-Gần Tết, như là một cái lệ, phụ huynh nào dù giàu, dù nghèo cũng chuẩn bị phong bao "chúc Tết" giáo viên dạy con mình từ vài trăm ngàn đến một triệu đồng. Ở thành phố lớn, mỗi giáo viên bậc mầm non, tiểu học nhận quà biếu từ phụ huynh có thể lên tới vài chục triệu cho một cái Tết là chuyện thường.

Phụ huynh bây giờ thích "bỏ phong bì"?

Chị Thùy Vân ở quận Tây Hồ, Hà Nội có hai đứa con đi học lớp một và mẫu giáo nhỡ. Tết gần đến, nhà chưa chuẩn bị cái gì nhưng đã bỏ sẵn phong bao 500.000 đồng cho cô giáo tiểu học dạy đứa lớn. Đứa nhỏ học những hai cô giáo mầm non nên chị phải chi 800.000 đồng/hai phong bì. Chị bảo: "Vừa là cái lệ, không đi không được, vừa là thật lòng cảm ơn cô giáo đã trông nom con mình trong suốt năm vừa qua (mặc dù các ngày chính như 20-11, 8/3, tết dương lịch vẫn quà cáp đầy đủ, tuy số tiền ít hơn, chỉ khoảng 100 ngàn-200 ngàn đồng)".

 

Một giờ học ở bậc tiểu học. Ảnh mang tính minh họa. Ảnh Tú Uyên

Một nữ đại gia về bất động sản tiết lộ, cứ mỗi dịp xuân về, chị thường bỏ phong bao cho mỗi giáo viên chủ nhiệm dạy con mình ở tiểu học và THCS từ là 100 đến vài trăm đô la. Doanh thu mỗi tháng của chị lên đến 1 tỉ đồng nên số tiền kia "chẳng đáng là bao, nhưng đưa cô nhiều hơn cũng không tiện, vì còn phải nhìn những phụ huynh khác trong lớp", chị cho biết.

Rất nhiều phụ huynh đã chọn giải pháp "phong bì" cho nhanh và gọn nhẹ, vì Tết gần tới, ai cũng bận bịu việc cơ quan, rồi việc bên nội, bên ngoại. Chỉ có những phụ huynh cầu kỳ mới mua thêm chút quà rồi bỏ phong bì vào đó, nhưng món quà cũng tượng trưng, chỉ là nơi bỏ phong bì cho lịch sự hơn.

Một giáo viên dạy văn ở bậc THCS cho biết, Tết năm ngoái, nhiều phụ huynh đã xa gần nhắn nhủ cô từ vài tuần trước Tết rằng "ở phố cổ có hàng giò bò ngon nổi tiếng, rồi lạp xưởng ngon ở đâu, hay cô đừng mua thịt bò nhé, tôi biết chỗ bán thịt bò xịn, ngon nhất Hà Nội"...Có thể nói, cô là chủ nhiệm của một lớp toàn con nhà giàu, lại dạy tốt, làm cho học sinh thích thú học văn, rồi có những học sinh chỉ nghe lời cô giáo chứ không nghe bố mẹ nên phụ huynh "chăm sóc" cô rất nhiệt tình. Năm nay, cô quyết định không sắm Tết, vì phụ huynh đã "đăng ký" đầy đủ của ngon vật lạ cho cái Tết nhà cô rồi. "Nếu có sắm lại thừa", cô cho biết.

Chị Thúy Quỳnh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội lại có ý tưởng thích chưng diện cho cô giáo. Ngày nghỉ gần Tết nhất, chị sẽ mời cô giáo đi "shopping" mua quần áo, dày dép, khăn quàng hiệu Espirit. Mỗi vụ như vậy mất vài triệu là chuyện thường, nhưng với chị, quan trọng cô thích thú, vui vẻ là được. "Đưa tiền có khi cô cũng chẳng thích bằng, vì đa phần phụ huynh trong lớp đều làm như vậy", chị cho biết.

Nhiều giáo viên giàu vì Tết

Tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, mỗi lớp mầm non hay tiểu học thường có 40-50 HS/lớp. Hầu hết phụ huynh đều có lệ bỏ phong bì mừng Tết, mức phổ biến là 500.000 đồng/phong bì. Như vậy mỗi giáo viên có thể nhận được 20-25 triệu đồng cho một cái Tết. Đó là chưa kể, quỹ phụ huynh lớp cũng trích một phần khoảng 500 ngàn-1 triệu đồng để chúc Tết cô.

Một phụ huynh kể, gần Tết là diễn ra những cảnh vừa vui, vừa buồn tại các lớp học. Ai có phong bì là đến giúi vào tay cô giáo, ai có quà ở trong kèm phong bì thì trông thái độ thoải mái hơn cho người cho và người nhận.

