Mùa thu của gần 80 năm trước đây, toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhất tề đứng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi. Tạo nên cột mốc chia đôi thế kỷ, đưa Việt Nam từ bùn lầy nước đọng của ngàn năm phong kiến, trăm năm thực dân trở thành một quốc gia độc lập. Nội lực của một dân tộc giàu lòng yêu nước, được lãnh đạo bởi một Đảng chân chính với đường lối cách mạng đúng đắn chính là sức mạnh làm nên thắng lợi vĩ đại đó.

ho chi minh1.jpg
Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật - Pháp. Ảnh tư liệu

Kể từ khi nước Việt Nam rơi vào vòng nô lệ của đế quốc phương Tây. Để cứu nước, những nhà chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,…đã nhận ra rằng: chừng nào toàn dân chúng ta chưa thực sự đồng tâm, đoàn kết dưới một ngọn cờ thì chừng đó dân tộc ta chưa thể tự mình giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Lời kêu gọi lòng “ái quốc” và sự “đồng tâm” đã làm trỗi dậy tinh thần dân tộc, dấy nên những phong trào mạnh mẽ. Song vì thiếu một cơ sở lý luận, thiếu đường lối và biện pháp cụ thể nên chưa thể tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không thể phát huy hết nội lực vốn có. Cũng vì thế mà các phong trào chưa thể thành công.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, trải qua nhiều quốc gia, chứng kiến nhiều cảnh đời nô lệ, bất công... năm 1919, sau khi gửi Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam đến Hội nghị Versaille không có kết quả, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra bài học: "Muốn được độc lập, tự do thật sự, các dân tộc bị áp bức phải trông cậy trước hết vào lực lượng của bản thân mình, người Việt Nam phải tự giải phóng lấy mình". 

Khi Nguyễn Ái Quốc tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã xác định rõ ràng lực lượng cho con đường giải phóng dân tộc “Là ở toàn quốc dân, nên quốc dân giác ngộ chừng nào thì lực lượng cách mệnh to lớn chừng ấy”.

Với lòng tin mãnh liệt vào sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, nhưng Nguyễn Ái Quốc cũng thấy rất rõ rằng, sau hàng chục năm cai trị với chính sách ngu dân của thực dân Pháp  đã tước đoạt tất cả,  đời sống nhân dân ta điêu đứng lầm than, dân trí thấp. Cho nên, trước khi rời nước Pháp (1923), Người khẳng định “Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành độc lập dân tộc”.  

Từ đó, bằng những nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp Người đã không ngừng tuyên truyền, thức tỉnh, giác ngộ quần chúng Nhân dân đoàn kết đấu tranh. Đặc biệt, sau những hoạt động không biết mệt mỏi của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam – đội quân tiên phong của cách mạng Việt Nam ra đời, gánh vác trọng trách lãnh đạo phong trào đã tạo nên chuyển biến mới, huy động sức mạnh của toàn dân tộc cho công cuộc đấu tranh giành độc lập.

Mặt trận Việt Minh - hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc

Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, dưới sự chủ trì của Người, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 đã hoàn chỉnh chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng, đề cao củng cố khối đoàn kết nhằm chuẩn bị lực lượng một cách kiên trì và toàn diện cho cách mạng Việt Nam.

ho chi minh 2.jpg
Cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu

Trên tinh thần đó, Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh (Việt Minh) được thành lập. Trong tuyên ngôn, Việt Minh tuyên bố rõ ràng: "Chủ trương liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp – Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”.

Sự ra đời, phát triển của mặt trận Việt Minh không chỉ là hạt nhân quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, mà còn đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do.

Mặt trận Việt Minh không chỉ là tổ chức để củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc mà còn là phương tiện nâng lực lượng của khối đại đoàn kết ấy lên gấp bội, trở thành một tổ chức có sức chiến đấu cao.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh đã thực sự trở thành nhân tố trung tâm quy tụ sức mạnh của nhiều lực lượng và cá nhân yêu nước tiến bộ. Khối đại đoàn kết toàn dân đã không những được khôi phục, được củng cố mà còn được nâng lên tầm cao mới, kết hợp với sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, bùng phát kịp thời, khi thời cơ đến. Đó chính là quá trình chuẩn bị sức mạnh nội lực để Đảng ta "Phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa", là bước chuẩn bị quan trọng chờ thời cơ chín muồi.

Đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa, toàn dân tộc đã nhất tề nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thần kỳ, nhanh chóng giành lấy chính quyền về tay nhân dân.

Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta

79 năm đã qua, kể từ mùa thu cách mạng 1945, qua bao biến thiên của lịch sử, càng cho chúng ta nhận thức sâu sắc về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phát huy nội lực của toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh để giành thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Đó là một quá trình xây dựng lực lượng theo tư tưởng “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” của Người.

ho chi minh3.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt (3/1951). Ảnh tư liệu 

Để giữ gìn và và phát huy thành quả Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân phát huy tinh thần “tự lực cánh sinh” tiến hành cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ, làm nên cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Cũng trên tinh thần ấy, với quyết tâm “Cả nước vì Miền Nam”, “Tất cả vì tiền tuyến” đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước thắng lợi. Thực tiễn lịch sử chứng minh rằng, để tạo nên sức mạnh to lớn giành thắng lợi trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước, chúng ta phải biết khai thác và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân tộc.

Sức mạnh nội lực chính là cơ sở để chúng ta kết hợp và khai thác tối đa sức mạnh của thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nên mọi thành công.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã xác định “Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong tiến trình phát triển của nhân loại, chiến thắng sẽ thuộc về những dân tộc biết cách khai thác, phát huy, nuôi dưỡng và vun trồng nội lực. Bởi vậy, để phát huy cao độ nội lực, đưa đất nước phát triển, chúng ta cần ra sức xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, bài trừ tệ nạn tham nhũng, quan liêu trong bộ máy chính quyền nhằm củng cố sức mạnh Nhà nước, tăng cường niềm tin của Nhân dân.

Qua đó, phát huy vai trò của Nhà nước để huy động, phát triển tối đa nội lực. Để làm được điều đó Nhà nước cần tiến hành cải cách hành chính; hoàn thiện hành lang pháp lý; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đủ đức, đủ tài; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao tiềm lực kinh tế; thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, thế mạnh đất nước. 

Chuyện Bác Hồ chọn bộ trưởng cho Chính phủ lâm thờiBằng tấm lòng chân thành, tất cả vì đất nước và dân tộc, với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ quanh mình một đội ngũ lãnh đạo thật sự được xem là “thế hệ vàng” của cách mạng Việt Nam.