Trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, nội dung về tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học, Chính phủ đặt mục tiêu 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa cho 100% học sinh.  

Hiện nay, trẻ em, học sinh ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi tiền tiểu học và tiểu học ở cả vùng nông thôn và thành thị. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng nông thôn, miền núi còn ở mức cao, tỷ lệ thừa cân béo phì đang có xu hướng tăng nhanh ở khu vực thành thị.

Thực tế hiện nay, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, thừa cân, béo phì được xem là bệnh tật học đường phổ biến nhất. Đơn cử, tại Hà Nội, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường tăng từ 18,6% năm 2017 lên 22,7% năm 2021 (nội thành 28,8%, ngoại thành 19,9%), trong đó tỷ lệ học sinh tiểu học bị thừa cân, béo phì cao và tăng nhanh từ 30% năm 2017 lên 37,8% năm 2021.

Các công trình khoa học đã ghi nhận dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực chính là nền tảng cho sự phát triển thể lực, sức khỏe, trí tuệ, tầm vóc của học sinh, khả năng kiểm soát quá trình tiến triển của tình trạng béo phì và các bệnh không lây nhiễm, giúp cho trẻ em, học sinh phát triển tối ưu và có sức khỏe tốt.

dinh duong .png
Chuẩn bị bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh Trường Tiểu học Đoàn Khuê, quận Long Biên, Hà Nội.

Dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực góp phần giảm các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong tương lai cho các em. Điều này không chỉ đem lại lợi ích về sức khỏe cho học sinh, mà còn mang ý nghĩa xã hội thiết thực như tiết kiệm chi phí chăm sóc y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục, năng lực trí tuệ và năng suất lao động khi trưởng thành cho thế hệ tương lai của đất nước. 

Giáo dục dinh dưỡng cho học sinh từ khi học nhà trẻ, mầm non

Theo các chuyên gia, giáo dục dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh cần được thực hiện ngay khi trẻ đi học mầm non, nhà trẻ, không phải chờ đợi đến khi các bé lớn.

Đơn cử, với trẻ đi nhà trẻ, việc giáo dục dinh dưỡng giúp trẻ nhận biết được một số thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, thích nghi với chế độ ăn uống đa dạng thực phẩm; còn với trẻ mẫu giáo, giáo dục dinh dưỡng cần giúp trẻ có hiểu biết về các nhóm thực phẩm, lợi ích của việc ăn uống lành mạnh, đa dạng thực phẩm đối với sức khỏe và thực hành ăn uống hàng ngày.

Khi lên lớp 1 và lớp 2, học sinh có thể hiểu biết về vai trò của từng loại thực phẩm thuộc từng tầng của tháp dinh dưỡng, nhận biết tên các loại thực phẩm trong các món ăn tại trường và ở nhà. Ăn đầy đủ 6 nhóm thực phẩm, thầy cô giáo trong khi giáo dục dinh dưỡng cho trẻ sẽ khuyến khích trẻ tăng cường ăn rau, trái cây và sử dụng các thực phẩm lành mạnh.

Học sinh lớp 3 đến lớp 5 còn có thể nhận biết các thực phẩm không lành mạnh ở tầng thực phẩm về đường, muối, chất béo; Biết cách nhận biết thực phẩm ôi thiu, không an toàn và biết đọc nhãn mác thực phẩm.

Các chuyên gia dinh dưỡng, giáo dục, khuyến cáo thầy cô có thể tổ chức giáo dục dinh dưỡng cho học sinh tiểu học trong 5-10 phút vào giờ sinh hoạt cuối tuần, trong các hoạt động trải nghiệm của học sinh. Ngoài ra, có thể lồng ghép trong các môn học, sinh hoạt dưới cờ, ngoại khóa, hội thi, các hình thức truyền thông mới để thu hút nhiều học sinh tham gia.

Các bài giảng giáo dục dinh dưỡng được biên soạn dưới dạng bài giảng trình chiếu để học sinh dễ đọc, dễ học và dễ hiểu. Giáo dục dinh dưỡng cho học sinh có thể lồng ghép trong quá trình học sinh tham gia các hoạt động tổ chức bữa ăn như nhận khay, xếp hàng nhận thức ăn, loại bỏ thức ăn thừa, trả khay thức ăn....

Võ Thu, Thúy Nga, Ngọc Trang, Lê Thị Hạnh