Vì sao Lê Hoàng Hùng, một người chồng hết mực yêu vợ, thương con, cả cuộc đời hầu như không có lỗi lầm gì đáng kể đối với vợ, cuối cùng lại nhận lấy cái chết thảm thương do chính vợ mình gây nên?

TIN BÀI KHÁC


Chúng tôi đã đến TP.Tân An nơi anh sinh sống và qua đời, đến huyện Thủ Thừa – nơi anh trải qua thời thơ ấu cùng gia đình, gặp những người từng gắn bó lâu dài với anh để dựng lại vở thảm kịch mà kết cục của nó đang làm xôn xao dư luận cả nước, làm bàng hoàng những người quan tâm đến hạnh phúc gia đình!

Cuộc hôn nhân đầu

Một buổi sáng cuối năm 1987, trên QL1A ngang qua địa phận xã Nhị Thành – huyện Thủ Thừa – tỉnh Long An có một đám đón dâu. Những người đi đường lấy làm lạ khi đoàn nhà trai đến đón dâu cứ đứng bên đường hàng chục phút mà không được nhà gái mời vào nhà để làm thủ tục “rước dâu”. Chú rể là nhà báo Hoàng Hùng (phóng viên báo Long An) trong bộ complet rộng thùng thình và chiếc cà vạt thắt không thật khéo bắt đầu nóng ruột, mồ hôi nhễ nhại. Trong lúc ấy cha dượng và chú của Hoàng Hùng đang ở trong nhà của cô dâu để thuyết phục nhà gái cho vào đón dâu.

Nguyên nhân của sự cố là do đàng trai đến đón dâu trễ hơn giờ qui định, nhà gái không chịu cho vào. Thế nhưng, theo những người am hiểu tình hình thì việc “làm khó làm dễ” nói trên xuất phát từ nguyên nhân cuộc hôn nhân không được “môn đăng hộ đối” – gia đình cô dâu quá giàu, còn gia đình Hoàng Hùng quá nghèo! Cuối cùng rồi lễ đón dâu cũng được tiến hành, cô dâu rời khỏi ngôi biệt thự xinh xắn ven đường quốc lộ theo chồng về quê nghèo giữa đồng sâu.


Xe hơi không thể chạy trên bờ ruộng vào nhà chú rể, đoàn nhà gái phải xuống xe đi bộ. Khi vào đến ngôi nhà lá thấp bé, nghèo nàn, bên cạnh là khoảnh sân được che rạp tạm bợ làm chỗ đãi tiệc cưới, nhiều người đi đưa dâu miễn cưỡng bước vào. Chứng kiến từ đầu tới cuối lễ đón dâu, một người bạn của Hoàng Hùng cho biết, lúc đó anh thấy tự ái và chạnh lòng, thấy thương gia đình Hoàng Hùng, và buồn cho sự phân biệt hèn sang.

Và rồi cuộc hôn nhân giữa một bên là cô thư ký xinh đẹp của một công ty giàu có, lại con nhà giàu và một bên là anh chàng phóng viên tài hoa nhưng “nghèo rớt mùng tơi” chỉ kéo dài được hơn nửa năm, khi cả hai đã thấm thía chuyện “cơm áo gạo tiền” mới là thực tế, còn cảm giác yêu đương lãng mạn buổi ban đầu chỉ là phù du!

Nhà nghèo

Hoàng Hùng sinh ra ở xã Lương Hòa Lạc – huyện Chợ Gạo – tỉnh Tiền Giang. Anh sinh ra đúng vào năm cả miền Nam làm cuộc Đồng Khởi (1960). Như bao người trai khác trong vùng, cha của anh cũng rời xa gia đình băng mình vào lửa đạn chiến tranh, đi giải phóng đất nước. Khi Hoàng Hùng lên 6 tuổi, mẹ anh nhận được giấy báo tử của chồng.

