- Sự ra đi của NSND Quý Dương là nỗi mất mát lớn lao khôn tả cho một thế hệ vàng của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Suốt 8 năm miệt mài chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo, NSND Quý Dương vẫn lạc quan và vui với gia đình, miệt mài với công việc. Ngày hôm nay, trên con đường quen thuộc tới bệnh viện để chạy thận như thường lệ, ông gặp cơn đột quỵ bất ngờ. Mặc dù NSƯT Chí Trung con trai ông - đã đưa ông vào bệnh viện Giao thông vận tải để cấp cứu nhưng NS Quý Dương không qua khỏi. Ông mất vào hồi 12h45 phút trưa - ngày 28/6, hưởng thọ 75 tuổi.

Lễ tang nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ được tổ chức tại nhà tang lễ Bộ quốc phòng.


NSND Quý Dương (Ảnh: Ngọc Trần)

Thế hệ những người đã làm nên kỳ tích của một “Điện Biên Phủ trên không” đều biết đến NSND Quý Dương như một “Giọng ca vàng”, một Nghệ sĩ Opera hàng đầu của nền Thanh nhạc Việt Nam hiện đại. Tên đầy đủ của ông là Phạm Quý Dương - quê gốc ở làng Thượng Cát, huyện Gia Lâm - Hà Nội. Năm 1936 ông sinh ra ở Hải Dương, cha mẹ ông chọn tên gọi Quý Dương để đặt cho con với hàm nghĩa “Quý tử” sinh ở đất “Hải Dương”, kỷ niệm nơi cha ông làm việc khi đó.

NSND Quý Dương từng trải qua hai cuộc hôn nhân và có 3 người con. Con gái đầu là Phạm Thu Hương - giảng viên dạy piano, con thứ hai là NSƯT Chí Trung và con thứ ba là Phạm Quỳnh Trang - thạc sĩ piano, giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.


NS Quý Dương chụp ảnh cùng gia đình (Ảnh ANTG)

Trong ấn tượng của nhiều người, ông là người hát thành công nhất những ca khúc như: “Tình ca”, “Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Đàn chim Việt”, “Trương Chi”, “Thiên Thai”.... Âm vực rộng, giọng hát hào hùng mà mềm mượt, ông cất lời ca đầy tự hào nhưng cũng nhẹ nhàng, dịu dàng. Giọng hát của ông thảnh thơi, không cầu kỳ, phô diễn kỹ thuật nhưng vời vợi, đầy cảm xúc. Cho đến những phút cuối đời, mặc dù sức khoẻ đã yếu nhưng ông vẫn tham gia làm cố vấn cho các hội diễn văn nghệ, là thành viên giám khảo các cuộc thi ca nhạc... vẫn tiếp tục dạy Thanh nhạc cho những người yêu thích nghệ thuật ca hát.

NS Quý Dương và con trai Chí Trung (Ảnh ANTG)
Là người suốt đời cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc và cách mạng, ông luôn tâm niệm rằng, một nghệ sĩ chân chính, một tài năng nghệ thuật đích thực trên lĩnh vực ca hát đòi hỏi phải có bốn yếu tố: Kỹ thuật thanh nhạc tốt, hiểu sâu ngôn ngữ dân tộc, có tâm hồn dân tộc và một tình yêu đất nước.

Một đạo diễn opera đã đánh giá Quý Dương là một Nghệ sĩ thuộc loại hiếm có bởi ông là người hát ca khúc nghệ thuật và hát cổ điển, cả hai phương diện ấy ông đều có những dấu ấn vượt thời gian. Quý Dương cũng là người “mở đường”, nói về ông người ta nhắc nhiều đến hai tiếng “đầu tiên” như một “điệp khúc” đáng tự hào: Ông là giảng viên thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, là nghệ sĩ hát opera đầu tiên của Việt Nam, là người vào vai chính của vở opera kinh điển của nước ngoài lần đầu tiên được dàn dựng và công diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội, là người đầu tiên và có lẽ là duy nhất mang opera đến trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An), hát cho những bệnh nhân đang mắc căn bệnh mà ngoài các thày thuốc ra, ai cũng ngại ngần khi gặp họ. Vậy mà Quý Dương đã đến, đến một cách lặng lẽ, mang tấm lòng và tiếng hát của mình sẻ chia với các số phận kém may mắn, giúp họ có thêm tình yêu cuộc sống để chiến thắng bệnh tật …

Ở Việt Nam biết bao nghệ sĩ tài năng bị đời sống áo cơm làm mai một đi. Như chính tôi đây. Tôi là một nghệ sĩ opera và tôi cố gắng khơi gợi những vở diễn opera khi làm Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch. Nhưng rồi nó cũng chìm dần, chúng ta không quan tâm đến điều đó.

Không ai nghĩ tôi là nghệ sĩ opera mà nghĩ tôi là ca sĩ của những ca khúc như Tình em, Tấm áo mẹ vá năm xưa... Mấy bài đó tôi vẩy tay là xong. Trung cũng vậy thôi (ông nhắc đến NS Chí Trung, con trai thứ 2 - PV) . Nếu được chăm sóc thì nó vẫn phát triển ở chính kịch.

Nhưng đời sống mà, nó phải vẽ nhọ bôi hề để kiếm sống. Lê Khanh cũng thế, tài năng trọn vẹn, nhưng giờ thì dừng lại mất rồi. Xã hội mình đang như là dòng sông có trăm cái thác mà chưa lọc được dòng đục dòng trong. Giờ nhiều đứa trẻ lên ngoáy mông vài cái vẫn được tung hô, truyền hình vẫn phát liên miên.

Nhưng nhìn vào một đất nước, người ta không nhìn vào cái đó. Người ta nhìn vào những thứ nghệ thuật đích thực chứ. Vậy mà dường như chúng ta chỉ để nó tồn tại một cách lay lắt.

Trong đời, ông còn hối tiếc điều gì?

- Hối tiếc ư? (trầm ngâm). Hối tiếc thì... không. Tuổi trẻ của tôi đã vào chiến trường, nhận ra được giọng hát của mình quý giá, cuộc sống của mình cũng quý giá.


"Trích bài phỏng vấn NSND Quý Dương trên báo ANTG"


Vân Sam