Một nữ giáo viên mầm non tâm sự, hồi mới vào nghề, nhận phong bì từ phụ huynh rất ngại. Không nhận, phụ huynh bắt phải nhận bằng được. Đối mặt với cuộc sống của chính mình, không nhận cũng không thể được, vì thu nhập từ nghề này chỉ vài triệu/tháng mà lại áp lực và mệt kinh khủng. "Là người mẹ có con đi học tiểu học, tôi cũng phong bì cho cô giáo con tôi, tôi cũng nghe được những gì phụ huynh nói đằng sau cô giáo, nhiều lúc tủi thân lắm nhưng việc này thật là bế tắc", chị tâm sự.

Có người "phong bì" cho cô thì vui vẻ, có người trước mặt thì vui vẻ nhưng đằng sau nói cô giáo chẳng ra sao, có người xót của cứ kêu ca trước mặt con nhỏ. Điều nguy hiểm nhất là trẻ con biết cha mẹ mang tiền đến biếu cô ngày nọ ngày kia, rồi lớn lên chúng sẽ ra sao, một phụ huynh ngậm ngùi.

Chị Lan Anh, một người đã có nhiều năm sống ở nước ngoài cho biết, "ở các nước phát triển, không có cảnh phong bì ngày nọ ngày kia vì giáo viên sống thoải mái bằng lương, còn bậc mầm non và tiểu học thì không mất tiền học phí, chỉ chút ít tiền ăn quà tại trường. Giáo dục trong môi trường như thế đã loại bỏ những yếu tố thực dụng ra bên ngoài. Giáo viên và học sinh chỉ có niềm vui dạy và học, chứ không có ai mang ơn ai. Dư luận gần đây cho rằng phải tăng ngân sách cho giáo dục, nhưng tôi nghĩ điều này rất khó và là chuyện "khổ lắm, nói mãi". Có thể nói có khi tới trăm năm nữa giáo viên mới sống được bằng lương.

 

Món quà tặng đi như thế nào sẽ nhận được kết quả thế ấy. Sống trong thế giới vật chất thì vật chất là quan trọng. Môi trường giáo dục có là nơi dạy người ta bay bổng lên trên những tầm thường của cuộc sống hàng ngày khi mà thái độ trọng vật chất đến từ người cho và người nhận? Dạy tình yêu đối với kiến thức như những người thầy thuở nhỏ của GS. Ngô Bảo Châu mà không màng đến vật chất mới sinh ra được người tài và tâm hồn lớn, một phụ huynh chia sẻ.

Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng cho biết:

"Muốn giáo dục đi lên trước hết hãy quan tâm đến đời sống nhà giáo, làm sao để họ có thể sống được bằng lương. Bao nhiêu năm qua GV ở ta vẫn chưa sống được bằng lương, điển hình nhất là mỗi lần tết đến, mức thưởng tết của người GV có khi còn thua bao lì xì dành cho trẻ em.

Để sống được bằng lương, nhà giáo phải có thu nhập không thấp hơn thu nhập trung bình trên đầu người của khu dân cư họ đang sống. Có thể tạm tính như thế này: theo văn kiện Đại hội Đảng ở TP.HCM, mức thu nhập bình quân trên đầu người của người dân TP là 2.800 USD/năm 2010, tính ra tiền Việt khoảng 56 triệu đồng.

Một GV ngoài việc phải nuôi sống bản thân còn phải nuôi con và cha mẹ già. Tính một cách khiêm tốn mỗi GV sẽ nuôi một đứa con và 1/2 cha mẹ già, 1/2 cha mẹ già còn lại để anh em khác cùng lo.

Như vậy thu nhập một GV phải đủ để nuôi sống 2,5 người tính cả bản thân: 56 triệu đồng x 2,5 = 140 triệu đồng, tức mỗi GV ở TP.HCM phải có thu nhập 140 triệu đồng/năm hay khoảng 11,6 triệu đồng/tháng.

Tôi tha thiết mong Đại hội Đảng toàn quốc lần này đặt ra nhiệm vụ là làm cho người GV sống được bằng lương. Sống được bằng lương từ đó mà còn thấy yêu nghề, có động lực để sống chết với nghề. Cấp ủy nào để mức thu nhập cho GV thấp hơn thu nhập trung bình của địa phương mình (như tạm tính ở trên), coi như phạm khuyết điểm không hoàn thành nhiệm vụ đối với giáo dục.

Nhà giáo không thể sống bằng tinh thần mãi.

Bước chân vào một nghề mà biết chắc nó sẽ nghèo hơn những nghề khác thì lấy đâu ra người giỏi vào học sư phạm! Khi ngành sư phạm không thu hút được người giỏi thì chính xã hội sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.

Tú Uyên