Người góa phụ và 3 đứa con nhỏ (Hoàng Hùng lớn nhất) đã trải qua những năm tháng cơ cực trong cảnh nghèo và trong sự kỳ thị, phân biệt đối xử của chính quyền Sài Gòn ở địa phương. Năm 1970, mẹ anh tái giá và rời Lương Hòa Lạc về sống quê chồng  xã Nhị Thành – huyện Thủ Thừa – tỉnh Long An và sinh tiếp 3 người con.

Dù nhà nghèo, đông con, nhưng người cha dượng rất yêu thương đứa con riêng của vợ tên Hoàng Hùng, nhờ vậy mà anh được tiếp tục đi học lên cao, chứ không nghỉ giữa chừng như mấy đứa em. Để có tiền đi học, anh phải vừa học vừa đi làm mướn khi mới 10 tuổi đầu, có lẽ nhờ vậy mà anh sớm biết lo toan, luôn bao biện công việc cho người thân suốt cuộc đời sau này.

Sau ngày đất nước thống nhất, anh tiếp tục học hết THPT, không có điều kiện học tiếp, nên đi làm cán bộ VHTT xã, rồi được rút về Đài Truyền thanh huyện. Từ những bài viết cộng tác cho báo Long An, bộc lộ năng khiếu báo chí bẩm sinh, anh được rút về làm phóng viên cho báo này vào năm 1980.

Thế nhưng, khi đã khẳng định được tên tuổi với vị trí phóng viên chủ lực của báo, thì bất ngờ anh được cho đi nghĩa vụ quân sự. Gần 3 năm trong quân ngũ anh vẫn gián tiếp gắn bó với nghề báo bằng những bài viết nóng hổi gửi về từ biên giới Tây Nam. Xuất ngũ, anh trở về cơ quan cũ, tiếp tục xông xáo trong nghề báo. Nhờ nghề báo mà anh quen với cô thư ký riêng xinh đẹp của 1 vị giám đốc đầy quyền lực của 1 công ty giàu có nhất tỉnh Long An thời đó và đi đến cuộc hôn nhân ngắn ngủi như đã kể ở trên.

Cuộc hôn nhân thứ hai

Anh cưới vợ lần thứ hai (năm 1990) cũng nhờ nghề báo mà nên. Dạo ấy trên báo Long An lần đầu tiên xuất hiện bài phóng sự điều tra kéo dài gần 10 kỳ nói về những mặt trái, những tê nạn ở thị xã Tân An lúc đêm về. Bài điều tra có tên “Thị xã về khuya” của tác giả Hoàng Hùng. Bài phóng sự thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả, trong đó có ông Trần Văn Mến và chị Trần Thúy Nga – cha và chị của Trần Thúy Liễu, vợ của Hoàng Hùng sau này.

Vì mến mộ tài năng tác giả, chị Thúy Nga đã tìm cách mai mối Hoàng Hùng cho đứa em gái Thúy Liễu mới lớn. Ông Mến và nhà báo Hoàng Hùng đã thường xuyên có những buổi đàm đạo về chuyện báo chí, chuyện đời, họ tỏ ra rất tâm đầu ý hợp. Mãi cho tới khi Hoàng Hùng bị đốt chết, ông Mến vẫn luôn yêu quý anh như con ruột.

Khi quen Hoàng Hùng, Thúy Liễu là cô gái mới lớn, nghỉ học sớm (chưa hết cấp 2), không nghề nghiệp. Hoàng Hùng đã xin cho vị hôn thê vào làm công nhân Xí nghiệp Chế biến thủy sản Long An. Thúy Liễu trắng trẻo, cao ráo, xinh đẹp, làm việc chăm chỉ, từng là công nhân giỏi trong xí nghiệp. Sau khi Hoàng Hùng và Thúy Liễu cưới nhau, người vợ nghỉ đi làm vì “vợ nhà báo ai làm công nhân”.

