-  Sau  khi đọc bài “Cơ hội vàng trước mắt, doanh nghiệp Việt chỉ biết… đứng nhìn”, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi đến Báo VietNamNet.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Do thiếu tầm nhìn?

Bạn đọc Trần Văn Sơn, email tranvanson89@gmail.com viết: “Bài này nói lên được phần nào thực trạng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không có cơ hội phát triển trong giai đoạn hiện nay.
+ Chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chưa công bằng, còn thiên vị, chưa xây dựng được một hệ thống chế độ khuyến khích phát triển cụ thể, chưa xây dựng được một hệ thống chế tài nghiêm khắc.
 + Việc hoạch định kế hoạch tài chính Quốc gia hiện tại tôi thấy chưa được khoa học ví như trong y học chỉ có tác dụng như liều thuốc kháng sinh, nhưng không có thuốc bổ và không có thức ăn bồi dưỡng. Hệ thống tài chính như là hệ thống mạch máu trong cơ thể con người, chúng ta khóa van lại mà không lường đương nhiên sẽ xảy ra điều gì?”

Theo email taidnhano@yahoo.com.vn thì: “Do thiếu tầm nhìn dẫn tới  kết quả phát triển kém bền vững. Doanh nghiệp tư nhân thì chưa đủ tầm về trình độ quản lý, công nghệ, vốn, chưa vượt qua được tư duy chộp giật nên chưa chắc đã nhìn ra cơ hội hoặc lực bất tòng tâm.Các Tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhà nước lại mê đầu tư vào các ngành nghề "mì ăn liền", lĩnh vực ngoài ngành để có lợi ích ngắn hạn mà bỏ qua phát triển công nghệ cao, ngành nghề phụ trợ. Chính phủ mà hoạt động hai vai: Vừa quản lý nhà nước vừa như một “siêu doanh nghiệp”, dẫn tới kết quả như vậy chăng?

Xuất khẩu 10 năm nay vẫn Dầu thô/Dệt may/ Nông sản/ Thủy sản, rất hiếm sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu.”


Email tainansha@yahoo.com lo lắng: “Cơ hội của chúng ta không kéo dài vì:
- Dân số nước ta đang chuẩn bị già hóa.
-Lợi thế về giá cả lao động ngày càng giảm
-Các chi phí về cơ sở hạ tầng cao không kém các nước trong khu vực trong khi chất lượng phục vụ thì thấp
-Giá cả ngày càng có xu hướng cao
-Không tự chủ được trong khâu sản xuất nhiều mặt hàng, hầu hết là nhập khẩu từ A-Z còn lại là do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chiếm lĩnh
Nói chung chúng ta chỉ có đất cho thuê, sức lao động rẻ mạt và điện nước cho thuê, doanh nghiệp nước ngoài kiếm bộn nhưng họ lại chuyển hết lợi nhuận về nước.”

(ảnh minh họa)

Những “điểm nghẽn” cần giải tỏa?

Email talaweb.com@gmail.com viết: “Thường có dự án chính của các doanh nghiệp lớn đầu tư vào, người ta mới lo các doanh nghiệp vệ tinh hoặc phụ trợ.

Ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan... các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển bởi các dự án lớn được triển khai trên đất của họ, các sản phẩm phụ trợ phải được sản xuất ở gần họ nhất để cơ động và đỡ tốn chi phí lưu kho, vận chuyển, hàng rào thuế quan.... do vậy họ họ không ưu tiên phương án sang Việt Nam đi đặt hàng các thiết bị phụ trợ, do vậy ở Việt Nam, ngành này không phát triển.

Để phát triển bất kỳ thứ gì cũng cần thời gian, môi trường đầu tư thông thoáng... và quan trọng là khiến cho nhà đầu tư thấy có lợi nhất là họ sẽ dịch chuyển các dự án chủ lực của họ sang, và đương nhiên khi họ đã chịu đầu tư sang Việt Nam thì tự nhiên ngành phụ trợ được phát triển.”


Email bigbaby2902@yahoo.com đặt câu hỏi: “Ngành dệt may của Việt Nam cũng tương đối phát triển mà sao ngành phụ trợ vẫn èo uột thế, ngay cả đơn giản như cái nút áo cũng phải nhập khẩu từ Trung Quốc? Liệu đây có là lý do (nếu không nói là lý do rất quan trọng) mà các nhà đầu tư không đến?"

Email talaweb.com@gmail.com “hỏi” lại: “Ở Việt Nam chỉ là ngành gia công may mặc phát triển chứ đâu phải ngành dệt may phát triển đâu nhỉ? Nó cũng bị quy hoạch y như ngành lắp ráp xe hơi ấy...

