Sau cuộc trỗi dậy ngoạn mục về kinh tế, Trung Quốc đưa ra “Giấc mộng phục hưng dân tộc Trung Hoa”, với nội hàm hoàn thành mục tiêu hai lần 100 năm: Xây dựng thành công xã hội khá giả vào năm 2021 (nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc) và trở thành cường quốc hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hoà, tươi đẹp vào năm 2049 (nhân 100 năm ngày thành lập nước). 

Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy nhanh lộ trình đào tạo nguồn nhân tài mang tầm chiến lược quốc gia, trên mọi phương diện. Ảnh: THX

Để hiện thực hoá mục tiêu phục hưng dân tộc, đồng thời đối phó với chính sách kiềm chế và chia tách về khoa học công nghệ nhằm vào Trung Quốc của các nước phương Tây, đại lục đã đề ra một tầm nhìn phát triển quốc gia, tập trung tăng cường nội lực mà trọng tâm là nâng cao năng lực tự chủ về giáo dục và khoa học công nghệ.

Đại hội 20 ĐCS Trung Quốc khẳng định sẽ “thực thi chiến lược khoa học và giáo dục chấn hưng đất nước, tăng cường trụ cột nhân tài cho xây dựng hiện đại hóa”. Đây là nhiệm vụ chiến lược then chốt trong giai đoạn tới. Nước này chủ trương xây dựng nền giáo dục “hài lòng dân”, với 3 tiêu chí cốt lõi: hệ thống đào tạo chất lượng cao, tố chất nhân tài toàn diện và cơ hội giáo dục công bằng. Những tiêu chí này không chỉ thích ứng với chiến lược phát triển đất nước trong dài hạn, mà còn phù hợp với đòi hỏi bức thiết của mọi tầng lớp nhân dân. 

Để xây dựng hệ thống đào tạo chất lượng cao, thời gian tới, Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều hơn cho việc nâng cấp chương trình ở mọi bậc học và mọi loại hình giáo dục, trong đó chú trọng cập nhật và vận dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất, thực hiện lộ trình số hóa nền giáo dục; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu thế giới; tăng cường mối liên kết giữa nhà trường, nhất là các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học, với các doanh nghiệp nhằm đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn kinh doanh, sản xuất.

Chiến lược cường quốc nhân tài

Trung Quốc khẳng định trong Báo cáo chính trị tại Đại hội 20 rằng, thực thi “Chiến lược xây dựng cường quốc nhân tài”, coi “đào tạo nhân lực có tố chất cao, có tài, có đức (nhân tài toàn diện) là phương châm lớn cho sự phát triển lâu dài của đất nước”. 

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy nhanh lộ trình đào tạo nguồn nhân tài mang tầm chiến lược quốc gia, trên mọi phương diện, đặc biệt là nhân tài có năng lực sáng tạo, đột phá trong lĩnh vực công nghệ hiện đại; thực thi chính sách, cơ chế đãi ngộ, thu hút, sử dụng, bảo vệ nhân tài ưu việt nhằm phát huy tối đa tiềm lực của nhân tài; tăng cường giao lưu quốc tế để vừa nâng cao trình độ nhân tài trong nước, vừa thu hút tốt nhất nguồn lực tinh hoa của thế giới.

Khâu yếu của nền giáo dục Trung Quốc hiện nay là tình trạng mất cân bằng, thiếu bình đẳng về cơ hội giáo dục giữa các vùng miền. Chủ tịch Tập Cận Bình đã xác định mối mâu thuẫn cơ bản hiện nay là “mối mâu thuẫn giữa nhu cầu sống tốt đẹp của người dân và sự phát triển không cân bằng, không đầy đủ”. Nói cách khác, Trung Quốc đang phải giải quyết vấn đề phân phối bất bình đẳng sau 40 năm phát triển với tốc độ như vũ bão. Điều này không chỉ thể hiện ở khoảng cách thu nhập, chệnh lệch vùng miền mà cả trên khía cạnh mất cân bằng về giáo dục. 

Với quyết tâm thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng cân bằng, đầy đủ hơn, Trung Quốc ngày càng coi trọng các chính sách và biện pháp phân bổ nguồn lực giáo dục vùng miền hợp lý; tạo mối liên kết bổ trợ giữa thành thị và nông thôn; ưu tiên kinh phí đầu tư giáo dục cho các vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là những khu vực nghèo, lạc hậu; thực hiện cơ chế thụ hưởng chế độ giáo dục công bằng đối với mọi thành viên xã hội, trong đó chú trọng hơn đến con em của lao động nông thôn ra thành phố làm việc và sinh sống.

Có thể thấy, phát triển giáo dục là điểm nhấn rõ nét tại Đại hội 20, cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với mục tiêu chấn hưng đất nước và xây dựng cường quốc nhân tài của Trung Quốc. 

Đã qua rồi một giai đoạn dài Trung Quốc trỗi dậy bằng cách “đi nhờ” những “chuyến tàu nhanh” của các quốc gia phát triển. Ngày nay, để có thể khắc phục điều mà Trung Quốc coi là “điểm nghẽn” nhằm trở thành cường quốc công nghệ và sáng tạo hàng đầu thế giới, tự chủ về giáo dục trở thành định hướng chính sách phát triển then chốt. Không chỉ thế, trong tương lai, nếu Trung Quốc có thể mời các quốc gia khác đi trên những “chuyến tàu nhanh” về khoa học và giáo dục, đây sẽ là phương thức lan toả tầm ảnh hưởng và sức mạnh mềm hữu hiệu của một cường quốc hào phóng và trách nhiệm.

TS Hoàng Huệ Anh (Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm KHXHVN)