- Gần 60ha rừng bị tàn phá trong vòng chưa đầy ba năm, hàng trăm m3 gỗ bị xẻ thịt trái phép… Những cây gỗ lớn có đường kính một vòng tay ôm chưa hết nằm ngổn ngang ven đường, dọc suối. Dân phá những vạt rừng cả trăm năm tuổi để đổi lấy một vụ tra hạt. Trà Bui đang đứng trước một nghịch lý chưa từng có tiền lệ.

Đưa dân tái định cư vào lõi rừng? 

Câu chuyện mà ông Giám đốc BQL rừng phòng hộ sông Tranh (Quảng Nam) nói công khai và thẳng thắn với chúng tôi về lý do rừng bị phá, gỗ bị xẻ, đó là do dự án di dân tái định cư của nhà máy thủy điện sông Tranh 2.

Dân thay vì được đưa ra xa rừng lại được “đặt” vào những ngôi nhà TĐC xây gạch ở giữa lõi rừng phòng hộ.

Ông chủ rừng Đoàn Tất Chẩn cung cấp thông tin bằng giấy trắng mực đen: việc quy hoạch dân tái định cư vào lâm phận và lên đầu nguồn các con sông là một nghịch lý, vì tập quán sinh hoạt và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số là chặt phá và đốt rừng làm rẫy, cuộc sống của họ luôn gắn cùng với nương rẫy.

Do cung cầu bất cập, hiện nay nhu cầu sử dụng gỗ tại chỗ và trên địa bàn huyện (Bắc Trà My) rất lớn, nhưng không có nguồn cung cấp gỗ hợp pháp; hơn nữa, hiện trường gần thuận lợi cho việc khai thác nên dẫn đến tình trạng dân vào rừng khai thác gỗ trái phép.

Việc di dân tái định cư vào trong lâm phận với số lượng lớn (341 hộ) cộng với 220 hộ dân cũ (khoảng trên 3.000 khẩu) tạo nên áp lực lớn cho rừng.

Những gốc cây to bị bỏ lại giữa rừng, vì người dân phá rừng chỉ để lấy đất canh tác - Ảnh: Kiên Trung

 

"Tất cả các hộ dân tái định cư vào nơi ở mới hoàn toàn không có đất sản xuất, không có việc làm, cuộc sống ngày càng khó khăn thiếu thốn nên buộc họ phải vào rừng khai thác gỗ trái phép và xâm canh chặt phá rừng làm nương rẫy để giải quyết đời sống khó khăn của họ" - ông Chẩn nói.

Xác nhận những thông tin của lãnh đạo rừng phòng hộ Sông Tranh, lãnh đạo xã Trà Bui khẳng định: người dân chặt rừng làm rẫy là có, nhưng, nếu không làm thế thì bà con chết đói, vì không có đất canh tác.

Cây gỗ lớn bị đốn hạ và bị chặt khúc vứt lại…- Ảnh: K.Trung
 

Vị trí mới của tái định cư Trà Bui nằm cách trung tâm huyện Bắc Trà My chừng 40km. Đây là một trong nhiều khu TĐC của dự án thủy điện sông Tranh, nhưng Trà Bui là xã có 4/6 thôn năm hoàn toàn trong lõi rừng.

Năm 2005, dự án được quy hoạch xây dựng. Năm 2008, người dân nhận nhà đến nơi ở mới. Đây có thể được coi là “cột mốc” để rừng Trà Bui bắt đầu bị… khai tử.

Vào Trà Bui, nếu may mắn không gặp những cơn mưa rừng bất chợt, đường hoàn toàn khô ráo cũng mất chừng bốn giờ đồng hồ cho 40 cây số. Nếu mưa lớn, đường có thể bị cắt đôi bất cứ chỗ nào bởi núi sạt.

Chủ tịch xã Trà Bui, Đinh Văn Toàn cho hay: có năm, xã Trà Bui bị cô lập với bên ngoài… gần hai tháng trời vì lụt, đường xã bị chia cắt.

Từ trung tâm xã Trà Bui, những con đường cấp phối tỏa đến các thôn. Mỗi cụm dân cư chừng 5-6 nóc nhà được xây dựng cùng một mô hình kiến trúc như nhau, đều tăm tắp, trông xa tựa như những hộp diêm được đặt giữa rừng.

Con đường cấp phối này cũng là đường dẫn vào rừng, nơi hàng trăm ha rừng đã được chặt phá làm rẫy thời gian qua.   

Một vạt rừng đổi 30 lon lúa giống?

Ở Trà Bui và hầu hết các xã dưới chân dãy Trường Sơn như Trà Đốc, Trà Giác, Trà Tân…, người dân đo diện tích vạt rẫy của mình khai phá được không bằng m2, mà được tính bằng… lon lúa giống.

