2 tuần kể từ khi đề xuất cuộc hẹn phỏng vấn, chúng tôi mới được trực tiếp trò chuyện với Giám đốc Nguyễn Sơn Hải tại “đại bản doanh” của VCS ở tận tầng 41 Tòa Keangnam Landmark 72 trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) vào cuối giờ chiều thứ Sáu gần cuối tháng 11/2023. 

Lần đầu gặp mặt, ông Hải khá cởi mở khi chia sẻ câu chuyện của công ty: “Năm 2011, Tập đoàn Viettel có sự cố về an toàn thông tin. Anh Hùng, lúc đấy là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn (hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – PV) yêu cầu thành lập bộ phận đặc biệt về an toàn thông tin. Ban An toàn thông tin trực thuộc Tập đoàn đã được thành lập với 6 nhân sự được sàng lọc hồ sơ kỹ càng về kinh nghiệm và kỹ năng làm an ninh mạng. Chúng tôi cũng băn khoăn, sợ không làm nổi, khi Tập đoàn có tới hơn 20 đầu mối, toàn công ty, tổng công ty, với hàng chục nghìn người, số lượng ứng dụng và máy chủ vô cùng lớn. Nhưng anh Hùng động viên: An toàn thông tin thì các em không làm thay được cho các đơn vị. Họ là những người bị bệnh nhưng chưa biết bệnh. Bọn em chỉ cần chỉ cho họ biết bệnh, họ sẽ tự chữa”.

Tập đoàn “bật đèn xanh” nên 6 cá nhân của Ban An toàn thông tin có quyền tấn công kiểm thử vào bất kỳ hệ thống nào trong tổ chức, có thể demo những tình huống tấn công, thậm chí có thể đánh sập hệ thống sau khi xin ý kiến của Ban Tổng Giám đốc. Các hạ tầng vận hành nội bộ của Tập đoàn thời điểm đấy khá nhiều lỗi, các ứng dụng vẫn còn ở mức độ yếu về an toàn thông tin, nên Ban An toàn thông tin cũng có nhiều “đất diễn”. Số lượng hệ thống bị tấn công hồi đấy lên tới hàng trăm, trong đó có nhiều hệ thống rất lớn. Một trong những kỷ niệm khó quên của ông Hải cùng các cộng sự là sau khi tấn công cảnh báo vào hệ thống VOffice, lãnh đạo Tập đoàn triệu tập luôn cả 500 kỹ sư phần mềm để cảnh báo lỗ hổng của hệ thống này. 

“6 người chúng tôi đã tạo ra được nhiều “cú hích” tác động vào ý thức của lãnh đạo các đơn vị. Từ đấy, các đơn vị dần chủ động đưa toàn bộ nhân sự và bộ máy của họ vào guồng fix (sửa) lỗi về an toàn thông tin”, ông Hải kể. 

Ngày 29/7/2016, Vietnam Airlines gặp sự cố tấn công mạng tầm cỡ quốc gia. Đội ngũ An ninh mạng Viettel – lúc này đã trở thành Trung tâm An ninh mạng Viettel - dành khoảng 1 tháng hỗ trợ Vietnam Airlines khắc phục sự cố và ngăn chặn nguy cơ bị tấn công trở lại.

Rất nhiều giải pháp tự phát triển cho Viettel sử dụng được mang sang triển khai luôn cho Vietnam Airlines. Nhận thấy sản phẩm nội bộ có thể phát huy tác dụng cho nhiều tổ chức, đơn vị khác, Trung tâm An ninh mạng Viettel bắt đầu cung cấp dịch vụ, sản phẩm ra bên ngoài. Đến cuối năm 2018 chính thức có pháp nhân Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security – VCS).

So với đa phần công ty an ninh mạng hoạt động trên thị trường Việt, VCS có một số điểm khác biệt. 

Trước hết, VCS tự phát triển sản phẩm. “Nhiều công ty khác làm an toàn thông tin theo cách mua sản phẩm thương mại về làm dịch vụ. Còn chúng tôi xác định chỉ có tự chủ sản phẩm thì mới phản ứng nhanh được khi có sự cố xảy ra. Anh em VCS thường hay nói với nhau, có thể mọi người bán an toàn thông tin, còn VCS cố gắng làm an toàn thông tin, tạo ra sự hiểu biết, tri thức bền vững, cung cấp giá trị trực tiếp tới khách hàng của mình chứ không phải giá trị trung gian”, ông Hải lý giải.