Thế nhưng do Thúy Liễu ít học, không thể xin đi làm việc gì khác đàng hoàng hơn, vì vậy mà ở nhà sống nhờ vào chồng. Họ vẫn sống trong căn phòng tập thể chật hẹp, che chắn tạm bợ trên lầu 1 của trụ sở báo Long An, nơi Hoàng Hùng từng sống với cuộc hôn nhân đầu.

Người đàn ông điểm 10

Mãi sau này các cơ quan, ban ngành tỉnh Long An mới có cuộc vận động chấm điểm “người đàn ông điểm 10” dành cho những người chồng luôn lo toan chuyện gia đình, yêu thương vợ con, không thói hư tật xấu…So với những tiêu chí “điểm 10” ấy thì Hoàng Hùng chẳng những đạt mà còn vượt xa. Anh không rượu chè (hi hữu lắm mới uống chút rượu), không hút thuốc, không “gái gú”, xong công việc là về nhà với vợ con, gần như toàn bộ thu nhập anh đều mang về nhà…

Tuổi thơ nghèo khó và những nhọc nhằn từ nhỏ đã giúp anh có những đức tính đó. Sau này, khi đã có con, rồi cha vợ cho vợ chồng anh miếng đất cất nhà cấp 4, anh càng quan tâm chăm chút mái ấm của mình. Với người chồng “điểm 10” ấy, Thúy Liễu gần như không phải làm việc gì nặng nhọc, ngoài 2 lần “vượt cạn” vào các năm 1993 và 1998.

Ngay cả khi phải rời khỏi báo Long An vào năm 1993 để đi “đánh thuê” ở Bà Rịa – Vũng Tàu và các báo ở TP.HCM, hàng tuần Hoàng Hùng đều vượt hàng trăm cây số để về bên vợ con. Sau này, khi là phóng viên báo Người Lao Động thường trú tại Long An – Tiền Giang – Bến Tre, anh thường xuyên có mặt ở nhà, càng trở nên “giỏi việc nước đảm việc nhà”.

Nhưng trớ trêu thay, anh càng giỏi giang bao nhiêu thì người vợ trẻ xinh đẹp của anh càng được “giải phóng” khỏi công việc nhà bấy nhiêu. Là người làm báo lâu năm, thông thạo nhiều triết lý, điển tích, thế nhưng anh lại quên mất một điều khá đơn giản mà người xưa đã đúc kết, đó là: “Nhàn cư vi bất thiện”.

Mua xe đi casino

Trong khi nhiều đồng nghiệp của anh còn nhà cửa tạm bợ, thì anh nhờ tính chăm chỉ, chắt chiu, đã sớm có nhà cửa đàng hoàng. Có đất nằm trong dự án khu dân cư, anh được vài nền “tái định cư”, cùng với tích lũy nhiều năm làm báo, cuối năm 2009 anh đã cất nhà “khủng” có giá trị xây dựng trên 1 tỉ đồng. Từ nhà cấp 4 chuyển qua nhà lầu “4 tấm”, Thúy Liễu từ người vợ “vô công rồi nghề” trở thành “mệnh phụ phu nhân”.

Để đủ tiền cất nhà, vợ chồng anh có vay nợ chút ít, nhưng bù lại cũng còn vài lô đất chờ được giá mới bán. Nói chung, sau khi cất nhà, tình hình tài chánh gia đình anh vẫn “trong sạch”, không có gì quá khó khăn. Thậm chí, vào khoảng tháng 4/2010, anh đã mủi lòng khi Thúy Liễu nói: “Nhà như vầy phải đi xe SH mới xứng”. Anh đã đem về nhà cho vợ chiếc SH giá 130 triệu đồng mua chịu của người bạn là bác sĩ bệnh viện ĐK Long An.

