- Đầu năm đi lễ chùa dần trở thành thói quen của người dân, song cảnh lộn xộn, chặt chém, chèo kéo khách ở các tụ điểm lễ hội vẫn diễn ra khá phổ biến khiến du khách cảm thấy chạnh lòng với sự tôn nghiêm nơi cửa phật.

TIN BÀI KHÁC

Chị Lê Thị Lan, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Năm nào chị cũng tổ chức cho cả gia đình đi chùa Hương, đền Bà Chúa Kho vào ngày 6 Tết. Năm nay, Lễ hội chùa Hương có bớt lộn xộn hơn năm trước, nhưng cảnh chèo kéo khách, chặt chém, thì không giảm. Phổ biến nhất là vé đi đò suối Yến. Dù giá đò đã được niêm yết công khai, nhưng để được chở đi, mỗi du khách phải trả thêm cho chủ đò 50.000 - 120.000 đồng/lượt. Chưa kể, giá dịch vụ ăn uống cũng đắt kinh hoàng, với một bát phở lèo tèo dăm miếng thịt bò có giá tới 50.000 đồng”.

"Từ nhiều năm nay chúng tôi không dám đi chùa Hương vào đúng dịp lễ hội nữa bởi ngày đó vừa đông đúc dẫn tới cảnh chen lấn xô đẩy vừa xảy ra tình trạng chèo kéo khách, móc túi... Các hàng quán thì thi nhau chặt chém, giá các dịch vụ đội lên gấp nhiều lần. Giá gửi xe máy từ 2 ngàn đội lên tới 20 ngàn. Chỉ một cái lễ nhỏ gồm trầu, cau, tờ sớ, nhang, đèn cũng phải mất cả trăm ngàn gấp cả chục lần ngày thường. Vì thế nên 2 năm nay nay chúng tôi chọn đi chùa Hương vào mùng 1, mùng 2 Tết hoặc không thì cuối hội mới dám đi", một phật tử chia sẻ.


 
Hàng ngàn người đi hội chùa Bà (Thủ Dầu Một, Bình Dương) đầu năm (Ảnh: Trần Đức)

Trước tình trạng "nhũng nhiễu" trong các lễ hội như vậy, ngày 9/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện gửi các Bộ, ngành liên quan yêu cầu chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực tại các lễ hội trên cả nước, nhất là trong dịp đầu năm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan đơn vị tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình cũng như công tác an ninh trật tự đảm bảo an toàn cho dân tuyệt đối không để xảy ra tai nạn cháy nổ, ùn tắc giao thông...

Tuy nhiên, dù công văn đã được gửi đi nhưng tại một số lễ hội lớn vẫn tái diễn tình trạng lộn xộn. Gần đây nhất, tại Hội Lim  diễn ra ngày 15/2 (tức 13 tháng Giêng âm lịch), những hình ảnh người ăn xin nằm la liệt trên các con đường chính vào hội, gây mất mỹ quan và không ít phiền toái cho người tham gia lễ hội. Hoạt động đổi tiền lẻ 10 ăn 7, thậm chí là 10 ăn 6 đã có từ nhiều năm thì đến nay vẫn ngang nhiên tiếp diễn. Dịch vụ cho thuê áo liền anh, liền chị và phí gửi xe cũng lên tới 20 ngàn đồng/lần...


 
Cảnh tượng ăn xin tại hội Lim ngày 13 tháng Giêng âm lịch. (Ảnh: Tiền phong)

Tại lễ hội Vía Bà Chúa Sứ (Châu Đốc, An Giang) cũng diễn ra cảnh người ăn xin, bán hàng rong, vé số, chim phóng sinh... chèo khéo, đeo bám du khách để bán hàng. Ngoài ra, một lực lượng cò mồi cũng hoạt động ngang nhiên "dụ" du khách mua lộc Bà và xem bói toán...

Ngày 15/2, ông Vương Duy Bảo - Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VH-TT&DL) trả lời trên Báo Dân Việt, dù được chỉ đạo sát sao nhưng một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng lộn xộn chèo kéo, bắt chẹt khách, bày bán thịt thú rừng như ở hội chùa Hương. Một số người dân vẫn chưa ý thức vẫn còn xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh, ảnh hưởng cảnh quan. Tình trạng cờ bạc trá hình, bán thẻ, xóc thẻ công khai, như ở chợ Viềng…

Ông Bảo nhấn mạnh, những bộ phận chức năng, cơ sở không thực hiện nghiêm vẫn để xảy ra tình trạng trên thì phải chịu hình thức xử lý thỏa đáng. Sau đây, các Bộ, cục, vụ chức năng sẽ tiếp tục có các cuộc kiểm tra việc thực hiện văn bản chỉ đạo của Đảng và nhà nước.

Trần Đức (tổng hợp)