Buổi sáng, trong căn phòng nhỏ rộng chừng 10m2 có một cây đàn piano, hàng ghế dựa sát tường, sinh viên khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đều giống như Quốc, cùng thầy giáo miệt mài luyện thanh. Những âm thanh, lời ca trầm bổng réo rắt bắt tai vang lên. Quá trình này lặp đi lặp lại, kéo dài nhiều năm để đổi lại vài phút toả sáng trên sân khấu, để trái tim chạm đến trái tim.

Gần 11h trưa, thầy giáo, TS.NSND Đỗ Quốc Hưng - Trưởng khoa Thanh nhạc, thông báo, buổi học hôm nay kết thúc sớm, sinh viên lớp trung cấp 1 có thể nghỉ kèm theo lời dặn “về nhà nhớ luyện tập thêm”. 

Sau đó, thầy quay lại nói với chúng tôi, trở thành một nghệ sĩ âm nhạc xuất sắc, đứng trên sân khấu lớn và trình diễn cho hàng nghìn khán giả, được hàng triệu người biết đến là giấc mơ của rất nhiều bạn trẻ. Song, quá trình đào tạo âm nhạc như “đãi cát tìm vàng”. Hệ đại học một năm tuyển khoảng 30 sinh viên, mất nhiều năm khổ luyện cuối cùng trở thành ngôi sao chỉ 1-2 người.

Dẫu vậy, Thanh nhạc luôn là khoa “hot” ở Học viện, được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Bởi, cơ hội nghề nghiệp rộng mở, sinh viên sau khi ra trường có thể trở thành ca sĩ, người biểu diễn âm nhạc, nhạc sĩ… hoặc người làm hòa âm phối khí ở các đơn vị nghệ thuật. Quan trọng không kém là “dễ kiếm tiền”.

Giảng dạy tại Học viện đã nhiều năm, NSND Quốc Hưng nhớ lại, ngày tuyển sinh khoa Thanh nhạc cực kỳ đông vui. Ngày xưa, các em hát theo bản năng. Còn nay, thí sinh có kỹ năng hát tốt vì đa phần đã trải qua 2-3 năm ôn luyện.  

Cả khoa Thanh nhạc từ hệ trung cấp lên hệ đại học và cao học chỉ có khoảng 300 sinh viên. Vì vậy, thi tuyển đầu vào các cấp chính là bước “đãi cát tìm vàng” đầu tiên. Chỉ cần cất tiếng hát, thầy cô liền biết em đó có năng khiếu không. Song, biểu cảm qua ánh mắt vô cùng quan trọng, các em vẫn phải thể hiện hết bài.

Theo NSND Quốc Hưng, mỗi vùng miền lại có một âm sắc rất riêng biệt. Nói về lĩnh vực thanh nhạc, người ở Quảng Ninh có tố chất giọng hát đầy chất thép, sáng, vang và nội lực. Còn như hát chèo, âm giọng của người Thái Bình lại hợp và hay hơn. Vài năm gần đây, màu sắc giọng hát của người Thanh Hoá cũng rất mềm mại, thiên về hát dân ca.

Muốn học thanh nhạc, nữ phải đủ 15 tuổi, nam 16. Ở ngưỡng này, con gái đã qua tuổi dậy thì, con trai hết tuổi vỡ giọng. Đây cũng là điều kiện thi tuyển đầu vào khoa Thanh nhạc. Vì trong quá trình đào tạo, thầy cô sẽ giúp các em gò giọng vào rãnh kỹ thuật. Khi rãnh kỹ thuật đã hằn sâu sẽ rất khó thay đổi. Thế nên, nữ 15 tuổi, nam 16 tuổi giọng đã trưởng thành, gò vào kỹ thuật sẽ không sợ hỏng. 

Ngoại hình có quan trọng không? Thầy Quốc Hưng khẳng định có. Ngoài năng khiếu hát, để đỗ vào Học viện thì ngoại hình cũng phải “ưa nhìn”, trừ trường hợp giọng hát quá đặc biệt.

“Tài năng thì không thể bỏ qua được. Khi phát hiện ai đó có giọng hát thiên phú, tôi dụ dỗ, lôi kéo bằng được họ về để đào tạo”, thầy nói.