Đây là ý kiến của email taidnhano@yahoo.com.vn: “Ngành lắp ráp ô-tô được nhà nước bảo hộ 100%, còn ngành dệt may thì không có cơ hội như vậy. Ngành dệt may cũng có các dự án tăng tốc phát triển từ những năm 2000, nhưng không thành công như mong đợi, lý do vẫn là tư duy nhiệm kỳ và hầu hết các dự án đều không nghiên cứu kỹ nên không khả thi.”

Email talaweb.com@gmail.com chia sẻ: “Đến ngành lắp ráp ô- tô được bảo hộ 100% mà từng con ốc, cái lốp (mặc dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cao su) vẫn phải nhập huống hồ ngành gia công may mặc (không có xưởng dệt nào lớn sản xuất vải cạnh tranh được trên thị trường) vốn không được ưu đãi nhiều, nên cái cúc khuy hay cái khóa cái móc cũng không được chú ý sản xuất là đúng thôi.”

Đây là quan điểm của bạn đọc Phan Bảo Lâm, email phan_lam15@yahoo.com: “Cơ hội không tự nhiên mà có, chủ yếu là do các bên tự tạo ra. 2 trong số nhiều bên ăn khớp với nhau một cách thông suốt tạo thành cơ hội vàng. Vấn đề đối với chúng ta là làm sao dự đoán và nắm bắt cơ hội.

Chuyển giao công nghệ thực chất là chuyển giao tri thức. Trình độ công nghệ của nước tiếp nhận chỉ kém nước chuyển giao 1 bậc thì mới nhận chuyển giao được.


Muốn cho người ta đầu tư công nghệ chế tạo vào Việt Nam thì tự bản thân Việt Nam phải có ngành công nghiệp chế tạo, dù lạc hậu hơn nhưng vẫn tương đối đáp ứng yêu cầu. Không có ngành này hoặc có mà quá lạc hậu gần như là con số 0 thì tiếp nhận đầu tư kiểu gì? Không có nhà đầu tư nào chỉ muốn đầu tư gia công lắp ráp ở Việt Nam, về lâu về dài sẽ làm đội giá thành sản phẩm do phải nhập khẩu chi tiết lắp ráp. Tuy nhiên, Việt Nam trong cả quá trình dài hàng chục năm không khuyến khích phát triển công nghiệp chế tạo thì nhà đầu tư nước ngoài dù không muốn cũng vẫn phải dừng lại ở gia công lắp ráp. Điều này gây bất lợi cho cả Việt Nam và nhà đầu tư. Việt Nam bất lợi thế nào là việc của Việt Nam, nhà đầu tư bất lợi thì họ chuyển sản xuất sang nước khác.

Tất cả các nước đi lên từ nghèo nàn lạc hậu như Trung Quốc, Hàn, Đài, Ấn, Sing, Thái, Mã, .....đều đi lên từ lượng (tức là từ gia công lắp ráp) đến chất (sản xuất hoàn chỉnh) theo vòng xoáy tiến bộ công nghệ. Trong giai đoạn đầu khi GDP (mức xuất phát điểm) còn thấp, lao động cơ bản (chưa qua đào tạo) chiếm đa số, các ngành sử dụng nhiều lao động được ưu tiên khuyến khích phát triển trước. Những ngành này chính là những ngành sử dụng lao động có công lao động rẻ. Mua 9 bán 10 lãi 1. Tích tụ cái lãi nhỏ nhoi ấy để chuyển từ lượng sang chất. Lãi tích tụ thành vốn, vốn đầu tư vào những ngành ngon hơn là các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử tuy đòi hỏi trình độ lao động cao hơn nhưng lãi cũng lớn hơn. Lúc này sẽ là mua 5 bán 10 lãi 5. Mức độ tích tụ vốn càng nhanh càng lớn sẽ có điều kiện để đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ phát triển thì sẽ trở thành mua 1 bán 11 lãi 10. Lúc ấy ta đương nhiên trở thành nước phát triển về kinh tế. Nhưng ở ta, vốn tích tụ từ lãi 1 lại chuyển sang đầu tư đất đai, mua bán chứng khoán lòng vòng, đầu cơ vàng và ngoại tệ…”


"Có thể bỏ lỡ cơ hội trong hiện tại, thì vẫn còn những cơ hội khác đến trong tương lai, nhưng những "điểm nghẽn" phải được giải quyết. Nếu không, thì cơ hội mãi mãi vẫn chỉ là cơ hội và doanh nghiệp của chúng ta chỉ biết đứng nhìn các quốc gia khác đón nhận. Vấn đề này, tôi xin dành cho các nhà nghiên cứu Kinh tế của Việt Nam”, đó là ý kiến của email tdnceo@gmail.com.

Ban Bạn đọc