– “Hy vọng một ngày kia thế hệ các em sẽ khiến thế hệ chúng tôi phải hổ thẹn” – Albert Einstein.

ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN
'Với tôi, từ thời trẻ đã luôn khinh của cải...'
"Thần đồng là thằng đần"
Bí mật chiếc nắp chum của mẹ
“Lolita” – Sự nhảy múa của ngôn ngữ
"Cái xấu dễ hơn cái đẹp, cái dở dễ hơn cái hay"

Hầu như tất cả mọi người đều nghĩ giáo dục là một trong những điều quan trọng nhất đối với con người. Tuy thế, còn có điều quan trọng hơn. Đó là học tập.

Học tập là một thái độ chủ động tiếp nhận thông tin và kiến thức - để phục vụ cho nhu cầu hiểu biết của bản thân; còn giáo dục là một trong những biện pháp truyền đạt và đối tượng thụ hưởng sẽ tiếp thu một cách thụ động thông tin đó. Như vậy, thực ra với người học, việc học tập cần được chú trọng hơn giáo dục.

Trong khi tìm hiểu về Einstein, chuyên mục Đọc chậm cuối tuần tìm thấy một trích dẫn, trong đó ông nói: "Tôi không bao giờ dạy học sinh của mình; tôi chỉ thử cung cấp cho các em những điều kiện mà ở đó các em có thể học được" ("I never teach my pupils; I only attempt to provide the conditions in which they can learn".)

Tinh thần tôn trọng và tin tưởng con người của Einstein - đặc biệt với những học sinh nhỏ tuổi đang tích cực học tập, lao động và ứng xử với thế giới xung quanh bằng tình thân ái - sẽ tiếp tục được tìm hiểu trong trích đoạn dưới đây.

Einstein trên lớp học

Dưới đây là trích đoạn trong cuốn sách "Thế giới như tôi thấy"  với sự đồng ý của NXB Tri Thức – đơn vị giữ bản quyền tiếng Việt. Dịch giả Đinh Bá Anh dịch từ bản gốc tiếng Đức.

***

(Năm 1923)

GỬI CÁC EM HỌC SINH NHẬT BẢN

Khi tôi gửi tới các em - những học sinh Nhật Bản - lời chào này, là tôi có quyền đặc biệt để làm thế đấy nhé. Bởi đích thân tôi đã tới thăm đất nước Nhật Bản xinh đẹp của các em; tôi đã nhìn thấy những thành phố, những ngôi nhà, những ngọn núi và những cánh rừng; đã thấy ở đó những cô bé, cậu bé Nhật Bản nuôi dưỡng tình yêu quê hương mình. Trên bàn làm việc của tôi luôn đặt một cuốn sách lớn đầy những họa phẩm màu của trẻ em Nhật Bản.

Khi các em ở nơi xa xôi ấy đón nhận lời chào của tôi, các em hãy nghĩ rằng, phải ở thời đại chúng ta, con người từ nhiều quốc gia khác nhau mới có thể tiếp xúc với nhau một cách vui vẻ và hiểu biết, trong khi trước đây các dân tộc ở đâu sống đó, không hiểu biết, thậm chí sợ hãi hoặc thù ghét lẫn nhau. Mong rằng tình huynh đệ hiểu biết giữa các dân tộc ngày càng được bám rễ bền chặt! Trong tinh thần ấy, ông già này xin gửi lời chào tới các em - những học sinh Nhật Bản ở nơi xa xôi, và hy vọng một ngày kia thế hệ các em sẽ khiến thế hệ chúng tôi phải hổ thẹn.

***

THẦY VÀ TRÒ

Bài phát biểu trước các em học sinh dưới đây được Einstein công bố chính thức trong lần xuất bản đầu tiên của cuốn "Mein Weltbild", Amsterdam, 1934.

Nghệ thuật quan trọng nhất của người thầy là đánh thức niềm vui trong lao động và trong nhận thức.

Các em học sinh thân mến!

Tôi vui mừng được thấy các em tụ hội về đây ngày hôm nay, tuổi trẻ vui tươi của một đất nước đầy nắng ấm và an lành.

Hãy nghĩ rằng những điều tuyệt diệu mà các em được làm quen ở trường là thành quả của nhiều thế hệ, được tạo dựng nhờ khát vọng hăng say với nhiều nỗ lực từ mọi nơi trên thế giới. Tất cả được trao vào tay các em như phần gia tài thừa kế, để các em đón nhận, trân trọng, tiếp tục trau dồi và một ngày kia, trung thành trao lại vào tay con cháu các em. Bằng cách đó, những con người trần thế chúng ta sẽ trở thành bất tử trong những thành quả để lại, những thành quả mà chúng ta cùng nhau tạo dựng.

Nếu các em luôn nghĩ tới điều đó, các em sẽ tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống và trong nỗ lực của mình. Các em cũng sẽ tìm được thái độ ứng xử đúng đắn với các dân tộc và các thời đại khác. - Albert Einstein (năm 1934)

Một số hình ảnh thú vị khác về Einstein

Einstein đang cầm trên tay con rối Einstein

Einstein với đáp án "người Đức nuôi cá" cho bài toán vui nổi tiếng của ông - được tin rằng 98% nhân loại không giải được vào thời điểm đó. Bài toán bắt đầu với giả thiết: "Có 5 ngôi nhà nằm thẳng hàng trên 1 con đường. Mỗi ngôi nhà được sơn một màu khác nhau. Mỗi nhà có 1 người chủ và mỗi người chủ có 1 quốc tịch khác nhau. Mỗi người thích uống 1 loại nước uống khác nhau, hút loại thuốc lá khác nhau, nuôi 1 con thú khác nhau trong nhà... Câu hỏi là: Ai nuôi cá?"

Bàn làm việc của nhà khoa học

Einstein băn khoăn tìm một cái gì đó giữa đống tài liệu

Einstein và Richard C. Tolman - nhà khoa học người Mỹ - tại Viện khoa học California năm 1932
Einstein trông rất thảnh thơi bên Kurt Gödel (Áo) tại khuôn viên trường đại học Princeton năm 1950 - người đã được tờ tạp chí danh tiếng Times bình chọn là nhà toán học lớn nhất thế kỷ 20.

Hình ảnh nhà khoa học trên tem. Người ta gọi ông là cha đẻ của vật lý hiện đại, nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ 20 và một trí thức lỗi lạc nhất trong lịch sử.

·         Vân Sam (chọn)