- "Thử hỏi sau cơn bão dư luận vừa qua liệu còn nhà làm phim nào dám nhảy vào sản xuất phim cổ trang hay phim lịch sử?"...

Tiếp tục mạch bài về phim cổ trang, lịch sử, VietNamNet có cuộc trò chuyện với ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc dự án đào tạo diễn viên cổ trang đầu tiên của Việt Nam về sự cần thiết phải có ngay một ngành công nghiệp sản xuất phim lịch sử tại VN.  Câu chuyện xâm lăng văn hoá, quảng cáo không công cho lịch sử Trung Quốc qua phim ảnh cũng như áp lực quá lớn từ dư luận, truyền thông với dòng phim cổ trang lịch sử được đề cập một cách thẳng thắn.


Thị trường phim lịch sử, cổ trang VN đang bị bỏ ngỏ.


Điện ảnh Việt Nam bị lép vế ngay tại sân nhà


Quan điểm của anh về sự cần thiết phải xây dựng ngay một ngành công nghiệp sản xuất phim lịch sử tại Việt Nam?


Ngành công nghiệp sản xuất phim lịch sử nói chung và ngành điện ảnh cổ trang nói riêng thực sự không thể tách rời trong việc phát triển điện ảnh tại Việt Nam. Tại sao cần thiết phải xây dựng ngay một ngành công nghiệp sản xuất phim lịch sử, tôi cho rằng đó là một điều đương nhiên phải làm. Nếu có ai đó viết một bộ lịch sử điện ảnh Việt Nam thời kỳ này thì mới thấy đây là một thời kỳ điện ảnh Việt Nam bị lệch cán cân giữa phim lịch sử với các nhóm phim khác.

Những bộ phim lịch sử, hay phim cổ trang Việt Nam trong thời gian qua là những dấu hiệu cho thấy sự manh nha xuất hiện, có thể xây dựng một ngành công nghiệp điện ảnh cổ trang, điện ảnh lịch sử tại Việt Nam để thiết lập lại sự cân bằng cần có.

Đây cũng là một sự phản ứng tất yếu với "Cơn lũ điện ảnh cổ trang Trung Quốc và Hàn Quốc" đang nhấn chìm ngành điện ảnh cổ trang, lịch sử tại Việt Nam và gần như thống trị toàn bộ hệ thống chiếu phim tại các rạp, thống trị đa phần hệ thống chiếu phim tại các đài truyền hình từ TW đến địa phương ở nước ta.

Chúng ta đã quá quen với câu chuyện người Việt rành lịch sử, văn hóa Trung Quốc hơn lịch sử, văn hóa nước nhà. Đó là điều dễ hiểu bởi suốt một thời gian dài, chúng ta đã vô tình quảng bá, tuyên truyền không công cho quốc gia này với việc trình chiếu một khối lượng phim Trung Quốc rất lớn.

Trong suốt một chục năm nay khi bắt đầu có cơn sốt Hoàn Châu Cách Cách trên sóng của Đài THVN cho đến bây giờ khi mà sắp sửa sau gần một chục năm Trung Quốc sắp sản xuất Tân Hoàn Châu Cách Cách, thì khán giả Việt Nam phải tiêu thụ một lượng phim cổ trang và lịch sử khổng lồ mang thương hiệu "made in China" và theo một trình tự vô hình được sắp xếp. Trong một khoảng thời gian nhất định, các bộ phim được trình chiếu tại Việt Nam thường chủ yếu xoay quanh một triều đại Trung Quốc.

Vậy là trong vòng 10 năm: Từ Thanh; Tần; Hán; Đường; Minh; Tống lần lượt sử Trung Quốc được người dân Việt Nam "học thuộc". Thậm chí các sự kiện cổ đại khi mà Trung Quốc sang xâm lăng Việt Nam đều được đưa vào phim theo cách mà người Việt Nam không hề biết, tiêu biểu như trong phim Hán Vũ Đế được chiếu tại Việt Nam chiếu trên khung giờ 6h30 tại VTV3 vào năm 2007. Trong đó có tập đã nói về chuyện vua Hán Vũ Đế đưa quân thuần phục các xứ phía Nam, trong đó có nước Đông Âu và Nam Việt; Nam Việt ở đây chính là tên hiệu của Việt Nam dưới triều Triệu Đà.

Bên cảnh đó sau khi điện ảnh Việt Nam chiếu phim về nàng Dae Jang Geum đã kéo theo sự xâm nhập của hệ thống nhà hàng Hàn Quốc tại Việt Nam. Bản thân nàng Dae Jang Geum cũng là hình ảnh đại diện cho một tập đoàn công nghiệp ở Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam …

Vậy là cả hai khía cạnh lịch sử và văn hóa, điện ảnh Việt Nam bị lép vế ngay tại sân nhà và vô hình chung chính điện ảnh nước ta đang tuyên truyền cho tinh thần dân tộc, văn hóa và lịch sử của dân tộc khác, trong khi đó công cụ truyền thông về văn hóa, di sản và lịch sử hữu hiệu nhất khi mà quá 2/3 người dân Việt Nam đều phụ thuộc thông tin từ truyền hình thì lại bị bỏ trống.