Thế nhưng, chỉ mấy ngày sau vợ chồng anh đổi ý, đem xe đi trả vì tính chuyện làm ăn qua casino bên đất Campuchia: Mua xe hơi để bà Liễu đưa người đi đánh bạc, kết hợp kinh doanh khăn lạnh. Trong khi chờ vay mượn tiền hoặc bán đất để mua xe, vợ anh đã lân la qua casino và mọi chuyện trở nên tồi tệ từ đó. Những khoản nợ phát sinh sau những lần Thúy Liễu trở về từ casino cùng với những mâu thuẩn âm ỉ, chất chứa từ nhiều năm đã xô đẩy gia đình Hoàng Hùng đến bờ vực thảm hỏa. Mâu thuẫn đó là gì?

Căn bệnh khó nói

Vào năm 2003, trong 1 lần thử máu, Hoàng Hùng cùng lúc phát hiện mình mắc 2 chứng bệnh “nhà giàu”: gout và tiểu đường. Đã có lúc bệnh guot làm anh đi lại không được, chỉ ngồi khóc, Thúy Liễu phải cõng anh đi lại sinh hoạt trong nhà. Để trị bệnh guot, anh phải dùng thường xuyên một lượng lớn thuốc đặc trị, hậu quả là “bản lĩnh đàn ông” của anh ngày càng giảm, rồi gần như tắt hẳn.

Cũng kể từ đó, người ta thấy Thúy Liễu có những người bạn trai “trên mức tình cảm”. Đã trên 1 lần anh “bắt tại trận” vợ anh và người bạn trai của vợ ở những nơi “nhạy cảm”. Thế nhưng, với sự trầm tĩnh vốn có, anh chỉ yêu cầu họ “rút kinh nghiệm, đừng phá chuyện gia đình”, chứ không làm gì ầm ĩ.

Đã 1 lần tan vỡ, giờ còn có 2 đứa con đang lớn, hơn ai hết Hoàng Hùng muốn níu kéo, không để chuyện gì xảy ra với gia đình mình. Thậm chí, Hoàng Hùng hầu như không bao giờ lớn tiếng với vợ, ngược lại, anh còn luôn bị vợ la mắng, có lần bị đuổi ra khỏi nhà. Đầu năm 2009, vợ anh làm mất chiếc xe máy mới mua gần 20 triệu đồng, anh mới càu nhàu “Đi xe không cẫn thận”, đã bị vợ quật lại “Ai muốn mất, ông có giỏi ở nhà giữ…”. Chỉ vài ngày sau anh đi mua chiếc xe khác về cho vợ.

Sức chịu đựng của Hoàng Hùng dù bền bỉ tới cỡ nào thì anh cũng không thể bình tĩnh trước những món nợ lớn mà vợ anh mang về từ casino. Những ngày trước khi xảy ra thảm họa, vợ chồng anh thường hay cãi vã. Có lẽ, lần đầu tiên trong đời Hoàng Hùng đã to tiếng, thậm chí mạt sát vợ.

Thúy Liễu chưa bao giờ nếm trải cảnh này, vốn ít học và hời hợt, cùng với nợ nần thúc ép (và có thể còn nguyên nhân khác mà chúng ta chưa được biết), cô đã nhắm mắt xô tuột gia đình mình xuống vực thẳm thảm họa! Những ngày trên giường bệnh, cả lúc biết mình khó qua khỏi, Hoàng Hùng chỉ lắc đầu, nước mắt chảy dài khi có ai hỏi về nguyên nhân anh bị đốt. Có lẽ anh không muốn tin, không chịu tin và không muốn ai biết điều khó tin ấy.

Mà cũng có lẽ anh ân hận về cái cách mà mình đã cưng chiều vợ, cái cách mà mình muốn nấn ná níu kéo một sự đổ vỡ khó tránh khỏi. Cũng có thể anh đau nỗi đau một cuộc đời chỉ biết làm việc, cung phụng mà hầu như không có gì gọi là hưởng thụ, để rồi sự hi sinh, cung phụng đó quay lại tàn hủy đời anh, xô đẩy các con anh về bến bờ vô vọng!

(Theo Phụ nữ Đời sống)