- Nhắc về người cha già dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc NSND Thu Hiền sẽ có nhiều cảm xúc nghẹn ngào?

Cùng với cả dân tộc, anh em văn nghệ sĩ đang hướng về những ngày tháng Năm lịch sử và kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) với lòng biết ơn sâu sắc. 

Chúng tôi không chỉ nhớ hình ảnh Bác mà còn nhớ những ca khúc viết về Người như: Trông cây lại nhớ đến Người, Miền Trung nhớ Bác, Lời Bác dặn trước lúc đi xa... Những tác phẩm này đã đi cùng chiều dài lịch sử, ghi dấu ấn trong lòng người dân.

Tôi nhớ mãi những lời Bác dạy. Người mong rằng chúng ta sẽ yêu và hiểu dân ca… Với Hồ Chủ tịch, yêu đất nước phải yêu cả những lời mẹ ru, câu hò bởi đó là nguồn cội của người Việt Nam.

Lần đầu tiên tôi được nghe ca khúc về Bác Hồ cũng chính là ngày Người mất. Tôi nhận được tin Bác đi xa khi đang cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ trên rừng. Bác mất! Tất cả đều bàng hoàng và đau buồn... Nơi chiến trường, phần nghẹn ngào vì không được về quảng trường Ba Đình để viếng Bác, phần nghe chị Song Thao hát bài Trông cây lại nhớ đến Người của nhạc sĩ Đỗ Nhuận khiến tôi càng thêm nức nở.

Lúc nghe tin Người mất qua loa phát thanh, vì quá xúc động nên tôi làm một bài thơ, cũng là bài thơ duy nhất trong cuộc đời. Về sau, ca khúc đầu tiên tôi hát về Bác cũng chính là Trông cây lại nhớ đến Người. Càng hát, tôi càng yêu và tự hào những giai điệu về Bác. 

Bài thơ NSND Thu Hiền viết về Bác

Cả nước đau buồn nghe tin Bác mất 
Không tin được dù đó là sự thật
Con đứng lặng nhìn ảnh Bác! Bác Hồ ơi…
Ôi đôi mắt mênh mông như ôm cả đất trời
Vị lãnh tụ người cha già yêu quý
Bác lại lên đường đi tìm chân lý
Cả một đời vì nước vì non 
Bác! Bác ơi…
Cả núi sông đất Việt vẫn đang còn 
Lời Bác dặn chúng con ghi nhớ
Sự thật rồi sao con cứ ngỡ Bác vẫn còn
Ôi đó chỉ là mơ! 
Kìa dải băng đen đã quấn quanh cờ
Con chết lặng với bao hàng nước mắt 
Bác! Bác ơi…
31 triệu chúng con xin siết chặt
Biến đau thương bằng sức mạnh thần kỳ…
Vượt Trường Sơn con lại tiếp bước đi 
Vì miền Nam!
Nửa trái tim ngày đêm Người thương nhớ.

NSND TH3.jpg
NSND Thu Hiền thời còn trẻ. Ảnh: Báo CAND

- Giữa muôn vàn tình cảm thiêng liêng dành cho Bác Hồ, ca khúc nào đã len lỏi vào tâm khảm và khắc sâu nỗi nhớ mong Người trong NSND Thu Hiền?

Mỗi ca khúc về Bác Hồ đều thiêng liêng và dạt dào cảm xúc. Là người con miền Trung từng hoạt động văn công trong lúc chiến tranh, tôi thấu hiểu tấm lòng người miền Trung dành cho Bác. Tôi hạnh phúc được thay mặt đồng bào hát ca khúc Miền Trung nhớ Bác.

Hay có lần hát Lời Bác dặn trước lúc đi xa của nhạc sĩ Trần Hoàn tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội), tôi vừa hát vừa khóc trên sân khấu, khán giả cũng rơi nước mắt vì thương nhớ Người. Có lẽ, ai cũng mong ước được gặp Bác dù chỉ một lần trong đời và tôi cũng thế… Ước mơ được gặp Bác luôn cháy bỏng nhưng rất tiếc tôi chưa có điều kiện gặp Người vì phải phục vụ nơi chiến trường.

Sau này, tôi may mắn vì gần như được hát mọi ca khúc về Bác. Cảm xúc, tình yêu thương, sự kính trọng đối với Người, tôi đều dồn hết vào các tác phẩm, không riêng ca khúc nào.