Muốn thay đổi điều này chẳng có cách nào khác là Việt Nam cũng phải có một ngành sản xuất phim lịch sử xứng tầm, đáp ứng nhu cầu trong nước để khỏa lấp thị trường bị bỏ ngỏ cho các phim lịch sử, cổ trang nước ngoài như thời gian qua.

Trung Quốc và Hàn Quốc là hai ví dụ điển hình cho việc dùng phim cổ trang để quảng bá cho văn hoá, lịch sử và di sản của nước mình. Và thực tế là việc quảng bá văn hoá bằng phim ảnh nhanh và hiệu quả hơn các hình thức khác. Anh nghĩ thế nào về tiềm năng của dòng phim này trong việc đưa hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là chuyện quảng bá cho lịch sử, văn hoá truyền thống?

Tôi nghĩ tiềm năng của ngành điện ảnh này đối với Việt Nam là rất lớn vì nó đang trống tuếch trống toác, có nghĩa là cơ hội vẫn chia đều cho tất cả mọi người. Đương nhiên người đó phải có tâm và có tài trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử và di sản của dân tộc Việt Nam. Thế giới cần phải hiểu Việt Nam hơn những gì chúng ta đang thể hiện.
 
Chúng ta đang có những quặng vàng trong nước. Tôi chỉ lấy một ví dụ đơn giản là Việt Nam có những di sản: Ca trù, Nhã Nhạc, Quan Họ, Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa thế giới, một cánh cửa văn hóa đã được mở ra. Đời sống của cả 4 loại hình di sản kia cực kỳ thú vị, và có rất nhiều chất liệu hoàn toàn có thể khai thác để đưa lên màn ảnh. Tôi tin sớm hay muộn chúng ta cũng biết cách làm cho các báu vật quốc gia tỏa sáng.

Tài thánh cũng không thể làm được một bộ phim hay


Phim cổ trang Việt Nam đang phải gánh quá nhiều sức ép

Trên thực tế là phim Việt Nam hầu như không bán được cho nước ngoài. Gần đây chỉ có vài phim được nước ngoài mua mà đơn cử gần đây là "Dòng máu anh hùng". Khi phim của ta khó bán cho nước ngoài thì theo anh phim lịch sử làm ra liệu có làm được việc quảng bá cho lịch sử và văn hoá như điện ảnh Trung Quốc và Hàn Quốc đã làm không?

Việc bán ra nước ngoài và việc phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước là hai chuyện khác nhau.

Chúng ta nên tạm gác lại chuyện xuất khẩu điện ảnh ra nước ngoài mà trước hết cẩn phải có sự thẩm định từ phía thị trường trong nước. Khi nào có một bộ phim mà làm nức lòng khán giả Việt Nam thì lúc đó hãy nghĩ tới việc xuất khẩu. Quảng bá lịch sử, văn hóa dân tộc không chỉ hướng ra thế giới mà việc làm sao để "dân ta phải biết sử ta" cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém của phim lịch sử Việt.

Đừng mong có thể làm được điều đó trong một sớm một chiều vì việc gì cũng cần một quá trình của nó. Nhất là khi đây không phải việc dễ dàng bởi chúng ta chưa biết chia sẻ nhỏ để tạo nên thành công lớn. Để làm một bộ phim lịch sử cần thiết phải có sự góp mặt của 4 nhà: Nhà sử học - Nhà văn hóa - nhà biên kịch và Đạo diễn. Trong các bộ phim lịch sử hay cổ trang bây giờ, tôi chưa thấy có Nhà văn hóa, trong khi nhà sử học đang làm công việc của nhà báo. Như vậy có tài thánh biên kịch và đạo diễn cũng không thể làm được một bộ phim hay.

Phim lịch sử Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực từ dư luận và truyền thông bởi sự chờ đợi với dòng phim này là quá lớn. Anh đánh giá thế nào về ảnh hưởng của truyền thông đối với sự phát triển của dòng phim này tại VN ở cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực?

Tôi nói về mặt tích cực trước. Đó là kết quả của nhu cầu và sự mong ngóng đến cùng cực của phía người dân và dư luận cho một sản phẩm mang ba chữ: Tinh thần Việt, hay Vẻ đẹp Việt. Đó là một dấu hiệu tốt vì người ta có quan tâm thì người ta mới nói. Bên cạnh đó, áp lực này cũng sẽ giúp các nhà làm phim có ý thức hơn trong việc đảm bảo chất lượng cho các tác phẩm mình thực hiện.

Nhưng chúng ta cũng nên nhìn nhận lại một số vấn đề. Trong khi những tín hiệu yếu về sự xuất hiện một ngành điện ảnh khu biệt về phim cổ trang trong lịch sử lại bị những bức sóng quá mạnh về phía dư luận. Tôi sợ sắp tới đây không ai dám làm phim cổ trang hay phim lịch sử Việt nữa. Và nếu như thế thì thật khủng khiếp  vì chúng ta lại phải tiếp tục xem… phim Trung Quốc. 

