- Chuyện lược bỏ đoạn cao trào tình cảm giữa Chí Phèo với Thị Nở trong truyện ngắn "Chí Phèo của nhà văn Nam Cao" có thể đặt ra cho nhiều người vấn đề đáng trăn trở. Độc giả Đào Anh Dũng nêu ý kiến.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Việc lược bỏ một phần, đồng nghĩa với việc chỉ trích dẫn một phần tác phẩm văn học là chuyện tất yếu trong giáo dục do bị các yếu tố khách quan là thời lượng giảng dạy và độ dài tác phẩm quyết định. Giáo dục đương nhiên phải có chọn lọc, nếu không thì sẽ trở thành hoạt động giới thiệu hoặc xuất bản đơn thuần. Trước khi lược bỏ tác phẩm thì việc chọn lọc tác phẩm cũng đã là phép lược bỏ đối với đời sống văn học nói chung.

Giảng dạy cái gì, phần nào, như thế nào là việc của những người làm công tác giáo dục, và họ phải chịu trách nhiệm về nó. Một trong những yếu tố quan trọng được cân nhắc khi biên soạn sách giáo khoa (SGK) là tâm sinh lý học trò.

Chuyện lược bỏ đoạn cao trào tình cảm giữa Chí Phèo với Thị Nở có thể đặt ra cho nhiều người vấn đề đáng trăn trở.

Khi bàn về chuyện này, GS Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng học sinh lớp 11 vẫn là "trẻ con". Theo tôi, đó là suy nghĩ lạc hậu. Về mặt sinh lý, các em đã có thể sinh sản, về mặt pháp luật các em chuẩn bị hết tuổi vị thành niên hay chuẩn bị phải tự chịu mọi trách nhiệm. Đúng ra, các em đang ở thời kỳ chuyển giao quan trọng. Các em cần và những người làm công tác giáo dục phải trang bị cho các em kiến thức căn bản về giới tính chứ không được né tránh.

Đã là một "kiệt tác" thì Chí Phèo tất nhiên không có phần nào "khiêu dâm", nhưng nhiều "người lớn" lại sợ nó "khiêu" lên trong các em một cái "dâm" nào đó. Chính sự sợ hãi đã tố cáo lời ca ngợi và lên án tác phẩm. Hoặc nó không phải một kiệt tác, hoặc nó chỉ là "kiệt tác" đối với "người lớn" mà thôi. Dễ thấy ở đây một sự bất lực ở mảng giáo dục giới tính, bất lực trước nhiệm vụ giáo dục "toàn diện".

Mỗi một tính từ đều nhất thiết song hành với một tính từ trái nghĩa. Giấu diếm cái này sẽ làm cái kia trở thành vô nghĩa. Không có kiệt tác nếu không có tác phẩm tầm thường, không có nghệ thuật nếu không có sự trần trụi hay thô kệch. Chúng ta không thể chỉ giảng dạy những "cây bút lớn", những "kiệt tác", những "nghệ thuật"; chúng ta cần có cả những ví dụ về hình ảnh trái ngược với chúng. Chúng ta không thể "nhồi" cho các em bất cứ cái gì cao đẹp nếu không đồng thời để các em đối mặt và phê bình những thứ xấu xa, hạn chế.

Đối với quan hệ nam nữ, đối với giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản, chúng ta đã và vẫn đang yếu kém, e dè, né tránh; chúng ta sợ "vẽ đường cho hươu chạy" nhưng không vì thế mà số ca nạo phá thai ở thanh thiếu niên giảm đi. Chúng ta cần thấy rằng: Thà vẽ đường cho hươu chạy đúng còn hơn để hươu chạy lung tung!

  • Độc giả Đào Anh Dũng

*******************************************
 Ý kiến của các bạn về vấn đề này, xin trao đổi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn.