- Lần đầu tiên Đức công nhận quân nổi dậy Libya, Mỹ công bố toàn bộ hồ sơ Lầu Năm góc về chiến tranh Việt Nam, Indonesia bắt hàng loạt nghi can khủng bố…

TIN LIÊN QUAN:

Thời sự 24h qua


Đức công nhận quân nổi dậy Libya


Đức đã công nhận lực lượng nổi dậy Libya là “những đại diện hợp pháp cho người dân Libya”..

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle phát biểu: “Chúng tôi muốn một đất nước Libya tự do, hòa bình, dân chủ và không có Gaddafi."
 
Cho đến nay, đã có khoảng chục nước công nhân Hội đồng lâm thời quốc gia Libya – quân nổi dậy.

Trung Quốc: công nhân đụng độ cảnh sát



Công nhân nhập cư Trung Quốc đã đụng độ với cảnh sát đêm thứ 3 liên tiếp bên ngoài thành phố Quảng Châu.

Khoảng 1.000 người phản đối đã đốt xe hơi và phá hủy nhiều tòa nhà của chính phủ tại Quảng Châu. Có tin, cảnh sát đã bắn hơn cay và điều động xe bọc thép đến dẹp biểu tình.

Cuộc biểu tình bắt nguồn từ hành vi đối xử tệ của các nhân viên an ninh đối với một công nhân nhập cư đang mang bầu.

Công bố toàn bộ Hồ sơ Lầu Năm Góc

Đúng 40 năm sau ngày tiết lộ gây chấn động, toàn bộ 7.000 trang Hồ sơ Lầu Năm Góc - nghiên cứu bí mật về những gian dối và sai lầm của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam – đã được công bố trọn vẹn hôm 13/6.

Tuy nhiên, vẫn có 11 chữ bị xóa, khiến giới học giả thắc mắc không biết là chữ gì.

Loạt bài tiết lộ về Hồ sơ Lầu Năm Góc lần đầu tiên được đăng trên tờ The New York Times ngày 13/6/1971. Nó có sức bùng nổ và gây chấn động chẳng khác gì đợt tiết lộ Wikileaks vừa qua.

Việc tung ra Hồ sơ Lầu Năm Góc khi đó vốn vi phạm quy định tối mật của chính phủ, làm lung lay ghế Tổng thống của ông Richard Nixon và đưa đến một cuộc chiến pháp lý tại Tòa án Tối cao, mà đã mở đường cho tự do báo chí.

Hồ sơ này vốn được Bộ Quốc phòng và một nhóm phân tích gia về chính sách ngoại giao chuẩn bị vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Lyndon Johnson.

Chính một trong các nhà phân tích là ông Daniel Ellsberg đã tiết lộ hồ sơ này, trong hành động thách thức được coi là một trong những cáo giác kịch tính nhất trong lịch sử Mỹ.

Hồ sơ này cho thấy các đời Tổng thống Johnson, Kennedy và các chính quyền trước nữa đã leo thang xung đột tại Việt Nam trong khi lừa dối Quốc hội, công chúng và các đồng minh.

Website cảnh sát Tây Ban Nha bị tin tặc tấn công


Trang web của cảnh sát Hoàng gia Tây Ban Nha đã bị khóa trong một tiếng sau khi bị nhóm tin tặc Anonymous tấn công trả đũa cho vụ bắt giữ thành viên trước đó.

Trước đó, nhóm Anonymous đã lên tiếng cảnh báo lực lượng an ninh rằng họ đang lên kế hoạch đánh sập trang web của họ.

Vụ việc được châm ngòi từ hôm 10/6, khi lực lượng an ninh Tây Ban Nha bắt giữ 3 thành viên của nhóm tin tặc với những cáo buộc liên quan tới các vụ tấn công vào trang web của Sony, cùng những cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và ngân hàng.

Ba Lan -Mỹ ký thỏa thuận triển khai máy bay quân sự



Ba Lan và Mỹ đã ký thỏa thuận cho phép Washington triển khai các máy bay và binh lính thuộc lực lượng Không quân Mỹ tại Ba Lan.

Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết theo thỏa thuận, từ năm 2013, Mỹ sẽ triển khai các máy bay tiêm kích F-16 và máy bay vận tải C-130 Hercules, cùng phi công, nhân viên kỹ thuật và nhân viên huấn luyện tại một căn cứ không quân.