Anh cho rằng hiện giờ báo chí đang làm một việc khá sai lầm khi vô hình chung gây một sức ép quá lớn cho điện ảnh cổ trang. Vậy theo anh thì báo chí phải làm thế nào mới đúng? Trên thực tế, gần như dự án nào mới ra đời cũng được các phương tiện truyền thông hỗ trợ đưa tin nhiệt tình, thậm chí sẵn sàng đưa thông tin nhưng lại không được các đoàn làm phim chào đón.

Có lẽ các đoàn làm phim cũng sợ các nhà báo quá chăng? Nhưng thực tế đúng là như vậy, vì ở mình cứ cái gì bàn bạc nhiều quá là y như rằng không làm được. Tôi nói đùa như vậy thôi nhưng thực tế cũng phải nói cho công bằng. Việc các nhà báo đưa tin, truyền thông hỗ trợ cho điện ảnh cổ trang, điện ảnh lịch sử đó là điều đáng mừng, vì nhà báo là người đại diện cho dư luận. Dư luận ở đây chính là người dân, người dân đang đòi hỏi phải có những sản phẩm văn hóa mang tinh thần Việt, vẻ đẹp Việt.

Nhưng trong những phản biện xã hội ngày hôm nay vô hình chung đang tạo một sức ép cho các đoàn làm phim, và ít mang tính chia sẻ. Thử hỏi sau cơn bão dư luận vừa qua liệu còn nhà làm phim nào dám nhảy vào sản xuất phim cổ trang hay phim lịch sử. Trong khi đó việc đầu tư cho dòng phim này tốn kém hơn rất nhiều so với các dòng phim khác. Hơn thế nữa, sự phản biện không phải lúc nào cũng đúng.

Thời gian ngắn mà hiệu quả còn hơn tốn thời gian mà không thu được gì


Lần đầu tiên có lớp học trang bị các kỹ năng cho diễn viên phim cổ trang.

Được biết anh là người khởi xướng mở lớp đào tạo diễn viên phim cổ trang đầu tiên tại Việt Nam trong bối cảnh dòng phim này đang cực kỳ khát diễn viên. Không biết người học sẽ được đào tạo những gì khi tham gia khoá học này?  Anh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng khoá đào tạo chỉ kéo dài 3 tháng không thể làm được gì ra tấm ra món bởi thời gian ngắn ngủi chỉ để các học viên "cưỡi ngựa xem hoa"?

Đối với chúng tôi thì dự án này quả cũng có đặt ra nhiều vấn đề khó khăn nhưng trong đó lại không đặt nặng quá về vấn đề thời gian. Thời gian ngắn mà làm việc có hiệu quả còn hơn là kéo dài ra để tốn thời gian của học viên mà không thu được gì.

Trong khóa đào tạo này, học viên sẽ học trong lớp học được thiết kế đặc biệt, tái hiện không gian văn hóa cổ và cả trong bối cảnh phim trường thực tế. Để đáp ứng yêu cầu riêng của dòng phim cổ trang, học viên sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn những kỹ năng mềm như: đánh đàn, múa, thư họa, võ thuật, cưỡi ngựa… Chúng tôi không đào tạo cho nhạc viện một nghệ sĩ đàn, hay đào tạo cho ngành múa một cô cậu diễn viên múa mà đơn giản chúng tôi đào tạo cho ngành điện ảnh một diễn viên mang tinh thần Việt xưa để đóng phim cổ trang Việt. Có nghĩa là đảm bảo về mặt hình ảnh khi đứng trước ống kính đó phải là một nhân vật… với cung cách, điệu bộ chuẩn và đúng theo chuẩn mực phổ thông.
 
Vậy còn về kế hoạch tổ chức tuần lễ phim lịch sử VN dự định tổ chức vào tháng 4 năm sau? Tại sao lại có sự kiện này và sự kiện nhiều tham vọng này có gì hấp dẫn, đáng để người ta chờ đợi?

Thời gian vừa qua, báo chí nói rất nhiều về dự án: Liên hoan phim cổ trang do công ty chúng tôi tổ chức trong Festival Huế 2012. Thực sự đây là một thông tin sai lệch vì chúng tôi chưa bao giờ có ý định "tổ chức hẳn một liên hoan cho phim cổ trang Việt” như một số báo đưa thời gian qua. Dự án mà chúng tôi đang làm việc với BTC Festival Huế là "Tuần Lễ phim lịch sử Việt Nam tại Festival Huế 2012" với mong muốn góp thêm một hoạt động quảng bá cho phim lịch sử của Việt Nam.

Hiện tại đây vẫn đang là thời điểm xây dựng và hoàn thiện nội dung cùng các công tác tổ chức khác cho sự kiện này nhưng tôi tin rằng "Tuần lễ phim lịch sử Việt Nam tại Festival Huế 2012” sẽ là một sự kiện hấp dẫn đối với những người yêu điện ảnh Việt Nam, quan tâm đến điện ảnh lịch sử Việt Nam. Đến thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ chia sẻ kỹ hơn với báo chí về sự kiện này.

Hạnh Phương