Câu chuyện của “lâm tặc” Hồ Văn Quang, người dân tộc Ca Dong, thôn 5, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) xảy ra từ năm 2010: thay vì thụ án một mình, Quang đến xin cán bộ “nếu mày bắt tao đi tù thì phải cho cả vợ con tao vào nữa, vì tao đi tù thì ai nuôi nó”.

LTS: Dự án thủy điện sông Tranh 2 tại huyện Bắc Trà My đã chiếm một phần không nhỏ diện tích đất rừng tự nhiên (2.200ha); hàng ngàn hộ dân thuộc các xã miền núi Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giác, Trà Tân (huyện Bắc Trà My) đã phải di dời để lấy mặt bằng cho dự án.

Người dân mất đất, chuyển sang chỗ ở mới. Nhưng, oái oăm nhất, khu tái định cư lại được chọn ở giữa lõi rừng phòng hộ, dân không có tư liệu sản xuất đồng loạt… phá rừng làm rẫy.

Chủ rừng loay hoay không biết làm thế nào để giữ rừng, còn chính quyền xã Trà Bui thì đưa ra lý do giải thích không thể không “hợp lý” hơn: dân không có đất trồng cấy, không có tiền mua lương thực nên cùng đường mới phải phá rừng thôi!


Quang khai thác trái phép 26m3 gỗ xẻ và gỗ tròn trong rừng phòng hộ Sông Tranh (huyện Bắc Trà My) để đóng đồ mộc và lấy đất làm rẫy.

Thế nhưng, xót xa nhất, ở Trà Bui, không riêng gì Hồ Văn Quang, có lẽ, chỉ có gia đình cán bộ lãnh đạo xã là những người duy nhất không dám phá rừng vì phải… làm gương, còn lại, cả xã Trà Bui đều phá rừng làm lẫy.

Câu chuyện nghịch lý trên xảy ra từ năm 2007 đến nay, khi dự án tái định cư thủy điện sông Tranh 2 chọn rừng phòng hộ làm nơi ở mới cho một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc có “nghề” quảng canh, phá rừng làm rẫy…

Nghịch lý giữa rừng phòng hộ

Giữa tháng 10 nhưng cơn mưa rừng đổ xuống Bắc Trà My vẫn như trút nước. Giám đốc BQL rừng phòng hộ sông Tranh, ông Đoàn Tất Chẩn tiếp cùng một lúc rất nhiều phóng viên báo đài, các chuyên gia của Hành trình Việt Nam xanh (chương trình vận động tuyên truyền bảo vệ môi trường đang được triển khai trên diện rộng do Bộ VHTTDL là đơn vị chủ quản).

Điều đầu tiên mà ông Chẩn phân trần, đó là câu chuyện phá rừng không thương tiếc của đồng bào dân tộc nơi đây.

“Những thông tin này tôi đã báo cáo lên các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam, nhức nhối lắm, nhưng chúng tôi thì bất lực rồi. Trong trường hợp lãnh đạo xử lý kỷ luật vì chúng tôi không giữ được rừng, tôi cũng xin nghỉ công tác chứ không biết làm thế nào nữa”.

Tái định cư xã Trà Bui chọn rừng phòng hộ sông Tranh làm nơi ở mới - Ảnh: K.Trung
 

BQL rừng phòng hộ sông Tranh được thành lập từ năm 2005 trên cơ sở tách một bộ phận của Lâm trường Trà My. Diện tích rừng được giao trước năm 2002 là 36.043ha bao gồm toàn bộ các xã Trà Giác, Trà Bui và một phần Trà Leng.

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ giao lại cho UBND huyện Trà My (cũ) 25.883ha, giao lại cho BQL rừng phòng hộ sông Tranh 10.143ha.

“Độ che phủ của rừng phòng hộ sông Tranh rất lớn. Tôi dám khẳng định rừng còn rất giàu, nhất là rừng Trà Bui (hiện đang là điểm nóng bây giờ). Trước đó, rừng Trà Bui không bị xâm phạm, nếu có chỉ là một vài vụ nhỏ lẻ không đáng xử lý hành chính” – ông Chẩn thông tin.

Thế nhưng, mọi việc thay đổi từ khi có dự án tái định cư cho việc di dân lấy đất làm Thủy điện sông Tranh 2 được triển khai tại huyện Bắc Trà My.

Oái oăm nhất, dự án TĐC cho đồng bào lại chọn… lõi rừng phòng hộ sông Tranh làm nơi ở mới.

“Từ trước đến giờ, tôi chưa từng thấy tiền lệ… thả dân vào giữa rừng phòng hộ bao giờ. Để giữ rừng, càng cố gắng đưa dân ra xa rừng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Làm như thế không khác gì “thả chuột vào… lọ mỡ”.

Thủy điện sông Tranh 2 “đuổi” dân vào lõi rừng phòng hộ - Ảnh: K.Trung
 

Báo cáo về công tác bảo vệ rừng và PCCCR phòng hộ sông Tranh do BQL rừng phòng hộ sông Tranh gửi Sở NN-PTNT Quảng Nam, câu chuyện phá rừng phòng hộ ở Trà Bui… nhẹ nhàng như là một tất yếu!