Sản phẩm sau khi nghiên cứu và phát triển (R&D) được đưa vào vận hành trong hệ thống hạ tầng thực, liên tục cập nhật tri thức để dần hoàn thiện hơn. Đội ngũ an ninh mạng VCS quản trị một hệ thống hạ tầng về công nghệ thông tin và viễn thông thuộc diện lớn và phức tạp nhất Việt Nam (trên 50% lưu lượng Internet Việt Nam đi qua hạ tầng này), đối diện hàng ngày với các cuộc tấn công trong đời sống thực. 

Năm 2019, VCS cơ bản hình thành hệ sinh thái SOC (giám sát an toàn thông tin) với tương đối nhiều sản phẩm, dịch vụ giúp các tổ chức/doanh nghiệp được giám sát an toàn 24/7, hoạt động đảm bảo an toàn thông tin trở nên liền mạch, được quản trị một cách bài bản, nhất quán, hỗ trợ quan sát đầy đủ mọi vấn đề trên không gian mạng một cách hiệu quả và có thể phản ứng lại tấn công với tốc độ nhanh nhất. 

Hệ sinh thái SOC của VCS nhiều năm liền được Frost & Sullivan đánh giá “số 1” ở thị trường Việt Nam.

Sau một năm sử dụng dịch vụ của VCS, ấn tượng rõ nét nhất trong tâm trí của ông Bùi Đình Giang, Phó Chánh Văn phòng Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam là “rất chuyên nghiệp”. 

“Đội ngũ nhân sự của VCS phải nói là số 1 ở Việt Nam. Họ đã đạt nhiều thành tích, giải thưởng lớn trong các cuộc thi an ninh mạng trên thế giới cũng như tại khu vực. Họ cũng chính là một trong những đội ngũ nòng cốt của lực lượng bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia, trong đó, lĩnh vực dầu khí cũng là một trong những hạ tầng trọng yếu. Trước đây, chúng tôi từng có sự cố nho nhỏ, gọi rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, các hội về an ninh mạng vào hỗ trợ nhưng không ăn thua. “Nước xa không cứu được lửa gần”. Cuối cùng, VCS xử lý nhanh gọn và chuẩn chỉ nhất. Sau này, khi có bất kỳ sự cố gì xảy ra, ngay lập tức đội ngũ của Viettel có mặt ngay và xử lý một cách rất chuyên nghiệp, nhanh chóng. Chi phí lại thấp hơn so với các giải pháp của nước ngoài”, ông Giang nêu loạt lý do khiến Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam “trao trọn niềm tin vào VCS”.

Lãnh đạo VCS luôn xác định, sản phẩm, dịch vụ chỉ là công cụ, phương tiện, mục tiêu hướng tới không phải cố gắng bán sản phẩm, dịch vụ mà phải giúp khách hàng phát huy tối đa tiềm năng ứng dụng sản phẩm, khai thác dịch vụ, đem lại hiệu quả thực tiễn.

Nghề an toàn thông tin cũng giống như vệ sĩ, bảo vệ. Muốn có khách hàng thì phải hội tụ hai yếu tố: Giỏi võ và có độ tin cậy cao.

Dù mang thương hiệu Viettel nhưng hành trình chinh phục khách hàng của VCS cũng không hẳn “dễ như ăn bánh”.

“Từng có đơn vị thẳng thắn nói biết VCS là đơn vị rất tốt nhưng vì một số lý do nên xin phép không dùng dịch vụ an toàn thông tin của VCS. Đằng đẵng 1 năm sau, dù đánh giá cao VCS nhưng họ vẫn tránh không dùng sản phẩm của VCS. Tới khi bị sự cố lớn về an toàn thông tin, cần những chuyên gia tốt, có năng lực phản ứng cao tại chỗ, họ phải nhờ chúng tôi. Đội ngũ VCS luôn làm việc với tinh thần lăn xả, khi có sự cố thì quyết tâm đồng hành tới cùng với khách hàng. Sau sự cố đó, họ thay đổi quyết định, chuyển sang dùng sản phẩm, dịch vụ của VCS”, ông Hải nhớ lại một trong những khách hàng đặc biệt của công ty mình.

