Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên dù còn gặp khó khăn nhưng đã tạo được những dấu ấn quan trọng. Một trong các tiêu chí tỉnh đẩy mạnh là nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, thu nhập cho bà con với giải pháp được triển khai là xây dựng kế hoạch, chính sách khuyến khích phát triển các mô hình liên kết chuỗi. 

Đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Việc liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã ở tỉnh Điện Biên đã giúp tạo nên chuỗi sản xuất – tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị cho nông sản địa phương.

Tiêu biểu như tại huyện Mường Chà, xác định phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện đã đồng hành cùng người dân, phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương; từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Bản Thèn Pả, xã Sa Lông là nơi định cư của khoảng 60 hộ dân người dân tộc Xạ Phang. Cuối năm 2022, Hợp tác xã Nam Dương đã phối hợp với một số hộ dân nơi đây chuyển đổi sang trồng bí xanh.

Mô hình trồng bí xanh được triển khai theo hình thức liên kết giữa người dân với hợp tác xã, doanh nghiệp. Sau thời gian ngắn trồng và chăm sóc, các mô hình đã cho hiệu quả kinh tế khá khả quan, với năng suất bình quân đạt trên 88,99 tấn/ha, tổng sản lượng 306,14 tấn. 

Khi tham gia chuỗi liên kết, người dân sẽ được các đơn vị liên kết đứng ra đảm bảo về đầu ra cũng như hướng dẫn quá trình trồng và chăm sóc cây bí. Việc lựa chọn cây giống, chăm sóc, phân bón hay phòng trừ sâu bệnh đều theo tiêu chuẩn nên người dân phải tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật. Từ đó, vùng trồng bí cũng được kiểm soát để hướng đến một vùng trồng ổn định.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ tư vấn liên kết, đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh một số cây trồng có giá trị kinh tế cao… Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp người dân giải quyết nhu cầu việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. 

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương

Xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ được công nhận là xã nông thôn mới năm 2019 với nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, du lịch. Nhiều mô hình sản xuất rau sạch mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con dân tộc.

Điển hình như mô hình trồng su su liên kết của Hợp tác xã Nông nghiệp, du lịch và chế biến nông sản Bản Phăng. Anh Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết: “Chúng tôi không chỉ hỗ trợ về giống, phân bón mà khi tham gia liên kết, người dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Đó là một trong những kiến thức quan trọng cho người dân tham gia liên kết. Việc nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật sẽ góp phần không nhỏ vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong quá trình canh tác”. 

Nhờ liên kết với hợp tác xã, sản phẩm rau sản xuất ra sẽ được doanh nghiệp bao tiêu, không thông qua thương lái nên tránh tình trạng bị ép giá, giúp tăng lợi nhuận cho các thành viên hợp tác xã, người trồng. Qua đó, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, bảo đảm chất lượng hàng hóa an toàn, từng bước xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường.

Anh Cà Văn Ngọc (SN 1990) Bí thư chi bộ bản Bánh là một trong những người thực hiện mô hình này. Trước đây, gia đình anh chỉ trồng trọt theo truyền thống, nông sản theo mùa rồi tự mang ra chợ bán. Giá cả, tiêu thụ phụ thuộc vào thị trường không ổn định. Từ khi được địa phương tư vấn và họp với hợp tác xã, anh nhận thấy tiềm năng kinh tế từ mô hình trồng su su nên đã mạnh dạn chuyển đổi, triển khai trồng 400 gốc su su trên 3.000m2 đất.

“Hiện mô hình mới ở giai đoạn khởi động, tôi mong hợp tác xã cùng chính quyền địa phương, huyện và tỉnh sẽ có thêm nhiều cơ chế, hỗ trợ mở rộng mô hình liên kết chuỗi này. Đó là giải pháp nâng cao thu nhập cho bà con hiệu quả”, anh nói. 

Theo anh Hoàng Giang, đất trên Mường Phăng quanh năm mát mẻ, rất thích hợp cho cây su su. Hợp tác xã đã trồng thử nghiệm 2 mô hình từ năm 2023 với doanh thu khoảng 300 triệu đồng/năm. Người dân được hưởng hoàn toàn từ chuỗi sản xuất, hợp tác xã chỉ tập trung làm chế biến và thương mại. 

W-su su 1.jpg
Vườn su su phát triển tốt trong khí hậu mát mẻ ở Mường Phăng. 

Năm 2024, hợp tác xã chính thức triển khai mô hình liên kết với 30 hộ ở bản Phăng, bản Khá, bản Bánh khoảng 4ha. Dự kiến đến tháng 7, tháng 8 này sẽ mở rộng liên kết khoảng 30ha. 

“Trước khi triển khai, chúng tôi cũng tham gia đánh giá, khảo sát về đất đai, thổ nhưỡng để tìm giống cây trồng phù hợp và đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Chúng tôi trồng theo phương pháp hữu cơ, toàn bộ mô hình trồng được ứng dụng khoa học công nghệ, không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Phân ủ từ phân trâu, bò, chế phẩm sinh học để vun gốc…

Ở vùng thấp vào mùa nóng không thu hoạch được su su, nhưng vùng mát mẻ như này làm được trái vụ, khai thác quanh năm, tiềm năng và giá trị từ cây su su là rất lớn”, anh Giang nói. 

Trong tương lai, nếu xã Mường Phăng hình thành nhiều chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp sẽ giúp người dân nâng cao ý thức dự đoán thị trường nông sản, phục vụ sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. 

Hiệu quả trong liên kết, hợp tác giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp, mô hình kinh tế nông nghiệp còn góp phần nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

“Việc hình thành các chuỗi liên kết còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chỉ một mình Hợp tác xã Nông nghiệp, du lịch và chế biến nông sản Bản Phăng triển khai sẽ rất khó thành công. Chuỗi sản xuất liên kết như vậy, người được hưởng lợi đầu tiên là người nông dân.

Ước tính trên địa bàn xã Mường Phăng có 1.000 hộ, tôi mong có khoảng 500 hộ tham gia vào chuỗi mô hình liên kết sẽ tạo được vùng nguyên liệu hàng hóa lớn để phát triển chuỗi chế biến và thương mại. Địa phương cũng phát triển cả về hạ tầng, kinh tế, thu nhập người dân sẽ từng bước tăng lên.

Để làm được như vậy, rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cấp chính quyền địa phương, có nhiều cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư”, anh Hoàng Giang bày tỏ. 

Quỳnh Nga