- Trên vùng núi Quảng Nam hiện có 50 dự án thủy điện lớn và nhỏ đang được đầu tư. Điều đó có nghĩa là 50 'quả bom nước' đang treo lơ lửng trên đầu của hơn 1,4 triệu dân Quảng Nam.

“Dư chấn” lòng dân

“Dư chấn” của các trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn vùng núi huyện Bắc Trà My hơn năm qua không lớn bằng “dư chấn” để lại trong lòng người dân nơi miền rừng này sau sự cố nứt đập chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 trong những ngày gần đây.

Bất chấp khuyến cáo của chuyên gia đầu ngành “chẩn bệnh, kê đơn bốc thuốc” chủ đầu tư vẫn khoan và bơm hóa chất vào thân đập.
 

Đến thời điểm này, đã qua hơn 1 tuần kể từ ngày người dân phát hiện vết nứt rò rỉ tại đập chính hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.

Nhiều vết nứt khiến nước tuôn chảy xối xả qua bờ đập gây an nguy cho hồ chứa thủy điện lớn nhất khu vực này là có thực. Giữa lúc lòng dân nơi đây bấn loạn thì chủ dự án bảo không có vấn đề gì nghiêm trọng!

Dù “không có vấn đề gì nghiêm trọng” như chủ dự án thủy điện này nói, nhưng nhìn cảnh từng tốp công nhân suốt mấy ngày qua hì hục khoan sâu vào bờ đập để nhét bao nilon, hóa chất và ống nhựa vào để ngăn dòng nước phun trào từ thân đập ra khiến mọi người dân nơi đây lo lắng.

Cơ quan chức năng xác định như vậy. Nhưng để khắc phục sự cố này và ai sẽ là người đứng ra “thế chấp” lòng tin để người dân an tâm rằng hồ chứa nước thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn tuyệt đối đến nay vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Ông Nguyễn Lân, nhà ở thị trấn Trà My bảo rằng, bà con không khỏi rùng mình khi nghĩ đến chuyện xấu hơn đối với đập chứa thủy điện Sông Tranh 2...

Nỗi lo có cơ sở vì nhiều người dân vẫn chưa quên những tháng ngày kinh hoàng do động đất khiến nhà rung lắc chao đảo.

Đơn vị thi công chống thấp đang bắt ống nhựa thu gom nước tại vết nứt bờ đập thủy điện Sông Tranh 2.
 

Trong cuộc họp chiều 21/3, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải nói rằng, người dân không thể tin nếu chúng ta không “ứng trước” lòng tin bằng những việc làm cụ thể. Đó là những luận chứng khoa học, chứ không thể trả lời chung chung bằng những công văn khẳng định 'đập không có vấn đề nghiêm trọng'.

Lỗi lớn, khắc phục chậm

Sáng 22/3, PV VietNamNet trở lại hiện trường nơi đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Nơi đây không còn những đoàn công tác tấp nập như những ngày trước.

Giờ đây, nơi bờ đập này chỉ còn lại những nhóm công nhân của đơn vị thi công đang hì hục khoan, đặt ống nhựa dẫn nước và bơm hóa chất vào nhằm ngăn dòng nước phun trào từ thân đập.

Mọi nỗ lực hết mình của những toán công nhân vẫn chưa thể ngăn nổi dòng nước phun trào từ thân đập qua các khe nứt dưới thân đập.

Nhìn cảnh này, bất chợt nhớ tới kết luận của vị Tiến sĩ chuyên ngành được Ban quản lý thủy điện 3 mời từ Hà Nội vào để “kê đơn bốc thuốc” chữa bệnh cho sự cố nứt con đập này.

Toàn cảnh bờ đập thủy điện Sông Tranh 2
 

Qua khảo sát thực địa, TS Bùi Trung Dung - Phó cục trưởng Cục Kiểm định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - kết luận: “Công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 lỗi từ khâu thiết kế, thi công, giám sát cho đến khâu khai thác vận hành. Nhưng chủ đầu tư chậm khắc phục...”.

Qua “chẩn bệnh và bốc thuốc” cho công trình hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, TS Dung yêu cầu chủ đầu tư phải tìm mọi cách giảm lượng nước rò rỉ qua thân đập, bởi lưu lượng  nước thấm hiện nay là 30 lít/giây vẫn quá cao.

“Phải nhanh chóng kết nối để thoát nước thấm ở rãnh trái trong hầm, giải quyết tận gốc nguồn nước thấm chảy ra, chứ không phải khai thông đường ống này như cách nói của ông Hải - Trưởng ban Quản lý Dự án thuỷ điện 3, vì chúng tôi đã phát hiện ra là không có đường ống này.

Khắc phục lớn và lâu dài là ở mặt đập, phải tìm cách chống thấm thay thế. Phải dừng ngay các biện pháp bơm hóa chất vào thân đập, mà nên phun ximăng hoặc nhựa đường” -TS Dung yêu cầu.

Tính đến thời điểm này, chỉ mới 3/7 dự án thủy điện bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia -Thu Bồn đi vào hoạt động. Nhưng nhiều dự án thuỷ điện đã để lại nỗi lo cho người dân nơi vùng đất khó nghèo chịu nhiều thiên tai này.

Còn nếu tính đủ, thì trên vùng núi Quảng Nam hiện có 50 dự án thủy điện lớn và nhỏ đang được đầu tư. Điều đó có nghĩa là 50 'quả bom nước' đang treo lơ lửng trên đầu của hơn 1,4 triệu dân Quảng Nam.

Vũ Trung