Chinh phục được hơn 200 khách hàng lớn, toàn những thương hiệu có tên tuổi trong đa dạng lĩnh vực, ngành nghề, Giám đốc Nguyễn Sơn Hải lưu ý, bên cạnh câu chuyện mở rộng thị phần, VCS còn muốn phát huy tinh thần phổ cập dịch vụ an toàn thông tin trong đời sống xã hội, giống như Viettel từng phổ cập, bình dân hóa dịch vụ viễn thông. 

“Tất nhiên, an toàn thông tin thì có đặc thù hơn vì là lĩnh vực có chi phí, không phải chuyện phục vụ ngay cơm ăn nước uống hàng ngày cho mọi người. Dịch vụ an toàn thông tin cũng giống như dịch vụ vệ sĩ/bảo vệ, phải có nhà, có tiền thì người ta mới cần thuê mình. Chúng tôi rất muốn có thể phổ cập cách làm an toàn thông tin đúng cho mọi người, không chỉ giới hạn ở một số doanh nghiệp/tổ chức giàu có”, ông Hải chia sẻ thêm.

Không lâu sau khi được vinh danh Công ty An ninh mạng xuất sắc nhất khu vực châu Á 2023, mới đây, đội tuyển của VCS vừa giành ngôi vô địch Pwn2Own - cuộc thi tấn công mạng uy tín và lớn nhất thế giới. 

“Khi biết tin, cảm xúc đầu tiên của tôi là vui vì thấy các bạn trẻ đã làm được điều mà cách đây 5 – 7 năm, thế hệ trước cố gắng làm mãi không được. Bồi hồi chuyện các bạn làm được, cũng bồi hồi nghĩ lại bao nhiêu thế hệ thất bại. Kế đó là suy nghĩ cần làm gì tiếp để duy trì động lực, chinh phục những “đỉnh cao” mới”, Giám đốc VCS bày tỏ, đồng thời không quên lưu ý chúng tôi “không nên vinh danh đội tuyển VCS là những người giỏi nhất thế giới, mà nên nói rõ nghĩa rằng đây là những người chiến thắng trong một sân chơi lớn nhất thế giới, tránh thổi phồng không cần thiết”.

Sở hữu khá nhiều tiêu chuẩn quốc tế thuộc đa dạng cấp độ: tổ chức, sản phẩm, dịch vụ…, tuy nhiên, theo Giám đốc Nguyễn Sơn Hải, yếu tố cốt lõi nhất giúp VCS “gặt hái” thành công chính là đội ngũ nhân sự.

“Xét về thước đo tìm lỗi Zero-day (những lỗ hổng phần mềm hoặc phần cứng chưa được biết đến và chưa được khắc phục), thì đến giờ phút này, đội ngũ VCS đã tìm được hơn 400 lỗi Zero-day của các hãng lớn trên thế giới. Các đơn vị an ninh mạng khác ở Việt Nam khó đạt con số này. Ngay cả nhiều đơn vị an toàn thông tin trên thế giới cũng không dễ đạt”, ông Hải tự hào chia sẻ.

VCS từng đặt mục tiêu có ít nhất 10% nhân sự về an ninh mạng có năng lực chuyên môn tầm cỡ thế giới. Hiện tại doanh nghiệp Việt này đang đạt mức 5 – 7%.

Ông Hải nhận định: “Nhân sự tầm cỡ thế giới là bắt buộc phải có khi mình nhận trọng trách bảo vệ các hạ tầng trọng yếu quốc gia, sau này hướng ra cả khách hàng là các tổ chức quốc tế. Những kẻ tấn công từ các tổ chức tội phạm toàn cầu là những người xuất sắc mức toàn cầu, nếu mình không đạt mức toàn cầu thì đương nhiên sẽ thua”.

Từ vỏn vẹn 6 người hồi đầu thành lập, tới nay, “quân số” VCS đã tăng lên hơn 500 người. Để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường trong tương lai, bên cạnh việc duy trì “đội quân tinh nhuệ”, VCS đang triển khai nhiều phương thức để tiếp tục tăng trưởng đội ngũ nhân sự trong bối cảnh nguồn cung hạn chế hơn rất nhiều so với nhu cầu. Theo tính toán của Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, lực lượng nhân sự an toàn thông tin đang thiếu hụt tới hơn 50%.

