Lời Tòa soạn:

Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia là một trong những nội dung nằm trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.

Trong khâu đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, Nghị quyết Đại hội 13 cũng nêu rõ: “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, nhiều địa phương còn bỡ ngỡ, thậm chí có nơi chưa hiểu chuyển đổi số là gì, chưa biết bắt đầu từ đâu, không biết làm như thế nào?

Để giúp các địa phương hiểu rõ và thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ động dẫn đầu đoàn công tác làm việc với nhiều tỉnh, thành về chuyển đổi số.

Từ đó, Bộ TT&TT đã chủ động hỗ trợ địa phương cả về mặt chuyên môn, kỹ thuật, hạ tầng cơ sở lẫn nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số.

Trong đó phải kể đến chủ trương “biệt phái cán bộ Trung ương về địa phương” làm chuyển đổi số đã được triển khai tại nhiều tỉnh thành, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhờ đó, nhiều địa phương đã được “tiếp sức” trong chuyển đổi số. VietNamNet ghi nhận thực tế tại một số địa phương triển khai hiệu quả chủ trương này.

 

Ngày 12/11/2020, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ làm việc với tỉnh Thái Nguyên kết nối trực tuyến với 178 xã, phường và 9 đơn vị hành chính cấp huyện. Cuộc họp diễn ra từ 2h chiều đến gần 7h tối mới kết thúc.

Tại cuộc làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã hỏi nhiều cán bộ từ cấp xã, cấp huyện đến cấp sở: “Chuyển đổi số là gì? Các anh ở địa phương cần gì ở chuyển đổi số?”. Tuy nhiên, nhiều cán bộ của tỉnh chưa ai có thể trả lời được.

Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Thái Nguyên nên có nghị quyết về chuyển đổi số”.

Từ những gợi ý, câu chuyện đầy trăn trở tại buổi làm việc này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã mạnh dạn cam kết: “Tỉnh sẽ nghiên cứu để xây dựng và ban hành một nghị quyết riêng, chuyên đề về chuyển đổi số trong năm 2020”.

Hơn 1 tháng sau, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Từ đó, Thái Nguyên trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình chuyển đổi số, đồng thời lấy ngày 31/12 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh.

Trao đổi với VietNamNet, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng, để nghị quyết đi vào hiện thực, bên cạnh quyết tâm chính trị của địa phương thì sự hỗ trợ, chia sẻ mạnh mẽ từ các cơ quan ở Trung ương là hết sức quan trọng và thực sự cần thiết.

Muốn hiện thực hóa nghị quyết này cần phải có nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về con người đóng vai trò là khâu then chốt. Việc lựa chọn, mời gọi cán bộ ở Trung ương phù hợp, đủ tiêu chuẩn và sẵn sàng về với Thái Nguyên cũng là một nội dung được tỉnh hết sức chú trọng ngay từ những ngày đầu khi nghị quyết mới được ban hành.

Chính vì vậy, tại buổi làm việc với Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, hai bên đã thống nhất biệt phái cán bộ của Bộ về công tác tại Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên để hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số.

“Được Bộ TT&TT tạo điều kiện, từ đầu tháng 4/2021, đồng chí Phạm Quang Hiếu - một cán bộ trẻ đang giữ chức vụ tương đương Phó Giám đốc sở đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ biệt phái về Thái Nguyên để giúp tỉnh hiện thực hóa thành công nghị quyết về chuyển đổi số”, bà Nguyễn Thanh Hải kể.

Việc Bộ TT&TT biệt phái cán bộ về Thái Nguyên thực hiện chuyển đổi số đã tạo nên sự “kết nối con thoi” giữa Trung ương và địa phương trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng nói chung và của địa phương nói riêng.

Bởi thực tế nhiều khi địa phương rất cần sự hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ sâu của ngành, nhất là trong chuyển đổi số nhưng không biết rõ thông tin, đầu mối nào để “gõ đúng cửa”.

Vì vậy, khi có “cán bộ Trung ương ở trong lòng địa phương” thì mọi việc được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả hơn rất nhiều.

“Khi Thái Nguyên gặp vấn đề nào cần sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, đồng chí Phạm Quang Hiếu sẽ là đầu mối cùng Sở TT&TT kết nối, làm việc, báo cáo với Bộ, với các cơ quan chuyên môn của Bộ thậm chí tới từng cán bộ, chuyên gia trong mỗi lĩnh vực và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh. Chính vì vậy, việc “kết nối” trong phối hợp giữa địa phương với Trung ương sẽ nhuần nhuyễn, chặt chẽ, hiệu quả hơn”, bà Nguyễn Thanh Hải phân tích.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng kỳ vọng, với những thực tiễn ở địa phương trong 2 năm qua, ông Hiếu khi về làm quyền Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Tư pháp sẽ mang tiếng nói, kinh nghiệm từ địa phương vào công tác tham mưu, hoạch định chính sách, triển khai chủ trương đường lối của Bộ Tư pháp nói riêng và những chủ trương chung liên quan đến các địa phương.

“Có thể nói hiện nay, chuyển đổi số trong 3 lĩnh vực chính quyền số, xã hội số, kinh tế số đã xâm nhập vào rất nhiều địa phương. Nhưng để đạt được hiệu quả thật sự thì việc phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương thông qua chủ trương biệt phái, luân chuyển cán bộ Trung ương về địa phương là rất cần thiết”, bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm của tỉnh Thái Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải mong Bộ TT&TT nhân rộng cách làm này ở nhiều địa phương khác, để chuyển đổi số thực sự trở thành một bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi tỉnh, thành.

