Có hai sự kiện liên quan đến học đường gây xôn xao dư luận tuần qua: truyện ngắn nổi tiếng Chí Phèo bị cắt xén những đoạn mô tả chuyện tình dục là “nhạy cảm” và một nữ sinh lớp 12 ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An chuyển dạ trong lớp học.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Tại sao lại sợ 'Chí Phèo' khiêu dâm?
Chí Phèo: Cắt cảnh bẹo véo, tác phẩm sẽ méo
Truyện ngắn Chí Phèo bị cắt cảnh yêu đương

Nữ sinh đau đẻ ở lớp, không ai biết em có bầu
Khó tin: Nữ sinh đau đẻ trong lớp học


Sự kiện thứ nhất: ai đó phát hiện ra truyện ngắn nổi tiếng Chí Phèo của cố nhà văn Nam Cao được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 đã bị cắt xén một số đoạn. Trong đó, đáng chú ý là đoạn nhà văn mô tả nhân vật Chí yêu đương cùng Thị Nở trong khu vườn chuối. Thứ hai, một nữ sinh lớp 12 ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An chuyển dạ trong lớp học và sau đó hạ sinh một bé gái. Cho đến trước thời điểm đó, tất cả mọi người từ cha mẹ, xóm giềng đến thầy cô, bạn bè đều không hay biết là em học sinh này mang thai.

Hai sự việc tưởng như cách biệt nhưng, ngẫm cho cùng, có mối liên hệ với nhau.

Xưa nay ở nước ta, việc một văn bản, tác phẩm văn học nào đó được những nhà làm sách giáo khoa sửa đổi hay lược bỏ một số nội dung không phải là chuyện hiếm. Trong trường hợp Chí Phèo, những nhà biên soạn cho rằng những đoạn mô tả chuyện tình dục là “nhạy cảm”, có thể kích thích trí tò mò của học sinh nên để văn bản nguyên vẹn là không có lợi về giáo dục. Cũng không riêng gì truyện ngắn Chí Phèo, rải rác trong sách giáo khoa trước đây và bây giờ, nhiều tác phẩm văn học khác cũng bị lược bỏ như vậy với lý do mô tả “hiện thực trần trụi”.

Ở góc độ văn học, nếu xem mỗi tác phẩm như một chỉnh thể, thì việc sửa chữa, cắt xén chính là làm hỏng vẻ đẹp vốn có của nó. Nhưng điều đáng nói hơn, vin vào sự “nhạy cảm” trong vấn đề giáo dục giới tính để biện minh cho sự tuỳ tiện phản ánh cách hiểu thô thiển về tính dục trong truyện của Nam Cao nói riêng và cả trong văn học nói chung, là vô tình hạ thấp giá trị của tác phẩm, thiếu tôn trọng và làm thui chột khả năng cảm thụ văn chương của học trò.

Theo TS Trần Văn Toàn – giảng viên khoa ngữ văn đại học Sư phạm Hà Nội, cái hay nhất của truyện ngắn Chí Phèo chính ở cách tiếp cận và xử lý tình dục của Nam Cao. Do chỗ tình dục có tính bản năng, sinh lý nên sự tổn thương và dồn ép chúng cho ta thấy hết sự khốn cùng của những kiếp người bé mọn như Thị Nở, Chí Phèo.

Ông Toàn cho rằng tài năng của Nam Cao ở chỗ đã thể hiện bi kịch tính dục của những người cùng khổ: “Không chỉ bị huỷ hoại về nhân hình nhân tính, những con người nghèo khổ này còn bị nô dịch, tước đoạt cả trong những thuộc tính nguyên thuỷ, bản năng nhất của con người”. Bi kịch tính dục này cũng đã lặp lại nhiều lần trong các tác phẩm khác thuộc dòng văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945. Với góc nhìn như vậy, có thể thấy đề cập đến chuyện tính dục ở đây không có gì là dung tục.

Ở góc độ giáo dục, việc dạy học né tránh những vấn đề huý kỵ như thế cho thấy giáo dục Việt Nam vẫn là lối dạy – học áp đặt lạc hậu mà thế giới đã bỏ từ lâu. Chính cách dạy văn theo lối áp đặt cách hiểu, nhận thức tác phẩm văn học theo khuôn mẫu lâu nay đã triệt tiêu năng lực cảm xúc, sự thông cảm giữa người với người, làm cho con người ngày càng trở nên vô cảm.

Khi hay tin em nữ sinh lớp 12 suýt đẻ rơi trong lớp học, rất nhiều người xung quanh em bày tỏ sự ngạc nhiên, thương cảm, thậm chí phẫn nộ. Nhưng có ai tự hỏi vì sao trong chừng đó thời gian, không một ai trong số thầy cô, bạn bè, gia đình em hay biết sự việc? Cũng chừng đó thời gian nữ sinh ấy đã phải sống trong tâm trạng mặc cảm, lo sợ, bất an… mà không biết thổ lộ với ai.

Trong khi các nhà giáo dục còn loay hoay bịt đường hươu chạy trên sách giáo khoa thì hươu đã chạy vào rừng cấm và rơi vào nanh vuốt bầy sói mất rồi!

Theo Như Thuần (Sài Gòn Tiếp Thị)