30 lon lúa giống được trồng theo hình thức tra tỉa đủ phủ kín một vạt rẫy. Một mùa trồng lúa duy nhất trong… 5 năm, vạt rẫy đó cho thu hoạch được chừng 3 – 4 tạ thóc. 

Ông Hiền, PGĐ BQL rừng phòng hộ Sông Tranh chia sẻ một sự thực đau đớn: trồng cấy theo hình thức tra tỉa, du canh du cư, phá rừng làm rẫy là thói quen của bà con.

Một vạt rẫy tính từ thời điểm khai phá đến khi sử dụng mất chừng năm năm: năm đầu phát cây, năm thứ hai đốt, dọn rẫy; năm thứ ba mới tra tỉa theo mùa mưa, cây lúa hoàn toàn sống dựa vào tự nhiên không có bàn tay chăm sóc của con người, không phân bón, thuốc sâu, không kênh mương thủy lợi; năm thứ tư, thứ năm lại lặp lại cái vòng luẩn quẩn: phát rẫy, đốt cỏ chờ đất tái tạo được lớp mùn, sau đó mới tiếp tục tra tỉa lần thứ hai.

Nó được đưa về… làm củi đun như thế này.
 

Trong thời điểm “tạm ngưng” chờ sang vụ mới, bà con lại vào những vạt rừng xa hơn tiếp tục phá rừng, chặt cây làm rẫy.

Có gia đình khai phá được cả chục vạt rẫy, còn trung bình mỗi nhà có hai vạt rẫy. Người dân khai thác lúa bằng cách đi… tuốt từng bông cho vào gùi, đầy gùi mới cho vào bao tải.

Phương thức canh tác thủ công ấy, có lẽ chỉ duy nhất còn ở Bắc Trà My, và là thói quen từ thuở cha ông của bà con người Cor, Ca Dong, Mơ nông… để lại.   

Bí thư xã Trà Bui, ông Hồ Văn Danh phân trần về những sự thực đau xót đang diễn ra ở lõi rừng sông Tranh: “Bà con đồng bào không có đất canh tác nên phải phá rừng làm rẫy. Tiền đền bù đã nhận hết, tiêu hết, chỉ có gia đình khá giả mới có tiền đi mua gạo, cho nên nếu không phá rừng thì bà con sẽ phải đói thôi. Trong khi đó, tái định cư lại không có đất canh tác cho bà con”.     

Ông Danh thẳng thắn bày tỏ những bức xúc của Trà Bui: mỗi hộ dân khi nhận tiền đền bù được yêu cầu trích lại 100 triệu đồng.

Tiền này được dùng để xây nhà tái định cư. Tuy nhiên, chất lượng nhà không đảm bảo, không ai ở được. Nhiều nơi khác như xã Trà Đốc, những khu tái định cư dân không ở, bị bỏ hoang trong suốt một thời gian dài.

Gỗ được làm vật liệu để… lót đoạn đường lầy lội.
 

Ngoài việc nhà bị xuống cấp, nhà TĐC thiết kế không phù hợp với lối sống của người dân. “Bà con trước đến giờ vẫn quen đun củi, mỗi nhà có một bếp củi chụm lửa cả ngày, vừa giữ ấm vào những ngày đông giá. Cháu bé không thể nằm lạnh trên sàn bê-tông được, phải nằm cạnh cái bếp củi cho ấm.

Bà con có phong tục tết mừng mùa mới, cả bản làng quây quần bên đống lửa, sau đó nhảy múa trên nhà sàn. Từ trước đến giờ không ai nhảy mừng mùa mới trên nhà xi măng cả” chủ tịch xã Đinh Văn Toàn ấm ức.

Vẫn câu chuyện về cái nhà tái định cư, chủ tịch và bí thư xã đều thở dài thưỡn thượt: vì không có cái nhà sàn, ở nhà xây nên bà con phải có gỗ để đóng đồ mộc, đóng cái giường cho bố mẹ, con cái nằm, bộ bàn ghế cho khách ngồi uống nước, hay làm cái cánh cửa gỗ che mưa nắng… Thế nên bà con phải vào rừng xẻ gỗ, làm đẹp cái nhà.

Chủ tịch xã khẳng định: 341 hộ dân tái định cư thuộc diện ở nhà xây đều vào rừng lấy gỗ xẻ làm một cái nhà gỗ bên cạnh. 100% nhà này không thuộc diện 167 (chỉ tiêu mỗi hộ được phép khai thác, sử dụng 10m3 gỗ làm đồ gia dụng, sinh hoạt), cho nên đây đều là nhà khai thác gỗ trái phép.

“Bà con biết phá rừng lấy gỗ, làm rẫy là sai, nhưng nếu không xẻ gỗ không đóng được cái giường nằm, không làm cái rẫy thì cả nhà sẽ đói. Bà con chỉ muốn có đất canh tác thôi…” - ông Toàn nói.

Rừng Trà Bui bị tàn phá hồn nhiên như thế! 

Kiên Trung

(còn tiếp...)