trong quân đội” (Semester in Army – viết tắt là SIA) là mô hình giáo dục đặc biệt dành cho thanh thiếu niên đã có từ lâu ở Mỹ và Hàn Quốc, được trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (TP.HCM) tổ chức thí điểm năm 2008. Theo trung tâm, các giáo trình đa phần tham khảo từ Hàn Quốc, Trung Quốc và có cải biên, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Sau thành công của chương trình giáo dục "Học kỳ quân đội" do Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam khởi xướng, hiện nay đã có 60 đơn vị khác tổ chức mô hình này. Những tên gọi gần giống như "trại hè quân đội" hay "trại hè kỹ năng sống"... kéo dài từ 4 đến 10 ngày với chi phí không hề thấp.

“Mèo lại hoàn mèo”

Có “ông trời con” lười học, lêu lổng làm vợ chồng anh H. (Hà Nội) không khỏi đau đầu. Mong muốn con thay đổi, anh chị đã cho cu cậu tham gia khóa “Học kỳ quân đội” do một công ty tư nhân tổ chức.

Thế nhưng, sau khóa “nhập ngũ” 10 ngày trở về, anh chàng vẫn chứng nào tật nấy. Thậm chí, trong thời gian làm "bộ đội" cậu bé đã kịp kết bạn với một nhóm được đưa đi "cải tạo" giống mình. Sau khóa học quân đội, con anh H. lại có thêm chiến hữu, “đồng đội” để “tác oai tác quái”.

Một phụ huynh có cho con đi học khóa học ở TP.HCM, lúc đầu cũng rất phấn khởi vì con bỗng dưng thay đổi, gần như lột xác hoàn toàn. Cậu bé tự gấp chăn màn, dọn phòng cá nhân đâu ra đấy. Thậm chí, cậu còn rủ rỉ xin lỗi mẹ vì đã hư hỏng thời gian trước đây. Nhưng chỉ sau đó vài tuần, anh chàng lại trở về với “thời kì nguyên thủy”: chăn màn vẫn không buồn gấp, đồ đạc, truyện tranh vứt tanh bành khắp nhà…

Thầy và “chiến sĩ” có tình cảm với nhau

Bà mẹ của nữ học viên Kh. (17 tuổi, Quận 1, TP.HCM) đăng ký cho con tham gia khoá “Học kỳ quân đội” của nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM với học phí 5.200.000đ, hy vọng cháu sẽ tự tin và bớt khép kín hơn. Nhưng sau khi kết thúc khoá học gần một tuần lễ từ Vũng Tàu về, Kh. thẫn thờ mất mấy ngày. Theo tìm hiểu của người mẹ thì trong thời gian ở trại, một thầy huấn luyện và Kh. đã có những biểu hiện “đầy nghi vấn”.


Một trong những nội dung của lớp "Học kỳ trong quân đội" (Nguồn: Việt báo)

Được biết, thầy S., hơn Kh. chỉ vài tuổi, đã có những biểu hiện trên mức tình cảm với cô học trò này. “Càng về sau, tụi em càng thấy giữa hai người có cái gì đó rất đặc biệt. Chẳng hạn như thầy S. hay có những câu như “bí mật chỉ riêng hai người biết”... – một bạn học của nữ sinh này cho biết.

Trước đó, nhiều vị phụ huynh cũng đã từng phản ánh “những thành quả không mong muốn” sau khi con trở về nhà. Chị T. P.C (Quận 1, TP.HCM) hoảng hốt khi nghe con kể chuyện bạn T. ở trung đội 2, vi phạm kỷ luật “tội danh” hút thuốc, đã bị thầy K. trưởng ban quản trại phạt nhét thuốc lá vào tai, mũi mỗi lỗ 1 điếu và hơn chục điếu thuốc vào miệng bắt hút thế một lần trước toàn trung đội.

Sau khi đốt thuốc xong, thầy K. giận dữ ném bật lửa xuống đất khiến nó nổ đùng trong sự khiếp hãi của các “chiến sĩ”. Chuyện các bạn nam phòng 9, phòng 10 bị bắt quả tang đánh bài đã bị thầy xé đôi bộ bài, nhét vào miệng. Hay bạn H., nghêu ngao nhảm bài hát “Em ước mơ làm siêu nhân” đã bị thầy T. tát một phát đỏ tím tái mặt mày…

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Cường, Phó giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, cho biết trên Bee.net.vn, do các chương trình diễn ra liên tục, quá tải nên các thầy giáo mệt mỏi, có thái độ hành xử quá nóng nảy.

Trên Sài Gòn tiếp thị, TS tâm lý Võ Văn Nam, giảng viên trường đại học Sư phạm TP.HCM cũng cho biết, “Học kỳ quân đội” là một khoá học bổ ích, đáp ứng được nhu cầu của nhiều phụ huynh đang có con em trong độ tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần đề phòng bởi hiện nay giáo dục kỹ năng sống là phạm trù mà nhiều đơn vị đã lợi dụng để quảng bá tên tuổi hơn là vì mục đích giáo dục thật sự.

Lan Châu (Tổng hợp)