Động thái diễn ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây khước từ danh sách đề xuất đảm bảo an ninh do Nga gửi tới, gồm cả yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngừng mở rộng về phía đông. 

Trái với dự đoán Nga sẽ "đánh nhanh, thắng nhanh", chiến sự đã kéo dài dai dẳng suốt một năm qua do sự kháng cự quyết liệt của Ukraine, cùng viện trợ quân sự “khủng” của phương Tây dành cho Kiev. Đến nay, ít nhất 28 nước đã cung cấp vũ khí, đạn dược cho Ukraine. Trong đó, Mỹ là nước viện trợ khí tài lớn nhất, với tổng trị giá khoảng 25 tỉ USD. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đóng góp khoảng một nửa con số đó.

Giai đoạn đầu chiến dịch, Nga đưa quân tiến theo 3 hướng, áp sát thủ đô Kiev ở miền bắc, mở rộng kiểm soát ở miền nam và miền đông Ukraine. Đến tháng 3, các lực lượng Moscow đẩy nhanh đà tiến, giành được quyền kiểm soát vùng Kherson, miền nam Ukraine và tìm cách bao vây Kharkiv, thành phố lớn thứ 2 cũng như thành phố chiến lược Mariupol ở phía nam.

Nga rút quân khỏi miền bắc Ukraine vào cuối tháng 3 khi mũi tiến công ở Kiev gặp trở ngại, để tập trung thâu tóm Mariupol và vùng miền đông Donbass. Cuối tháng 9, Nga công bố sáp nhập 4 vùng Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia sau cuộc trưng cầu dân ý ở các nơi này.

Giao tranh tiếp diễn ác liệt. Phía Ukraine đã có được một số bước tiến như giành lại quyền kiểm soát đảo Rắn ở ngoài khơi Biển Đen hồi tháng 6. Các lực lượng Kiev mở chiến dịch phản kích ở Kherson vào tháng 8, tấn công một căn cứ quân sự của Moscow ở bán đảo Crưm, giành lại kiểm soát phần lớn khu vực đông bắc Kharkiv và phá hủy một phần cầu Kerch nối Crưm với đất liền Nga. 

Vụ pháo kích của Ukraine vào một điểm đóng quân của các lực lượng Moscow ở tỉnh Donetsk thuộc vùng Donbass đầu tháng 1/2023 đã khiến 89 binh sĩ Nga thiệt mạng. Quân đội Nga tuyên bố đáp trả bằng cách sử dụng máy bay không người lái (UAV), tên lửa và pháo binh nhắm bắn vào hệ thống năng lượng và các mạng lưới cơ sở hạ tầng thiết yếu khác trên khắp Ukraine. 

Hai bên đang ở thế giằng co quanh khu vực chiến tuyến trải dài gần 1.000km, với “tâm điểm” hiện nay là thành phố chiến lược Bakhmut thuộc khu vực Donetsk. Giới quan sát đánh giá, về cơ bản, bản đồ chiến sự không có nhiều thay đổi lớn kể từ khi Nga rút quân khỏi Kherson, tập trung về bờ đông sông Dnipro tháng 11/2022, vì băng tuyết và thời tiết khắc nghiệt đang làm giảm đà tiến quân của cả hai bên.

Nga đã triển khai sắc lệnh động viên một phần hồi tháng 10 năm ngoái và huy động 300.000 quân dự bị theo kế hoạch. Các cơ quan tình báo của Ukraine và phương Tây dự đoán rằng, Moscow có thể sẽ bổ sung thêm lực lượng cũng như vũ khí khí tài để triển khai một đợt tấn công quy mô mới, nhằm giành được chiến thắng lớn vào thời điểm tròn một năm chiến sự bùng phát.

Theo Mỹ và châu Âu, cuộc xung đột khiến hàng trăm binh sĩ của cả Nga và Ukraine thương vong mỗi ngày. Phía Nga hồi cuối tháng 9 xác nhận, Moscow đã mất gần 6.000 binh sĩ trong chiến dịch. Ngược lại, Kiev thống kê, chiến sự đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 dân thường và khoảng 13.000 binh sĩ Ukraine, khiến gần 8 triệu người phải đi tị nạn ở nước khác. Nhiều thành phố, làng mạc ở Ukraine bị tàn phá nặng nề với tổn thất kinh tế ước tính lên tới hơn 700 tỉ USD, theo Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal.

Cuộc xung đột cũng đang định hình lại an ninh châu Âu, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến các tính toán chiến lược toàn cầu. Washington và đồng minh đã áp một loạt biện pháp trừng phạt Moscow. EU nhanh chóng cấp quy chế ứng viên gia nhập khối cho Ukraine, trong khi Thụy Điển và Phần Lan xin vào NATO. Xung đột góp phần đẩy giá lương thực lên cao và làm leo thang giá năng lượng. Kinh tế thế giới đứng trước bờ vực suy thoái và lạm phát tăng phi mã.

Việc phương Tây mới đây đồng ý chuyển giao xe tăng chiến đấu cho Ukraine được coi là một bước chuyển lớn, có thể thay đổi cục diện chiến trường. Tuy nhiên, Moscow cảnh báo phương Tây đã vượt qua “lằn ranh đỏ” mới trong việc trợ giúp quân sự cho Kiev, khiến xung đột có nguy cơ leo thang không kiểm soát, dẫn tới đối đầu trực tiếp Nga - NATO.

Trong bài phát biểu đầu tháng 2 về những ưu tiên của Liên Hợp Quốc trong năm 2023, Tổng thư ký Antonio Guterres bày tỏ lo ngại thế giới đang bước vào một cuộc xung đột lớn hơn vì khủng hoảng ở Ukraine. Chiến sự Nga - Ukraine được tin sẽ kéo dài qua 2023, khi hai bên đều thể hiện thái độ cứng rắn, không chấp nhận nhượng bộ để hòa đàm.