Huyện Vị Xuyên hiện có 71 tổ hợp tác, 110 nhóm sở thích, 114 HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ vận tải, thương mại, dịch vụ, thủy sản… Các mô hình kinh tế tập thể đang tạo việc làm cho gần 3.500 lao động, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên 80 triệu đồng/người/năm. Qua đó góp phần tạo điểm tựa xây dựng nông thôn mới ở Vị Xuyên.

Cùng với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng, các HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích cũng đã linh hoạt, không ngừng nỗ lực tìm kiếm thị trường để hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Một trong những yếu tố quan trọng từ mô hình kinh tế tập thể là sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến sản phẩm.

 

anh bai 29 che.jpg
Huyện Vị Xuyên đã tập trung phát triển các vùng trồng chè theo hướng VietGAP.

Nhiều năm qua, huyện lựa chọn xây dựng và phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị gồm: chè Shan tuyết, thảo quả, cam, gừng, quế, nghệ, đặc biệt huyện xác định phát triển cây chè là cây mũi nhọn. Sau nửa nhiệm kỳ đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đến nay, diện tích cây chè Shan tuyết VietGAP, hữu cơ đạt 2.743 ha, năng suất đạt 30,5 tạ/ha, sản lượng 8.366 tấn, doanh thu đạt trên 167,3 tỷ đồng, có 10 doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất, sơ chế, chế biến chè theo chuỗi giá trị. 

 Huyện đề ra nhiều giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây chè, tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác liên kết chuỗi với các hộ dân để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè.

 Ông Nguyễn Xuân Xuyến, Giám đốc HTX sản xuất chè Ngọc Linh cho biết:  HTX có 47 thành viên tham gia sản xuất, cây chè đã tạo cuộc sống ấm no cho các thành viên trong HTX, mỗi năm HTX thu về doanh thu hơn 4 tỉ đồng. Bà con trong xã đều có diện tích trồng chè và liên kết chặt chẽ với HTX. HTX thu mua chè và xuất bán cho 1 tổ hợp tác chế biến chè ở thị trấn Nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên.

 Cũng theo ông Xuyến, trước đây chưa vào HTX, bà con thường bán chè tự do cho các thương lái nên giá cả bấp bênh, mạnh ai người ấy bán. Sau khi các thành viên vào HTX thì  đã có quy củ, nề nếp, bà con sản xuất theo một tiêu chuẩn nhất định và giá cả chè cũng được nâng lên rõ rệt.

Ông Trịnh Trọng Tuyến, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè VietGAP Việt Lâm cho biết, tổ sẽ thu mua chè cho bà con với giá cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg. Tuy nhiên, để có được lợi ích đó, bà con trồng chè phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của đối tác xuất khẩu, đó là không tàn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nguyên liệu chế biến,

Được thành lập từ tháng 4/2022, đến nay Tổ hợp tác đã liên kết với 200 hộ dân Nông trường Việt Lâm bao gồm các HTX và cá thể. Mỗi năm doanh thu của Tổ hợp tác khoảng 9 tỷ đồng, thu nhập của bà con làm tại Tổ hợp tác từ 7-10 triệu đồng/tháng.

 Để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, thời gian tới huyện Vị Xuyên sẽ tập trung đào tạo nghề cho lao động, kết hợp tập huấn, bồi dưỡng cho người đứng đầu HTX; chú trọng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển thị trường. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các HTX tham gia xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị để làm cơ sở nhân rộng; tích cực phát động và hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển HTX.

Huyện cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất, mô hình HTX kiểu mới. Qua đó, thúc đẩy phát triển các HTX mới tại những nơi đủ điều kiện và người dân có nhu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung gắn với các sản phẩm chủ lực của các địa phương. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh nâng cao năng lực quản trị, điều hành, ứng dụng chuyển đổi số cho những người đứng đầu Tổ hợp tác, HTX, nhóm sở thích. Cùng với đó, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể tiếp tục là định hướng trọng tâm của huyện Vị Xuyên để tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, khai thác và phát huy những ngành nghề, sản phẩm đặc thù, đặc hữu một cách bài bản, hiệu quả cao và bền vững.

 Hạnh Nguyễn