Sáng 22/4, phát biểu khai mạc hội nghị gặp mặt nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho khu vực FDI phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhắc lại thông điệp mà ông đã nói nhiều lần là "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự" nhưng xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật theo quy định để bảo đảm, bảo vệ những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng, với sự phát triển chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: Nhật Bắc)

Bên cạnh việc đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài thời gian qua, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển và mong muốn của cả hai phía.

Điểm lại tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là các hoạt động đầu tư nước ngoài, Thủ tướng cho rằng, cần phải có niềm tin, sự chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành.

Trên tinh thần đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu, đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư phát biểu ngắn gọn, tập trung nêu rõ vấn đề, đề xuất kiến nghị cụ thể với tinh thần thẳng thắn, chân thành, cởi mở, trách nhiệm.

Nguyên tắc được Thủ tướng nêu ra là “khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.

"Nếu chúng ta tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng nhau thì mọi vướng mắc đều có thể được tháo gỡ, mọi thách thức đều có thể vượt qua, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho người dân, cho Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2023 là thời điểm để "tăng tốc". Vì vậy, các bộ ngành, địa phương trong ngắn hạn phải chủ động nắm bắt vướng mắc của nhà đầu tư và xử lý triệt để những khó khăn này, không để kéo dài.

Các cấp, ngành kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; đa dạng hóa đối tác và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Nhật Bắc)

Đặc biệt, cần chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới. Các địa phương cần chuẩn bị như mặt bằng sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng, nguồn cung lao động có tay nghề.

Các gói chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu đầu tư mới cũng cần được bộ, ngành gấp rút nghiên cứu trong bối cảnh thuế toàn cầu được áp dụng từ năm 2024.

Về dài hạn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, phải kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch, tăng kết nối với doanh nghiệp FDI để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng giá trị sản xuất nội địa hay liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước…

Trong đó, hoạt động xúc tiến đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm hơn và thể hiện tính liên vùng, liên ngành gắn với thị trường, đối tác, dự án cụ thể. Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cần cân đối, hợp lý giữa các vùng miền, đảm bảo đúng quy hoạch và cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị các doanh nghiệp FDI đổi mới mô hình, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên, đem lại giá trị gia tăng cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cần tăng liên kết để cùng nhau tận dụng cơ hội, lợi thế mỗi bên. Việc này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cam kết, sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh.

Hội nghị có sự tham dự của 180 đại biểu đại diện cho các DN, hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành; 37 điểm cầu DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Tại hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các DN nước ngoài cũng sẽ nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư và mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo một số địa phương sẽ chia sẻ về thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự hội nghị sẽ có những phản hồi, tiếp thu chính sách về những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.