Nhớ có lần về Quảng Ninh dạy học, NSND Quốc Hưng phát hiện ra Hoàng Tùng có chất giọng thiên phú, nhạc cảm tốt khi nghe bài “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, thầy đã tìm cách “bắt ép” Tùng lên Hà Nội học. 

“Hoàng Tùng bảo nhà em nghèo lắm, không lên Hà Nội được đâu. Tôi nói cứ lên, thầy có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Và thế là Hoàng Tùng trở thành học trò của tôi”, thầy chia sẻ về người học trò cũ từng đoạt Quán quân Sao Mai.

Nhiều người nghe từ “ca sĩ” hay “nghệ sĩ” thấy đơn giản. Như Nguyễn Trung Quốc - sinh viên lớp Trung cấp 1, đam mê ca hát, quyết tâm thi vào Học viện với suy nghĩ được học hát các bài mình thích. 

“Trước kia, em nghĩ đơn giản học hát là chỉ có hát thôi. Đến khi trúng tuyển vào học hệ trung cấp, em ngộ ra không phải vậy. Bọn em học rất nhiều môn xoay quanh thanh nhạc. Có môn với em rất khó. Em phải học thở, tập phát âm, rèn luyện thể dục… Quá trình học dần dần khiến em yêu thích nhạc thính phòng rồi quyết định theo đuổi dòng nhạc này”, Quốc chia sẻ. 

Sinh viên thanh nhạc phải trải qua đào tạo 4 năm trung cấp, sau đó lên 4 năm đại học. Suốt quá trình học, NSND Quốc Hưng gọi đó là những năm tháng “khổ luyện”.

Quy chuẩn của khoa là nhạc cổ điển cơ bản. Tài năng của các em sẽ được bộc lộ dần qua thời gian rèn luyện. Từ đó, thầy cô sẽ định hướng cho mỗi em theo dòng nhạc phù hợp nhất với chất giọng của mình. 

Riêng về luyện thanh, theo NSND Quốc Hưng, không bạn nào giống bạn nào. Với mỗi sinh viên, thầy cô có phương pháp giảng dạy khác nhau. Như Hà Phương, khi hát hay bị gồng người, lúc luyện thanh phải hướng dẫn để em thoải mái giải phóng hết ra được. Hát mà bị gồng âm thanh bị hút về sâu, còn giải phóng ra được thì âm thanh bật vang ra ngoài, dễ nghe và tự nhiên hơn. Với Trung Quốc, em có giọng rất mềm mại, nhưng đôi lúc vào câu hát bị thô. Thầy phải hướng dẫn vào hơi ra sao để âm thanh tròn vành rõ chữ. 

Vị trí hàm ếch, âm thanh, hơi thở, giải phóng hình thể rất quan trọng với người ca sĩ. Có những em chỉ luyện 1 âm đã mất rất nhiều thời gian.

NSND Quốc Hưng nhớ buổi học thanh nhạc đầu tiên của mình, thầy Trần Hiếu lên lớp nói: “Muốn làm ca sĩ, trước tiên phải là lực sĩ”. Hơi thở, sức khỏe là quan trọng nhất với một nghệ sĩ.

Lấy kinh nghiệm của bản thân ngày xưa học Chèo, NSND Quốc Hưng thường úp mặt vào chum luyện giọng. Sau đó học thanh nhạc bắt đầu tập thở. Cả lớp học xì luồng hơi rất nhỏ nhưng kéo càng dài càng tốt. Về nhà thầy bắt chạy thể dục, vận động cho cả cơ thể mềm mại, khoẻ khoắn. Bởi, cơ thể khỏe mạnh, hơi thở khỏe thì giọng hát cũng sẽ tốt dần lên, hát có nội lực hơn. 

Ở mỗi buổi học thanh nhạc, các em đều phải tập kỹ thuật thở, luyện thanh cơ bản khoảng 15-20 phút trước khi học dàn dựng tác phẩm cụ thể. Thời gian học không thể kéo dài quá 20 phút mỗi lần vì sẽ ảnh hưởng đến giọng hát của mỗi người. Vậy nên, cứ 20 phút học, các em sẽ nghỉ giải lao một lần.