Trước đó, Mỹ đã bố trí tên lửa Patriot trên lãnh thổ Ba Lan, cách biên giới Nga 100km nhằm bảo vệ cái gọi là "mọi nguy cơ tấn công bằng tên lửa." Washington cũng chủ trương triển khai một bộ phận của Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tại Ba Lan.

Indonesia bắt giữ 16 nghi can khủng bố

Cảnh sát Indonesia vừa bắt giữ 16 đối tượng bị nghi ngờ tiến hành một vụ đầu độc hàng loạt bằng chất xyanua nhằm vào cảnh sát nước này.

Những phần tử này hoạt động trong một tổ chức khủng bố ở Poso, thuộc tỉnh Trung Kalimantan. Mới đây, tổ chức này đã sát hại 2 cảnh sát tại một ngân hàng ở thủ phủ Palu của tỉnh Trung Sulawesi.

Ngoài ra, đường dây khủng bố này cũng dính líu đến một vụ đánh bom liều chết hồi tháng Tư trong một phòng cầu nguyện của một trụ sở cảnh sát ở Cirebon thuộc Tây Java. Trong chiến dịch truy bắt các phần tử khủng bố, cảnh sát Indonesia đã tiêu diệt được 2 tên.

Theo điều tra của cảnh sát, tổ chức khủng bố trên đang có kế hoạch tấn công lực lượng cảnh sát bằng cách đầu độc thức ăn tại các nhà ăn của cảnh sát trong cả nước

Phát ngôn ấn tượng

“Chúng ta bị bọc một lớp bụi”
, lời của Bob Parker, Thị trưởng Christchurch, thành phố bị tàn phá nặng nề trong trận động đất tại New Zealand hôm 13//6/2011. Trước đó, vào ngày 22/2, thành phố này cũng bị tàn phá bởi trận động đất 6,3 độ Richter, khiến 181 người thiệt mạng.



“Họ nói muốn lập một tiểu vương quốc Hồi giáo…Tôi chưa từng thấy điều gì tệ hại như thế này”
,  Mohammed Al-Shuhairi, một phóng viên Zinjibar, thành phố Yemen bị lực lượng Hồi giáo cực đoan chiếm giữ, nhiều trong số đó có quan hệ với al-Qaeda

Ảnh nổi bật



Một người tị nạn Syria đi giữa “rừng lều trại” ở Boynuyogun, Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới Syria. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, số người Syria tị nạn sang nước này lên tới gần 6.000 người, khiến nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ phải bắt đầu dựng thêm khu lều trại thứ tư ở khu vực biên giới.

(Ảnh Vadim Ghirda/AP)

Ngày này năm xưa

Ngày 14/6/1940, Đức chiếm đóng Paris



Vào ngày này năm 1940, người dân Paris – Pháp – bị đánh thức bởi giọng Đức phát ra từ loa phóng thanh tuyên bố lệnh giới nghiêm vào 8h tối hôm đó. Quân phát-xít Đức tiến vào chiếm đóng Paris.

Trước đó nhiều ngày, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã cố thuyết phục Chính phủ Pháp kiên nhẫn và rằng Mỹ có thể sẽ tham chiến và hỗ trợ. Thủ tướng Pháp Paul Reynaud đánh điện cho Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt yêu cầu trợ giúp bằng cách tuyên chiến, nếu không thì cũng hỗ trợ theo cách nào đó. Roosevelt trả lời, Mỹ đang chuẩn bị viện trợ vật chất và sẵn sàng công bố công khai hứa hẹn đó. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Cordell Hull phản đối vì cho rằng Hitler, cũng như phe Đồng minh sẽ coi đó như “khúc dạo đầu” của lời tuyên chiến chính thức.

Cùng lúc đó, xe tăng Đức tiến vào Paris, 2 triệu người Paris đã di tản. Gestapo bắt đầu bắt bớ, thẩm vấn, do thám…Những người Paris còn kẹt trong thành phố tuyệt vọng.

Nhưng Mỹ không hẳn hoàn toàn thờ ơ. Ngay trong hôm đó, Tổng thống Roosevelt đã lệnh phong tỏa tài sản ở Mỹ của Đức và Italia.

Hồng Hà
(Tổng hợp)