NSND THu Hiền 2.jpg
Ở tuổi 72, NSND Thu Hiền vẫn miệt mài đi hát tại những sự kiện âm nhạc quốc gia. Ảnh: FBNV

- Khi mới bắt đầu hát các ca khúc về Bác Hồ, điều gì khiến bà cảm thấy trăn trở nhất?

Những ca khúc về Bác Hồ được sáng tác trải dài từ Bắc tới Nam, qua nhiều giai đoạn lịch sử. Mỗi khi cất giọng, tôi luôn tìm hiểu kỹ bối cảnh và tinh thần của bài hát để thể hiện cho phù hợp.

Theo tôi, yếu tố tiên quyết khi hát về Bác là truyền tải được cảm xúc qua từng câu hát. Hát hay là cần thiết, nhưng hát sao cho thật xúc động lại là chuyện khác. Để biến ca khúc trở thành tác phẩm chiếm trọn trái tim khán giả, người nghệ sĩ phải nỗ lực rất nhiều.

Nghệ sĩ cần nghiên cứu kỹ nội dung, ca từ và tinh thần của ca khúc trước khi trình diễn để truyền tải trọn vẹn thông điệp của nhạc sĩ. Đặc biệt với nhạc dân ca và cách mạng, mỗi vùng miền sẽ có cách hát, luyến láy và xử lý âm điệu khác nhau. Ví dụ, ca khúc Hoa sen Tháp Mười sẽ có cách hát khác so với Bác về thăm lại làng Sen. Các sáng tác về Bác thường dựa trên chất liệu dân ca, trữ tình và sâu lắng. Do đó, ca sĩ cần tiết chế kỹ thuật, tập trung thể hiện cảm xúc chân thành, tự nhiên.

NSND TH1.jpg
NSND Thu Hiền diện áo bà ba, khăn rằn trình diễn ca khúc 'Dáng đứng Bến Tre'. Ảnh: Chụp màn hình

- Nghe các giọng ca trẻ hát những ca khúc về Bác Hồ, cảm xúc của bà như thế nào?

Hát nhạc về Bác, ai cũng tràn đầy sự kính trọng và lòng tự hào dân tộc. Kỹ thuật thanh nhạc quan trọng nhưng tôi đánh giá cao sự rung động chân thành của người nghệ sĩ.

Từng đi chấm nhiều cuộc thi âm nhạc và hay xem biểu diễn văn nghệ quần chúng, tôi nhận ra có những chất giọng không quá hay nhưng lại chạm được trái tim khán giả khi hát về Bác. Theo tôi, người nghệ sĩ thành công khi giọng hát khơi dậy được cảm xúc của người nghe.

Nếu nhà thơ thể hiện tình cảm dành cho Bác Hồ qua những vần thơ, ca sĩ lại truyền tải cảm xúc bằng giọng hát. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực và thái độ nghiêm túc của thế hệ trẻ khi hát những ca khúc về Bác. Đây là điều tôi luôn khuyến khích và trân trọng. Tuy nhiên, để hát một ca khúc hào hùng và cảm xúc, các bạn cần trau dồi phong cách biểu diễn. 

Làm giám khảo hay khán giả, tôi đều học hỏi và tiếp thu năng lượng tích cực từ các bạn trẻ. Thậm chí, tôi còn ngưỡng mộ tài năng của các bạn khi có thể giữ gìn tinh thần ca khúc mà vẫn sáng tạo được dấu ấn riêng.

- Trong suốt 62 năm hoạt động nghệ thuật, bao nhiêu ca khúc về Bác đã được bà thổi hồn bằng giọng hát?

Năm 2007, tôi là người đầu tiên làm album về Bác Hồ nhân kỷ niệm ngày sinh của Người. Hiện tôi có tổng cộng 55 album đã phát hành, gần như ở mỗi sản phẩm đều có bài hát về Người.

Từ thế hệ bố mẹ rồi đến tôi đều đi theo và tin tuyệt đối vào lý tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những bài hát về Bác rất hợp với chất giọng và tình cảm của tôi dành cho Người. 

NSND Thu Hiền thể hiện ca khúc 'Trông cây lại nhớ đến Người':

Phước Sáng