Quá trình luyện tập như vậy duy trì suốt thời gian học. Không chỉ với sinh viên mà ngay cả giảng viên thanh nhạc cũng phải tự rèn luyện bản thân. Không duy trì sức khỏe, không luyện thanh thì sẽ mất dần cảm hứng trong khi hát.

Theo NSND Quốc Hưng, mỗi thầy cô sẽ áp dụng nhiều phương pháp luyện tập cho các em sinh viên khác nhau. Đích cuối cùng là giúp các em hát những “âm thanh đẹp, vang và sáng”.

Ở Học viện Âm nhạc quốc gia, mỗi giảng viên đều là nghệ sĩ tên tuổi, có kinh nghiệm biểu diễn. Thầy - trò Thanh nhạc có sự gắn bó rất đặc biệt, khi lên lớp chỉ có 1 thầy 1 trò. Nếu học từ trung cấp lên đại học, các em sẽ gắn bó với thầy trong 8 năm ròng. Do đó, ảnh hưởng của người thầy với học trò rất lớn, không những về chuyên môn, kỹ thuật mà còn cả tính cách, nhân cách.

“Các em sinh viên thường nhìn tấm gương của thầy cô để phấn đấu”, NSND Quốc Hưng chia sẻ. Song, để chạm tới thành công, quan trọng vẫn là ở bản thân mỗi người. Ngoài những giờ luyện tập trên lớp, các em bắt buộc phải nghe, đọc, xem và trình diễn nhiều hơn. 

Trong đó, nghe hát là cách để giúp người học hát ngấm hơn về nghệ thuật, đúc rút được kinh nghiệm cho bản thân. Đọc là kỹ năng quan trọng giúp người học nhạc hiểu lịch sử ngành, các nội dung, phong cách, trường phái âm nhạc, đồng thời hiểu được tác phẩm ở cả khía cạnh nội dung lẫn giọng hát, diễn xuất.

Tương tự, xem trực tiếp góp phần giúp sinh viên học hỏi thêm những kinh nghiệm thực tiễn xử lý bài hát trên sân khấu. Hay như thực hành trình diễn chính là quá trình trau dồi và hoàn thiện kỹ năng đối với bản thân sinh viên trên con đường trở thành ca sĩ.

Một ca khúc nhạc Việt được thể hiện hoàn hảo trên sân khấu là khi ca sĩ không bị gò quá vào kỹ thuật mà hát với sự thổn thức của trái tim. Khi trái tim của người hát thổn thức thì chắc chắn trái tim của khán giả cũng thổn thức theo. Trái tim chạm tới trái tim. Còn kỹ thuật hát, khi được đào tạo chỉn chu, qua quá trình khổ luyện kéo dài thì hát nốt cao sẽ vang lên đúng vị trí, đạt tới độ “bản năng”.

“Với ca sĩ hay nghệ sĩ, chỉ cần tỏa sáng một lần trên sân khấu là được cả nước biết đến”, NSND Quốc Hưng nói.  

Như lời PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện, “trở thành những nghệ sĩ, những nhà hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, chinh phục được đỉnh vinh quang trong âm nhạc chuyên nghiệp là điều không hề dễ, nó đòi hỏi các em ngay từ khi bước vào mái trường này đã phải xác định con đường đi của mình. Một con đường không hề có thảm hoa rực rỡ mà sẽ đầy chông gai, khó nhọc, đòi hỏi sự kiên trì, chăm chỉ khổ luyện mới hy vọng có được ánh hào quang phía trước”.

Trung Quốc lớp trung cấp 1, Hoàng Diệu Châu trung cấp 3 hay như Hà Phương lớp trung cấp 2… đều theo đuổi Thanh nhạc với những ước mơ riêng của mình. Các bạn đang bắt đầu quá trình khổ luyện kéo dài cả chục năm, để một ngày nào đó, có thể chạm vào 2 chữ “thành công”.

Bài: Tâm An

Ảnh, clip: Phạm Hải

Thiết kế: Hồng Anh