Nhật Bản đang đối mặt với những hậu quả khủng khiếp sau thảm họa động đất và sóng thần. Tuy nhiên, sự dũng cảm, bền bỉ cùng nhiều đức tính khác chắc chắn giúp người dân nước này vượt dậy.

Cận cảnh 50 "samurai" cứu Fukushima
Nhật lại phát hiện phóng xạ trong 11 loại rau, sữa
Nhà hàng Nhật trong nỗi lo phóng xạ
Nhật bắt đầu nối lại sản xuất sau thảm hoạ
Thảm họa và nhân cách người Nhật


Các binh sĩ khiêng xác các nạn nhân tại một ngôi làng bị sóng thần phá hủy ở Yamadamachi, đông bắc Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Thảm họa nối tiếp thảm họa: động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ. Thế nhưng, người Nhật Bản vẫn điềm tĩnh đối đầu với các nỗ lực giải cứu và hỗ trợ, từ việc khắc phục tình trạng mất điện tới việc cung cấp nơi ở cho khoảng 400.000 người vô gia cư và phun nước làm lạnh các lò phản ứng quá nóng.

Giai đoạn sau thảm họa - phục hồi và tái thiết - mới chỉ bắt đầu. Và để đạt được mục tiêu đó, một loạt phẩm chất mới bên cạnh hai đức tính đáng nể sẵn có - sức chịu đựng và sự điềm tĩnh - đã được người Nhật bộc lộ sau thảm họa ngày 11/3. 


Gan dạ


Lo sợ có thể làm tê liệt một xã hội sau khi phải chịu đựng một thảm họa tự nhiên hoặc nhân tạo. Do vậy, các bài học được rút ra để tránh lặp phải những sai lầm giống nhau - chẳng hạn các biện pháp bảo vệ trước một trận sóng thần nữa hoặc tránh để cho hệ thống làm lạnh của các nhà máy điện hạt nhân bị hỏng hóc.

Tuy nhiên, ngay cả những biện pháp phòng ngừa như vậy cũng sẽ không hiệu quả nếu một xã hội bị tê liệt vì sợ hãi bao trùm. Con người cần hy vọng và chọn lựa các giải pháp để vượt qua những tổn thương cá nhân và chung sức hành động hướng tới phục hồi.

Nhật Bản cũng sẽ phải giải quyết các nhu cầu về tinh thần cho những người bị ảnh hưởng bởi liên tiếp các sự kiện gần đây. 

Cương quyết


Thảm họa thường buộc một cộng đồng phải định nghĩa lại chính mình hoặc tìm ra những hướng đi mới. Nhật Bản cũng không khác biệt.

Ví dụ điển hình nhất là Greensburg, Kansas, một thị trấn nhỏ bị lốc xoáy hủy diệt năm 2007. Thay vì bỏ hoang nơi này, các lãnh đạo đã quyết định tái thiết theo hướng "thân thiện với môi trường", áp dụng các ý tưởng về phát triển và năng lượng bền vững. 

Nhật Bản có thể dùng chính thảm họa để định hình lại xã hội, đặc biệt ở khu vực bị ảnh hưởng phóng xạ và sóng thần. Chẳng hạn, để đối phó với một nền dân số đang già hóa và suy giảm, Nhật Bản có thể nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội, cho phép họ đóng góp nhiều hơn nữa vào nền kinh tế. Và để tránh cho kinh tế bị trì trệ hơn nữa, nhiều cách thức mới có thể được tìm ra để thúc đẩy sự khám phá và sáng tạo về khoa học công nghệ. 

Đoàn kết

Nếu nói chính trị Nhật Bản đang phải chịu đựng sự bất hòa là còn nhẹ. Nước này có tới 5 nhà lãnh đạo trong 5 năm. Tuy nhiên, những bất đồng đó trở thành rất nhỏ khi nước này đối mặt với thách thức. 

Đến nay, Thủ tướng Naoto Kan đã thể hiện những đức tính khiêm tốn, minh bạch và tài năng lạnh đạo mà có thể thống nhất được các chính trị gia trong việc thông qua ngân sách cần thiết cho tiến trình phục hồi và thực thi những cải cách bị trì hoãn từ lâu.

Giờ không phải là thời điểm cho các trò chơi quyền lực. Chính phủ của ông sẽ cần phải hoặc tăng thuế, hoặc thông qua khoản ngân sách 200-300 tỷ USD để xây dựng lại các khu vực phía đông bắc. Chỉ có một đòn bẩy nhanh chóng mới có thể tránh cho nền kinh tế bị chậm lại như dự đoán. 

Và bằng cách thông qua nhiều biện pháp, các chính trị gia Nhật sau đó phải chứng tỏ họ có cùng một nguyện vọng chính trị là xử lý khoản nợ khổng lồ của đất nước gấp khoảng 2 lần tổng sản phẩm quốc nội (hơn 5.000 tỷ USD).

Vị tha

Thảm họa thường dẫn đến tình trạng đổ lỗi cho nhau. Một số thảm họa khiến người ta thấy cần phải sửa đổi nhưng một số khác lại dẫn tới một trò chơi quy tội lớn hơn. Chẳng hạn, Washington hiện vẫn đang tranh cãi về nguồn gốc của cuộc đại suy thoái 2007-2009, khiến cho nhiều ý tưởng cải cách vẫn còn nằm trên bàn thảo luận.

Người Nhật đã thừa nhận họ thiếu sự sẵn sàng. Họ cần phải cân bằng giữa việc buộc các quan chức chịu trách nhiệm và tạo ra một bầu không khí mà không dẫn tới việc giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống. 

Cởi mở

Người Nhật xúc động trước lòng tốt của nhiều nước sau các thảm họa. Ví dụ, Trung Quốc và Nga đề nghị viện trợ - bất chấp sự lạnh nhạt của họ với Tokyo trong thời gian gần đây. Và để giúp cho xuất khẩu Nhật, Nhóm G7 gồm các nền kinh tế tiên tiến đã hợp tác với nhau để can thiệp vào các thị trường tiền tệ và ngăn chặn một sự nâng giá quá mức đồng Yên trước đồng đôla Mỹ. 

Sự biết ơn này có thể mở cửa cho một xã hội thường khép kín của Nhật Bản tới những cách thức hành động mới. Người Nhật có thể cởi mở hơn trước các ý kiến mới từ nước ngoài - trong đó có lao động nhập cư - để giúp họ phục hồi. 

Tất cả những phẩm chất này là cần thiết không chỉ cho phục hồi mà cho cả việc xua tan đám mây đen vốn đã phủ bóng lên nước này trước khi xảy ra động đất. 

Thanh Hảo (Theo CSMonitor)