- Quỳnh Nhai là một trong ba huyện của tỉnh Sơn La phải di chuyển dân ra khỏi vùng hồ thủy điện Sơn La. 10 khu tái định cư với 65 bản đã được xây dựng. Với số lượng lớn người dân phải di dời đến nơi ở mới, nhiều khó khăn bất cập nảy sinh, không ít chuyện dở khóc, dở cười ở các khu tái định cư.

Không như những ngôi nhà sàn bê tông không phù hợp với phong tục tập quán của người Thái ở khu tái định cư cũ ở Tân Lập (Mộc Châu – Sơn La), khu tái định cư Phiêng Nèn, thị trấn Phiêng Lanh hoàn toàn là những nhà sàn bằng gỗ.

Giống như những khu tái định cư mới ở Quỳnh Nhai, người dân di dời ngôi nhà sàn truyền thống của mình đến nơi ở mới và được hỗ trợ tháo dỡ, vận chuyển.

Nhưng với tập quán lâu đời của người Thái thì việc ở xa sông suối là một trở ngại không nhỏ, người dân chỉ quen với việc trồng trọt, canh tác nay không có đất, ruộng nên rất khó khăn tìm kế sinh nhai ở nơi ở mới.

Bản Xinh 1, 2 (Xã Chiềng Bằng) gồm 56 hộ vì không muốn xa quê hương bản quán cùng với lý do khu tái định cư theo quy hoạch ở Xa Hồn, Thuận Châu không gần sông suối… nên đã chọn cách “di vén” tại chỗ.

Do không di chuyển theo quy hoạch nên hiện nay cả hai bản Xinh 1 và 2 vẫn chưa có điện, đường, lớp học dân tự góp tiền làm, nước cũng do người dân tự làm ống dẫn, bể chứa mặc dù mới đây chính quyền đã công nhận đây là bản tái định cư tập trung.

Bản Xinh 1, Xinh 2 vì nhiều lý do thay vì di dân tái định cư theo chỉ đạo, nhiều hộ chọn cách “di vén” tại chỗ hiện nay mới được chính quyền công nhận là bản tái định cư tập trung.
Do không thực hiện di dời theo quy hoạch nên đường sá và 3 lán học sơ sài (gồm lớp mẫu giáo, lớp 1 và lớp 2) người dân tự góp tiền xây dựng, giáo viên do phòng giáo dục cử vào dạy.
 
Cả 3 lớp học đều trống huếch, trống hoác và rất sơ sài.
Lán học này vỡ gần hết mái pro xi măng do không chịu được những cơn gió mạnh từ hồ thổi vào. May mắn là chưa có học sinh nào bị thương vì những mảnh vỡ này.
Hệ thống dẫn nước sinh hoạt cũng do bà con hai bản tự xây dựng và khắc dòng chữ “Nhân dân tự xây dựng”.
Cho đến nay cả 2 bản Xinh 1, 2 đều chưa có điện dù mùa hè khí hậu ở Quỳnh Nhai rất nóng đặc biệt vào những thời gian có gió lào. Người dân thường mặc trang phục giản lược nhất để chống nóng.

Ngay gần bản Xinh 1, 2 là 13 hộ dân thuộc bản Púa cũ thuộcxã Chiềng Bằng đã chuyển tới địa điểm mới thuộc xã Chiêng Khay được 1 tuần lại tự động quay về “di vén” tại chỗ với lý do không hợp khí hậu lạnh, nhiều sương mù, thiếu nước sinh hoạt…

Ông Lò Văn Cọc (55 tuổi) giải thích, vì sau khi đến nơi ở mới 1 tuần nghe tin chính quyền cho phép “di vén” nên 13 hộ đã quyết định quay về. Đến nay đã hơn 2 năm UBND huyện Quỳnh Nhai vẫn khuyến khích 13 hộ dân này chuyển đến khu tái định cư Phiêng Nèn, nhưng không nhận được sự đồng tình của người dân.

13 hộ dân hiện nay sống bằng việc trồng nương, đánh bắt cá ở lòng hồ nên không biết làm nghề gì để sinh sống nếu tái định cư ở Phiêng Nèn nằm ngay sát thị trấn Phiêng Lanh, cách xa hồ, sông, suối.

13 hộ dân bản Púa (cũ) quay về từ Chiềng Khay dựng nhà quanh mép hồ thủy điện thuộc đất xã Chiềng Bằng đã 2 năm nay dù không được phép của chính quyền. Bản 13 hộ dân cũng không có điện, đường, trường…
Quen với cuộc sống gần sông nước, gia đình anh Lò Văn Hiêm cũng như 13 hộ còn lại đã 2 năm nay sống với nỗi lo sẽ bị cưỡng chế di dời đến khu tái định cư Phiêng Nèn.
Khu tái định cư Phiêng Nèn nằm sát thị trấn Phiêng Lanh (huyện lỵ Quỳnh Nhai) đã được xây dựng đầy đủ đường xá, trường học, hệ thống điện lưới… với nhà sàn gỗ của người dân di dời lên từ nơi ở cũ.
Vợ chồng anh Mè Văn Thảo di dời đến Phiêng Nèn từ xã Pha Khinh năm 2009. Hồi ở Pha Khinh sống ổn dựa vào nương rẫy, đánh bắt cá sông Đà, nay hai vợ chồng chật vật sống bằng nghề đốn củi nuôi 2 con nhỏ.

Vẫn còn ít đất nương ở quê cũ Mường Chiên, hiện nay Hoàng Văn Hiếu làm nghề chở đò thuê và đến vụ sắn lại về quê cũ làm nương. Quê cũ xa xôi nên mỗi vụ sắn Hiếu phải ngủ nhờ nhà họ hàng nơi quê cũ.

Mỗi hộ ở Phiêng Nèn chỉ cấp gần 400 mét vuông đất nên không có đất để trồng trọt. Chị Quàng Thị Phương đã ở Phiêng Nèn 8 năm phải tận dụng thùng xốp trồng hành không khác gì người dân ở các đô thị lớn.

Lê Anh Dũng