- Giới âm nhạc có năm nhạc sĩ lên tiếng về đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, giới điện ảnh thì có hai nhà biên kịch (Phan Thanh Tú và Phan Thị Huyền Thư) gửi đơn lên Bộ VH TTDL.


“Con” là của bố hay của mẹ?

Hai nhà biên kịch cho rằng đạo diễn Nguyễn Thước được đề cử Giải thưởng Nhà nước với cụm công trình các phim Sự nhọc nhằn của cát, Những công dân @ Chất xám, mà trong đó công sức của biên kịch đóng góp rất nhiều (tác giả kịch bản và lời bình) thì không thỏa đáng. Theo họ, đạo diễn không phải là “cha đẻ” của các tác phẩm mà phải là tác giả kịch bản.

Thế nhưng đạo diễn Nguyễn Thước lại cho rằng hai nhà biên kịch không biết điều, họ cũng từng đoạt giải thưởng “nhờ” phim do ông đạo diễn, lẽ ra họ còn phải cám ơn ông.

Đạo diễn Nguyễn Thước và nhà biên kịch Phan Huyền Thư

Bộ phim "Sự nhọc nhằn của cát" do Nguyễn Thước đạo diễn từng giành giải Bông Sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 14. Với Sự nhọc nhằn của cát, Phan Thanh Tú đoạt Giải Bông Sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc gia năm 2004. Còn Phan Huyền Thư nhận giải Bông Sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc phim Chất xám”.
Câu chuyện liệu có dừng lại ở hai chữ "hiểu nhầm"? Đáng buồn là cả đạo diễn Nguyễn Thước lẫn hai nhà biên kịch đều cùng công tác tại Hãng phim Tài liệu trung ương. Chuyện trong nhà chưa tỏ nhưng ngoài ngõ đã tường. Giả sử như phim nhạt nhòa, kém bản sắc, chắc hẳn đã không xảy ra tình trạng tranh giành hơn thiệt. Còn đằng này thì “con chung” khôi ngô mạnh khỏe, nổi đình đám thành ra “bố, mẹ” cũng đau đầu tranh công xem nó đích thực là con ai, giống ai, mang dấu ấn của ai nhiều hơn?

Giải điện ảnh, sân khấu phụ thuộc vào Hội Nhà văn

Một cảnh trong phim "Sự nhọc nhằn của cát" - Đạo diễn: Nguyễn Thước, biên kịch: Phan Thanh Tú, lời bình: Phan Huyền Thư

Theo thông tư mới của Bộ VH TTDL (thay đổi, chỉnh sửa từ năm 2005) thì đạo diễn Nguyễn Thước đủ tư cách gửi tác phẩm và cụm tác phẩm chung dự xét tặng giải thưởng. Cũng với ba tác phẩm này, Phan Thanh Nhã và Phan Huyền Thư hoàn toàn có thể gửi hồ sơ xét giải thưởng với tư cách biên kịch vẫn hợp lệ.

Đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc từng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và đạo diễn NSƯT Thanh Vân nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Trước đây, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh dành riêng cho nhà văn và biên kịch. Thành quả của đạo diễn và các nghệ sĩ biểu diễn được công nhận bằng danh hiệu NSND, NSƯT. Sau khi thay đổi năm 2005, các đợt xét tặng trước chưa thấy gây sóng gió nhưng lần này, quy chế đã bộc lộ rõ nhược điểm khi chồng chéo, gây hiểu nhầm, tranh cãi như trên.

Mọi chuyện còn bất cập khi kịch bản điện ảnh lại được xét ở Hội nhà văn. Các tác giả kịch bản sân khấu cũng phải gửi hồ sơ sang Hội nhà văn nhưng hiện Hội vẫn chưa nhận được bộ hồ sơ nào.

Minh Tuệ