Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ (5/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng; tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế".

Hay tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 mới diễn ra ngày 19/12, Tổng Bí thư đã khẳng định: "Trong gần 3 năm qua, đặc biệt là từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức theo tinh thần vừa nêu trên đây, ngành Ngoại giao và Đối ngoại cả nước ta đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc quán triệt và chung sức, đồng lòng tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua".

Đường lối đối ngoại Đại hội 13 được cụ thể hóa, triển khai đồng bộ và bài bản. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Nghị quyết, Chỉ thị nhằm nâng cao hiệu quả đối ngoại trong tình hình mới.

Ngày 15/6/2023 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 57-KL/TW “về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”.

Đặc biệt vào tháng 11, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Cuốn sách tuyển chọn các bài nói, bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng về đường lối đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ mới.

Các hoạt động đối ngoại cấp cao song phương và đa phương trên cả kênh trực tuyến và trực tiếp đã thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước, góp phần đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. 

Việt Nam tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với đối tác, trọng tâm là các nước láng giềng, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống. 

Trong năm qua, Việt Nam đã tổ chức tốt 15 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt và 21 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam.

Các hoạt động đối ngoại, nhất là các hoạt động đối ngoại cấp cao diễn ra sôi động, rộng khắp ở các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như trong ASEAN, Liên Hợp Quốc, tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, COP28, Diễn đàn Vành đai và Con đường.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao thêm 2 nước là Trinidad & Tobago (tháng 2) và Tonga (tháng 9). Nâng tổng số nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam lên con số 193.

Trong năm nay Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện (mức quan hệ ngoại giao cao nhất) với 2 nước.

Ngày 10-11/9, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là một dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới, sâu sắc và thực chất hơn. Hai bên đã có cuộc hội đàm sâu rộng, đạt kết quả tốt đẹp, thông qua Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Ngày 27-30/11, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã cùng tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.

Đặc biệt những ngày giữa tháng 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên cùng đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã có chuyến thăm Việt Nam rất thành công. Đây là lần thứ ba ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, sau năm 2015 và 2017. 

Hai bên đã ra Tuyên bố chung, trong đó đáng chú ý, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. 

Vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực, tin cậy, có trách nhiệm tiếp tục được củng cố, nâng cao. Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (tháng 9); được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 (đầu tháng 11), Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu cao nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; trúng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025…

Tính đến nay, Việt Nam có khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với trên 30 quốc gia, đồng thời là thành viên của 70 diễn đàn và các cơ chế hợp tác quốc tế, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do.

Các nước đánh giá cao lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở Châu Phi, Liên Hợp Quốc (các thê đội mới triển khai hồi tháng 5-6 và các chiến sĩ liên tục lên đường nhận nhiệm vụ theo hình thức cá nhân ở các phái bộ) và đội tham gia tìm kiếm, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trên cơ sở kiên định độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, tôn trọng nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nước ta đã xử lý đúng đắn nhiều vấn đề quốc tế phức tạp tại các cơ chế đa phương quan trọng...

Ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở quán triệt tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, các hoạt động ngoại giao kinh tế đóng góp quan trọng vào thúc đẩy, nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu. Năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trên 30 mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu trên 1 tỷ USD, thu hút được lượng FDI tăng gần 15%, tiếp cận được nhiều nguồn vốn mới có chất lượng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. 

Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 ở châu Á, một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có thương mại quốc tế lớn, thuộc nhóm 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN trong gần 10 năm qua.

Năm qua, đối ngoại còn góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. 

Thông tin đối ngoại và ngoại giao văn hóa tiếp tục quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã tập trung vận động, thu hút nguồn lực và kết nối kiều bào với quê hương; chăm lo, hỗ trợ kiều bào ổn định và phát triển ở sở tại.

Công tác bảo hộ công dân được đẩy mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và bảo đảm an toàn cho công dân ta ở nước ngoài.

Tình hình quốc tế trong thời gian tới tiếp tục biến động phức tạp, có cả mặt thuận và không thuận, cơ hội đan xen với thách thức, đặt ra những yêu cầu nặng nề, phức tạp hơn cho đối ngoại.

Tuy nhiên, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam và những thành tựu đối ngoại đã đạt được trong năm 2023 là nền tảng vững chắc cho đối ngoại và ngoại giao Việt Nam chúng ta vượt qua khó khăn thử thách để đóng góp xứng đáng vào thực hiện nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. 

Đối ngoại Việt Nam tiếp tục uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo và cơ động trong sách lược để thích ứng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết cương, biết nhu”, “biết tiến, biết thoái”. Nhờ đó, Việt Nam vừa giữ vững được tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và xây dựng Tổ quốc, vừa khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, chân thành, nhân ái, thủy chung, tin cậy và có trách nhiệm.

Ban Thời sự

Thiết kế: Nguyễn Ngọc

Ngoại giao là điểm sáng trong thành tựu đất nước

Ngoại giao là điểm sáng trong thành tựu đất nước

Ngành ngoại giao đã đi đầu trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước.