Vàng lá Châu Thành, Trà Vinh hay còn gọi là Vàng lá chùa Lò Gạch được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ học năm 2014, tại di tích chùa Lò Gạch (ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), trong các cấu trúc hố thiêng của hai phế tích kiến trúc 14CLG.KT1 và 14CLG.KT2.

Di tích chùa Lò Gạch được xác định là một quần thể kiến trúc tôn giáo thuộc phạm trù văn hóa Óc Eo, có niên đại vào khoảng thế kỷ VII - IX. Năm 2017, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia.

vang6.jpg
'Vàng lá Châu Thành, Trà Vinh' là hiện vật gốc, độc bản.

Sưu tập Vàng lá Châu Thành, Trà Vinh gồm 9 hiện vật vàng lá có chạm khắc hình hoa sen và hình voi, đang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh. Đây là những lá vàng dát mỏng được chế tác bằng kỹ thuật khắc - miết, gò - tán trên bề mặt, là hiện vật gốc và độc bản.

Sưu tập Vàng lá Châu Thành, Trà Vinh được tìm thấy góp thêm nguồn tư liệu quan trọng trong việc nghiên cứu đặc điểm, tính chất tôn giáo tại đây, có nhiều yếu tố liên quan đến Phật giáo. Đồng thời, phần nào phản ánh đặc điểm cấu trúc văn hóa, cư dân vào giai đoạn muộn của văn hóa Óc Eo.

vang3.jpg
Vàng lá hình voi.

Hiện vật là sản phẩm của quá trình trao đổi, giao lưu giữa văn hóa bản địa và các yếu tố văn hóa ngoại nhập, là điểm nhấn quan trọng góp phần làm rõ nét hơn cho diện mạo văn hóa Óc Eo ở địa bàn Trà Vinh nói riêng, vùng giồng cát của miền Tây Nam Bộ và vùng đất Nam Bộ nói chung.

vang1.jpg
Sưu tập hiện vật là nguồn tư liệu quý để các nhà khoa học tiếp cận nghiên cứu.

Sưu tập hiện vật là nguồn tư liệu quý để các nhà khoa học tiếp cận nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau, từ đặc trưng phong cách, nội dung tôn giáo và các mối quan hệ văn hóa trong thời kỳ Óc Eo, cũng như giai đoạn muộn của nền văn hóa này.

Có thể nói, 3 nhóm loại hình trong sưu tập hiện vật vàng lá chạm khắc hình voi, hoa sen ở di tích chùa Lò Gạch là những cứ liệu khá đầy đủ phản ánh đặc điểm phát triển của nghề kim hoàn nói chung, bao gồm thuật chế tác đỉnh cao, gắn liền với quá trình phát triển văn hóa - xã hội của vùng đất phía Nam vào thế kỷ cuối của thời kỳ văn hóa Óc Eo.

Các đặc điểm trên cho thấy, mặc dù văn hóa Óc Eo từ sau thế kỷ VII được xem là đã suy thoái và biến đổi sâu rộng về mặt kinh tế - xã hội - tín ngưỡng, song các yếu tố truyền thống được định hình và phát triển rực rỡ trong các giai đoạn trước đó vẫn được kế thừa. Ít nhất trên một số lĩnh vực và không gian - khu vực nhất định mà chùa Lò Gạch nói riêng là một trường hợp cho thấy sự tồn tại lâu dài của nền văn hóa này, cho đến thế kỷ IX, bên cạnh các di tích Óc Eo - Ba Thê, Gò Tháp…

Với tính độc đáo nổi bật và những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học to lớn, được thể hiện rõ nét gắn liền với nền văn hóa Óc Eo, góp phần làm rõ về một trong những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của miền đất Nam Bộ, Chính phủ quyết định công nhận Sưu tập Vàng lá Châu Thành, Trà Vinh Bảo vật quốc gia.

Ảnh: Cục Di sản văn hoá