VCS đã dành rất nhiều thời gian, công sức đào tạo sinh viên để đội ngũ trẻ vừa có kiến thức nền tảng chuyên sâu vững chắc, vừa có kỹ năng, khả năng ứng biến linh hoạt sau quá trình cọ xát thực tế. VCS còn được gọi là Học viện An ninh mạng Viettel, “cái nôi” đào tạo “chiến binh chất” cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khác tại Việt Nam.

Sau khi đã giành vị trí Top đầu thị trường trong nước một cách thuyết phục, nhận thấy cần phải thử sức ở những thị trường quy mô lớn hơn, từ đầu năm 2023, VCS quyết định tiến ra quốc tế để tạo mức trưởng thành mới.

Xác định mục tiêu doanh thu từ thị trường quốc tế sẽ chiếm tới 30% trong tổng doanh thu của cả công ty trong những năm tới, VCS định hướng đi từng bước nhỏ, tập trung tìm đối tác trước ở một số thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Dù rằng Tập đoàn Viettel đã phủ thương hiệu tại rất nhiều thị trường quốc tế, nhưng VCS sẽ vẫn phải tìm “lối đi riêng”, bởi vì lĩnh vực an ninh mạng có những điểm đặc thù khác với viễn thông. Có những thị trường rất phù hợp với việc cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng phải 3 – 5 năm nữa mới phù hợp với việc cung cấp dịch vụ an ninh mạng. Chẳng hạn, những thị trường châu Phi, Đông Nam Á…, mức độ nhận thức về an toàn thông tin và độ giàu có chưa cao.

“Trong bài toán Go Global (đi ra thị trường toàn cầu) thì quan trọng nhất là tìm partner (đối tác/cộng sự). Mô hình kinh doanh của Tập đoàn Viettel đang ở mức độ kinh doanh ở từng quốc gia chứ không phải kinh doanh phổ rộng toàn cầu. Điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất là khi ra thị trường quốc tế sẽ không còn những lợi thế công ty có tại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, lợi thế lớn nhất của VCS tại thị trường Việt là luôn luôn có lực lượng xuất sắc tại chỗ cùng với khả năng làm chủ công nghệ của sản phẩm, vì thế, khi khách hàng gặp vấn đề sự cố thì có thể hỗ trợ giải quyết ngay lập tức rất tốt. Mình có một phép cộng đặc biệt như vậy trong nước. Nhưng khi sang thị trường quốc tế, phép cộng đặc biệt này sẽ mất đi. Muốn làm tốt thì mình phải hiểu văn hóa, con người, cách khách hàng ở thị trường quốc tế định vị giá trị, xây dựng niềm tin, và phải tìm được những partner tốt. Quá trình đấy cũng cần thời gian thẩm thấu”, Giám đốc Nguyễn Sơn Hải thẳng thắn nhìn nhận.

Tiết lộ dự định có thể lập chi nhánh ở nước ngoài ngay trong năm 2024, ông Hải nhấn mạnh ưu thế cạnh tranh của VCS trên thị trường quốc tế là đội ngũ nhân sự chất lượng cao tầm thế giới và giá cả phù hợp.

Hướng tới năm 2025 và 2030, bên cạnh những những mục tiêu định lượng được như Top 1 thị trường Việt, Top 3 Đông Nam Á…, người đứng đầu VCS nhấn mạnh mong muốn lớn nhất là chuyển VCS sang mô hình công ty kinh doanh toàn cầu đúng nghĩa. 

“Kinh doanh toàn cầu là phải có một tập khách hàng toàn cầu, phải có hệ thống quy trình toàn cầu, nhân sự toàn cầu, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài, các bạn có thể di chuyển tới các văn phòng toàn cầu một cách rất linh hoạt”, Giám đốc Nguyễn Sơn Hải mô tả rõ hơn khát vọng lớn của doanh nghiệp an ninh mạng Việt. 

Bài: Bình Minh

Ảnh: Lê Anh Dũng

Thiết kế: Nguyễn Cúc