f45fe9f37407da598316.jpg
Nhạc trưởng Lê Phi Phi. 

- Là tổng đạo diễn và chỉ huy dàn nhạc một chương trình tầm vóc vừa có ý nghĩa về nghệ thuật lẫn lịch sử như 'Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên' diễn ra ngày 2,3/5 tại Nhà hát Hồ Gươm có phải là thách thức với anh thưa nhạc trưởng Lê Phi Phi?

Đây không phải lần đầu tiên tôi làm chương trình có tầm cỡ, tính chất, chủ đề… như thế nên không phải là thách thức gì mới. Hơn nữa, dịp này phía ban tổ chức là Nhà hát Hồ Gươm kết hợp với Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, Nhà hát Ca múa nhạc Bộ Công an, Đoàn Nghi lễ Bộ Công an đã tiến hành một cách bài bản, chu đáo, chuyên nghiệp thì công việc chuyên môn của tôi cũng nhẹ bớt phần nào.

Cả hai chị em tôi được Nhà hát Hồ Gươm mời cộng tác trực tiếp

- Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, có rất nhiều chương trình được dàn dựng ra mắt khán giả, vậy theo anh 'Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên' có gì khác biệt?

Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên là một chương trình giao hưởng hợp xướng hàn lâm mang tính chất chuyên nghiệp, nghệ thuật cao về mặt nội dung cũng như các đơn vị tham gia như tôi đã nhắc đến ở trên với con số nghệ sĩ gần 300 người nên rất hoành tráng. Hai buổi hòa nhạc được diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, một nhà hát hiện đại và phù hợp với loại hình nghệ thuật này về mọi mặt nên sẽ làm tăng thêm chất lượng của đêm diễn.

- Anh đã chỉ huy rất nhiều chương trình lớn, ở Việt Nam lẫn nước ngoài nhưng 'Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên' lại là chương trình hiếm hoi do chị gái anh viết kịch bản. Vì sao lại có sự kết hợp này khi phần lớn thời gian hai chị em sống ở hai đất nước khác nhau? Có chi tiết nào trong kịch bản của Tiến sĩ Lê Y Linh mà anh phải trao đổi lại, thậm chí dẫn đến tranh cãi trong quá trình dàn dựng?

Nghe chữ "tranh cãi" có vẻ căng thẳng quá! Điều may mắn là với chương trình này cả hai chị em tôi được Nhà hát Hồ Gươm mời cộng tác trực tiếp. Thời buổi 4.0 xa cách về mặt địa lý không phải là một vấn đề. Ngay từ đầu chúng tôi đã họp bàn online cho ý tưởng chương trình, sau khi đã thống nhất thì thành lập một ban chỉ đạo, cố vấn chung gồm đại diện các đơn vị tham gia. Chúng tôi đã trao đổi tin nhắn, email, họp online suốt 3-4 tháng qua và đang tiếp tục cho đến hai đêm diễn. 

92705165f5915bcf0280.jpg
Nhạc trưởng Lê Phi Phi trên sân khấu.

- 'Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên' quy tụ một ê-kíp lớn với sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ và dàn nhạc cũng như các nhà hát. Chỉ huy một chương trình đồ sộ có tới gần 300 nghệ sĩ, diễn viên góp mặt, theo anh khâu nào là khó nhất?

Để thực hiện một chương trình tầm cỡ như trên thì quá trình tập dượt với các diễn viên là khó và mệt nhất. Tôi chỉ xin nói trên khía cạnh âm nhạc nghệ thuật. Cách đây 2 tháng chúng tôi đã gửi bài cho các ca sĩ, nghệ sĩ độc tấu, dàn hợp xướng và dàn nhạc kèn nghi lễ để họ bắt đầu tập luyện trước khi tôi về nước.

Vì chương trình mang tính chất giao hưởng hợp xướng nên phần lớn các tác phẩm có sự tham gia của dàn hợp xướng với dàn nhạc. Khi tôi về nước thì nhóm tập 2 tuần liên tục cả sáng và chiều. Tôi chạy như con thoi giữa các buổi tập tới nhiều địa điểm của những đơn vị khác nhau. Cho đến hôm nay mọi việc tiến hành tương đối tốt và chúng tôi đang hoàn thiện, trau chuốt từng tác phẩm. 

untitled 2.jpg
Nghệ sĩ piano Bích Trà - con gái NSND Trà Giang.  

Chính tôi đề cử mời nghệ sĩ Bích Trà về nước tham gia chương trình

- Rất lâu khán giả Hà Nội mới lại được thưởng thức tiếng đàn của nghệ sĩ piano Nguyễn Bích Trà - con gái NSND Trà Giang. Anh là người đã thuyết phục được Bích Trà về nước biểu diễn trong chương trình đặc biệt này hay ai khác bởi bao năm qua nữ nghệ sĩ sống ở nước ngoài và hiếm khi chơi nhạc trên sân khấu Việt Nam?

Chính tôi là người đề cử với ban cố vấn chương trình là mời nghệ sĩ Bích Trà về nước tham gia chương trình. Bích Trà (con gái NSND Trà Giang - PV) vẫn thường xuyên về Việt Nam biểu diễn những năm gần đây nhưng chủ yếu là ở TPHCM vì trước khi đi học nước ngoài gia đình Bích Trà chuyển vào trong đó.

Tôi học cùng Nhạc viện Tchaikovsky với Bích Trà. Em đã từng biểu diễn nhiều lần với tôi trong những năm qua trên sân khấu ở TP.HCM. Ngoài Bích Trà, tôi được biết rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên được mời về nước biểu diễn bởi chính sách cởi mở, kết hợp giữa các nghệ sĩ trong và ngoài nước của chúng ta.

- Tôi tò mò muốn biết những tác phẩm nào được chọn biểu diễn trong 'Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên' và phải đảm bảo tiêu chí cụ thể nào để phù hợp với chủ đề và tầm vóc chương trình? Cha anh - cố nhạc sĩ Hoàng Vân có một sáng tác nổi tiếng 'Hò kéo pháo' đầy khí thế ra đời đúng Chiến dịch Điện Biên Phủ, vậy tác phẩm này có được lựa chọn và ai sẽ thể hiện?

Về nội dung và ý tưởng của chương trình, tôi sẽ nhường lời cho chị gái mình là Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh vì chị ấy là người đưa ý tưởng cũng như viết kịch bản. Hò kéo pháo và bản giao hưởng hợp xướng 4 chương Điện Biên Phủ sẽ được vang lên cùng nhiều tác phẩm đặc sắc khác với một phong cách phối khí mới lạ. Thật xúc động và tự hào khi được nghe lại và dàn dựng những giai điệu đẹp, trữ tình, hào hùng của cha mình!

- Bà xã ngoại quốc và con trai của anh khi nào thì quay trở lại Việt Nam để thăm người thân? Việc anh thường xuyên về Việt Nam được vợ động viên hay ủng hộ ra sao?

Gia đình nhỏ của tôi vẫn thường xuyên về thăm ông bà nội, quê hương, họ hàng, bạn bè… hằng năm đến thời điểm trước Covid-19. Thời gian qua do những lần tôi về Việt Nam đều kết hợp với công việc chỉ huy các chương trình nên cô ấy và cháu không thể về cùng cho tôi tập trung làm việc. Lúc nào rảnh chúng tôi về cùng nhau. Việt Nam là quê hương của tôi, là điểm đến đầu tiên khi gia đình thu xếp kế hoạch cho những kỳ nghỉ.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy tác phẩm 'Việt Nam muôn năm' tại hòa nhạc Điều Còn Mãi

Quỳnh An