- Vào khoảng 21 giờ tối qua, ngay khi trận động đất diễn ra tức thì tại một số nước Đông Nam Á, các công dân của mạng xã hội đã liên tục cập nhật thông tin để chứng thực động đất là có thật, thăm hỏi tình hình của nhau và cùng chia sẻ cảm giác.



Người dân Hà Nội nháo nhào chạy động đất

Tại Hà Nội, Lê Minh - một cư dân chăm chỉ của facebook và các trò chơi trên mạng - sống tại tầng 15, nhà 18T1, Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội). Ngay khi vừa kịp định thần để nhận ra là có động đất xảy ra - anh lập tức lao vào máy tính, mở mạng xã hội và gõ liên hồi bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt: "Bà con ơi, có động đất! Động đất 100%".

Ngay lập tức, điện thoại của anh Minh réo liên hồi từ những người bạn thân cùng sống ở chung cư để hỏi han xem "Có bị sao không? Có phải vừa có động đất không?". Vừa "buôn" qua điện thoại di động, vừa trả lời bạn qua mạng xã hội, anh Minh không khỏi bàng hoàng.

Để cho mức độ loan báo rộng rãi hơn, anh mở nick Yahoo chat, và treo status tương tự. Bàn phím máy tính của Lê Minh như muốn vỡ nát khi anh cố sức diễn đạt cảm giác mà anh vừa trải qua, mà như anh nói, đó là một cảm giác "rất khó tả", nhất là khi lần đầu tiên trải qua động đất ở bối cảnh hết sức ... tế nhị.

Đó là vào lúc 9 giờ tối hơn, anh đang chuẩn bị vệ sinh cá nhân để chuẩn bị đi ngủ. Khi đang ngồi trong toilet, anh chợt thấy chao đảo. Vốn có tiền sử về huyết áp thấp, anh cảm nhận rõ hơn những dấu hiệu và cảm giác của cơn hạ huyết áp bất thường. Cơn chao đảo dần mạnh hơn và không hề có tiếng động nào từ tòa nhà, thay vì lo sợ, trong tích tắc anh lại thấy xấu hổ vì sợ bị quỵ xuống trong tình huống không thể tế nhị hơn.

Trong lúng luống cuống bấu víu vào tường, anh chợt nhìn thấy mắc treo khăn tắm đung đưa mặc dù phòng kín gió. Hình ảnh nước Nhật bị động đất dữ dội đủ khiến anh hiểu rằng "cơn chao đảo" trong hơn 10 giây vừa rồi là một trận động đất. Động đất thật sự! Lần đầu tiên trong đời, anh biết thế nào là động đất.

Ở phòng khách, bố của anh Minh chờ con trai ra khỏi phòng tắm và gọi con lấy máy đo huyết áp, vì thấy mình bị choáng và sợ do bị tăng huyết áp đột ngột. Dù được con trấn tĩnh là có động đất, ông vẫn đo lại huyết áp cho cẩn thận.

Bên ngoài cầu thang, các hộ gia đình khác nháo nhào lao ra, túa xuống các cầu thang cứu hộ và cả cầu thang máy để xuống dưới tầng 1. Quản trị tòa nhà thông báo cho các hộ gia đình về trận động đất, và khuyên mọi người khóa cửa, xuống khu vực sân rộng cho an toàn.

Anh Minh quyết định không xuống dưới nhà, mà ngồi lại máy tính để cập nhật các thông tin động đất và báo cho bạn bè. Một người bạn của anh than thở khi hình dung tới bộ phim Thảm họa 2012: "Thiên tai liên miên thế này, nhỡ khi phim đấy có thật thì sao?

Tương lai những con đập ở Trung Quốc

Siriluk Sriprasit, 28 tuổi, sống ở Chiang Mai (Thái Lan) là một trong những người đầu tiên đưa thông tin lên mạng Facebook về trận động đất tại Thái Lan. Để trấn tĩnh bạn bè, cô liên tục chia sẻ các nguồn tin khác nhau để mọi người được biết về cường độ cũng như quy mô của trận động đất.

Siriluk là một phóng viên chuyên theo dõi mảng môi trường, do đó, cô có thể nhanh chóng tìm được thông tin về cường độ của trận động đất trên trang earthquake.usgs.gov. Theo thông tin trên trang này, tâm chấn của động đất ở Myanmar, với cường độ ghi lại là 7 độ richter. Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng từ trận động đất này, đặc biệt là ở Chiang Mai, vì nó gần biên giới Myanmar và Lào. Ở Chiang Mai là 6.8 độ richter. Việt Nam cũng nằm trong khu vực bị ảnh hưởng.

Siriluk đã kết nối thông tin của các bạn bè mình trên facebook.. Các bạn cô cho hay: người dân tại các khu vực xảy ra động đất rất hoang mang. Một số khu vực tại Chiang Mai còn bị mất điện.

Cô chia sẻ: "Tôi chợt nghĩ đến tòa nhà cao tầng phía sau đại học Chiang Mai. Thật đáng lo ngại...". Siriluck còn lo hơn khi nghĩ đến những tòa nhà cao tầng ở Bankok, và không biết những tòa nhà này được thiết kế như thế nào, có khả năng chống chịu với các chấn động như trận động này hay không.

Năm 2010, Siriluk tham dự một chương trình bảo vệ môi trường và có cơ hội đi dọc hạ lưu sông Mekong, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long. Nỗi lo sợ của cô trở nên nghiêm trọng hơn khi hình dung ra những con đập ngăn nước tại Trung Quốc. "Giờ thì mọi người nhạy cảm hơn với những con đập khác ở Trung Quốc, Jang (một người bạn của Siriluk) bắt đầu thấy lo cho những người dân sống gần khu vực hạ lưu của những con đập này."

Động đất trên mạng

Kết luận sau vụ động đất vừa rồi, Siriluk Sriprasit cho rằng: "Trong những lúc bối rối thế này, không có phương tiện truyền thông nào hữu ích và mạnh hơn mạng xã hội và phương tiện chat".

Cập nhật các thông tin về động đất trên Facebook, Chanita Techamool (Thái Lan) cũng cảm thấy "choáng" khi không ngờ rung chấn có quy mô và cường độ mạnh đến thế.

Còn tại thủ đô Bangkok, Cherry Sricharatchanya vẫn đang hăng say "thu hoạch" và "cày cấy" trên trò chơi Farmville (của Zinga) và không hề hay biết về trận động đất.

Trong khi đó, bạn bè của Cherry không ngừng loan báo về thông tin này. Petchanet - một người bạn của Cherry - lập tức vào trang facebook của người bạn là Zeya Thu sống tại Myanmar và hỏi thăm tình hình.

Zeya Thu sống ở thủ đô Yangon. Anh không cảm nhận được trận động đất và trấn an rằng mọi người ở khu vực này đều an toàn. Tuy nhiên, theo thông tin anh nhận được từ bạn bè và người thân thì tại Myanmar có tới 2 trận động đất, chứ không phải là một trận như tin đã đưa.

Sau khi được biết bạn bè, người thân của mình đều an toàn, một số người bạn của Zeya bình luận: "Giờ đây, nhân loại phải liên tục chống chịu với thiên tai". Có nhiều người cảm thấy bất an khi có quá nhiều trận động đất dồn dập xảy ra trong thời gian gần đây, từ NewZealand cho tới thảm họa kép tại Nhật Bản.

Thu Lượng