Là người đứng đầu cơ quan trực tiếp tiếp nhận cán bộ biệt phái từ Bộ TT&TT về địa phương hỗ trợ công tác chuyển đổi số, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên Đỗ Xuân Hòa bày tỏ ủng hộ việc Bộ biệt phái cán bộ về địa phương để hỗ trợ công tác chuyển đổi số là một chủ trương rất phù hợp với thực tế hiện nay.

Giám đốc Sở TT&TT cho biết, sau gần 3 năm thực hiện nghị quyết, đến nay, Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Qua đó, không những khẳng định Thái Nguyên là điểm sáng của cả nước về chuyển đổi số, mà còn từng bước đưa tỉnh dần tới mục tiêu trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030.

Theo ông Hòa, kết quả chuyển đổi số của Thái Nguyên có được là thành quả của cả hệ thống chính trị, từ cấp tỉnh cho đến cấp cơ sở và đến nay lan tỏa đến cả cấp xóm, đặc biệt là sự tích cực tham gia hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến vai trò chỉ đạo điều hành và quyết tâm của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải.

“Sở TT&TT chúng tôi có vai trò tham mưu rất tích cực, nhất là từ khi có thêm sự hỗ trợ của cán bộ biệt phái từ Bộ. Trong kết quả chung về chuyển đổi số của tỉnh có sự đóng góp quan trọng của sở và của cá nhân anh Phạm Quang Hiếu”, người đứng đầu Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.

Ông Hòa đánh giá, việc Bộ TT&TT biệt phái ông Phạm Quang Hiếu về Thái Nguyên đã mang lại nhiều cái được cho cả địa phương và bản thân cán bộ biệt phái, tạo nên luồng gió mới, tư duy mới, cách làm mới trong công tác chuyển đổi số.

“Chúng tôi có được một cán bộ mới có tư duy mới, cách làm mới giúp cho việc vận hành công tác chuyển đổi số vào cuộc sống hay hơn và nhìn nhận vấn đề bao quát hơn. Đến bây giờ tôi vẫn mong muốn tỉnh tiếp nhận thêm cán bộ biệt phái từ Trung ương để hỗ trợ địa phương trong một số lĩnh vực chuyên sâu”, ông Hòa nói.

Ông cũng cho biết ngay bản thân mình cũng học hỏi nhiều kinh nghiệm, tư duy mới từ cán bộ biệt phái của Bộ.

Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên nhìn nhận: “Qua môi trường công tác tại địa phương, tôi thấy Hiếu đã học hỏi và trưởng thành rất nhiều trong nhận thức, công tác quản lý và thực thi nhiệm vụ”.

Chẳng hạn như, hiểu được mối quan hệ công việc và phân công nhiệm vụ của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp; hiểu được nhiều hơn các lĩnh vực quản lý của Bộ và các chính sách của Bộ với địa phương…

“Đặc biệt là cán bộ biệt phái khi về địa phương được trải nghiệm thực tế, nắm bắt và tiếp cận cơ sở, được lắng nghe tiếng nói của nhân dân, doanh nghiệp trực tiếp và được tận mắt thấy các chủ trương, chính sách vận hành trong cuộc sống”, ông Hòa nhận xét.

Qua đó, cán bộ hiểu được người dân, doanh nghiệp và chính quyền cơ sở rõ hơn để có những chính sách và lựa chọn ưu tiên các nhiệm vụ phù hợp.

“Đặc biệt, tôi thấy anh Phạm Quang Hiếu trưởng thành rất nhanh. Tuy chỉ có 2 năm ở địa phương nhưng anh Hiếu đã cứng cáp hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi tin rằng, thời gian anh Hiếu biệt phái về Thái Nguyên rất có ý nghĩa và giá trị trong cuộc đời công chức của anh Hiếu”, ông Hòa đánh giá cấp phó của mình.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên cho rằng, thời gian biệt phái cán bộ không quá 2 năm thì hơi ngắn. Bởi vì, khi về địa phương, cán bộ cũng cần có thời gian nhất định để làm quen với môi trường mới. 

Nếu chỉ trong 2 năm thì cán bộ vừa quen việc và có thể đang triển khai dang dở các ý tưởng, đề xuất của mình phải trở về thì rất lấy làm tiếc.

“Vì vậy tôi cho rằng, thời gian biệt phái ít nhất là 36 tháng để cán bộ có đủ thời gian thực hiện những ý tưởng mình ấp ủ cũng như tạo sự lan tỏa sâu rộng hơn tại địa phương”, ông Đỗ Xuân Hòa nói.

Từ hiệu quả của việc biệt phái cán bộ Trung ương về địa phương, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên đề nghị nên nhân rộng mô hình này. Không chỉ biệt phái cán bộ từ bộ về địa phương mà cần làm ngược lại để cùng học lẫn nhau.

Vì vậy, mô hình này cũng cần được thể chế hóa bằng quy định từ thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ với các ngành để địa phương có đầy đủ căn cứ hơn trong tổ chức, thực hiện.

Nội dung: Nguyễn Thị Thu Hằng, Phạm Hữu Hải, Ngô Thế Vinh, Trần Thị Hồng Nhì, Mai Vân Anh, Lê Thế Mỹ

Ảnh: Phạm Hải - Phạm Thắng

Thiết kế: Nguyễn Ngọc