Theo nội dung báo cáo này: Từ trước năm 2006 trở về trước (khi chưa có công trình thủy điện sông Tranh 2) công tác bảo vệ rừng không phức tạp vì người dân sở tại sống tương đối ổn định, đã có đất đai, ruộng vườn…, gần như không có hiện tượng chặt rừng làm rẫy và khai thác gỗ trái phép. Hàng năm chỉ xảy ra một vài vụ nhỏ lẻ, không có vụ lớn xảy ra. Việc khai thác gỗ cũng chỉ để phục vụ cho nhu cầu gia đình (như làm nhà, đóng hàng mộc…).

Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi khi dự án này xuất hiện. Từ năm 2007 đến tháng 7/2011, tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép liên tục gia tăng: năm 2007 xử lý 6 vụ khai thác 7,7m3 gỗ trái phép, 9 hộ dân chặt phá 2,8ha rừng; năm 2008: 9 vụ chặt phá 12,9m3 gỗ xẻ và 3,2m3 gô tròn, 17 hộ chặt phá 5,6ha rừng làm rẫy; năm 2009: 17 vụ chặt phá 65m3 gỗ xẻ và 163m3 gỗ tròn trái phép; 32 hộ chặt phá 5,6 ha rừng làm rẫy; năm 2010: 35 hộ chặt phá 19,5ha rừng làm rẫy; 6 tháng đầu năm 2011: 25 hộ chặt phá 9,08ha rừng làm rẫy, khai thác 317m3 gỗ trái phép.

“Các vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng ngày càng gia tăng, số lượng ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Trong những nguyên nhân, có nguyên nhân di dân tái định cư vào lâm phận với số lượng lớn tạo ra một áp lực lớn vào rừng” – Giám đốc BQL rừng phòng hộ sông Tranh quả quyết.

Mang vợ con xin đi ở tù chung

Trong số rất nhiều những vụ việc chặt phá, khai thác rừng trái phép để làm rẫy của bà con xã Trà Bui, BQL rừng phòng hộ sông Tranh đã phải quyết tâm xử điểm để giáo dục người dân. Năm 2010, BQL rừng phòng hộ sông Tranh đã đề nghị công an huyện Bắc Trà My khởi tố hai đối tượng vi phạm pháp luật bảo vệ rừng.

Hồ Văn Quang (thôn 5, xã Trà Bui) là một trong hai trường hợp được đưa ra xét xử. Quang cũng là một trong số các hộ dân xã Trà Bui có đất nằm trong dự án thủy điện sông Tranh, chuyển đến nơi ở mới của khu tái định cư xã Trà Bui thuộc phần lõi rừng phòng hộ sông Tranh bây giờ.

Thiếu tư liệu sản xuất, đồng bào phá rừng để làm rẫy - Ảnh: K.Trung
 

Phiên tòa xét xử Hồ Văn Quang được mở lưu động. Quang bị truy tố tội chặt phá, khai thác 26m3 gỗ xẻ và gỗ tròn các loại.

Đây là mức vi phạm vượt quá giới hạn cho phép. Theo đó, các hộ dân đồng bào dân tộc cư trú trong khu vực rừng thuộc diện 167, mỗi hộ được phép sử dụng không vượt quá 10 khối gỗ để làm vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Hồ Văn Quang đã khai thác vượt gấp gần ba lần mức cho phép.

TAND huyện Bắc Trà My đã xử Quang hai năm tù giam. Phiên tòa xét xử trước tết. Ăn tết xong Quang sẽ phải thụ án.

Đến hẹn, Quang mang theo cả vợ, con lên công an huyện Bắc Trà My xin vợ con mình được đi ở tù chung: “nếu mày không cho nó đi ở tù cùng tao, tao vào tù không có ai nuôi nó”.

Những hình ảnh không hiếm gặp trong rừng phòng hộ sông Tranh - Ảnh: K.Trung
 

Một trường hợp khác là Hồ Văn Trắng cũng bị xét xử vì tội danh chặt phá rừng trái phép. Trắng bị phạt 12 tháng tù treo, cấm ra khỏi nơi cư trú nếu không khai báo với chính quyền.

Quang và Trắng là hai trường hợp được đưa ra truy tố trước pháp luật với mục đích tuyên truyền, ngăn chặn răn đe để bà con đồng bào tuân thủ pháp luật bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, ở Trà Bui, dự án tái định cư cho người dân lại chọn lõi rừng làm nơi cư trú đã góp phần cổ xúy cho dân phá rừng một cách… có hệ thống. Điều này được chính lãnh đạo xã Trà Bui xót xa thừa nhận: “dân biết phá rừng là phạm pháp, nhưng không phá rừng thì… không có kế sinh nhai”.

Kiên Trung

(còn tiếp...)