- Bệnh bạch cầu cấp khiến cơ thể của Ngọc Anh và Mạnh Kỳ trở nên yếu ớt, tóc rụng...vì phải truyền nhiều hóa chất. Vừa phải vật lộn với bệnh tật nhưng khát khao đến trường thi ĐH vẫn cháy bỏng trong các em.

Giấc mơ dở dang
Đang học đến giữa học kì II năm lớp 12 gia đình Nguyễn Thị Ngọc Anh (học sinh Trường THPT Đường An, huyện Bình Giang, Hải Dương) thấy bụng em phình to và chuyển em lên Bệnh viện ĐH Y Hà Nội.

Vậy là năm nay, Ngọc Anh đã lỡ mất kì thi ĐH. Nhưng năm sau nếu sức khỏe khá hơn em cho biết mình sẽ gắng theo học hết lớp 12 để theo đuổi ước mơ được làm bác sĩ của mình.
Sau khi mổ u, Ngọc Anh được chuyển qua Viện Huyết học-Truyền máu TW điều trị với kết luận bị bệnh bạch cầu cấp. “Khi ấy em sợ lắm, nghĩ mình chắc chẳng sống được lâu nữa nên khóc nhiều lắm” – Mắt buồn rười rượi, cô bạn tâm sự: “Nếu không có mẹ bên cạnh động viên em chẳng biết mình có đủ sức mạnh để vượt lên số phận nữa”.
Nhà em ở quê, thu nhập chỉ trông vào 5 sào ruộng. Gần 3 tháng ra Hà Nội qua hai lần điều trị đã hết ngót nghét 200 triệu đồng. Bố mẹ Ngọc Anh chạy vạy khắp anh em họ hàng lấy tiền cho em chạy chữa.
Ngồi bên cạnh em, xoa mái tóc xác xơ vì đã rụng quá nhiều của cô con gái, chị Vũ Thị Sắc, mẹ em gương mặt rầu rầu: “Pháp đồ điều trị của cháu là 7 lần, giờ mới qua lần 2 đã hết từng đó tiền. Thôi thì cứ hẵng biết thế rồi đến đâu tính tới đó”.
Là người mẹ chị cũng đau lòng, “muốn chết cho xong đi” nhưng cứ nhìn cô con gái nằm vợt vờ bên giường bệnh rên rỉ vì đau chị lại chẳng đành. Mất bao nhiêu tiền điều trị cho con vợ chồng chị cũng gắng gượng được, miễn sao con sớm khỏe, bệnh tật thuyên giảm.
Qua gần 3 tháng điều trị, Ngọc Anh từ 42kg xuống chỉ còn 35kg, gương mặt hốc hai, mái tóc mượt mà ngày xưa giờ lưa thưa vì rụng quá nhiều.
Ốm đau Ngọc Anh có thể chịu được nhưng phải nghỉ học để đi điều trị bệnh em tiếc lắm, khóc rưng rức. Cô Sắc cho biết: “Hồi chuẩn bị thi Tốt nghiệp, cháu về lấy số báo danh tưởng được thi nhưng đã nghỉ quá 45 ngày, xin mãi nhà trường cũng không làm khác được. Thế là khóc nức nở. Mẹ lại phải dỗ mãi mới nguôi tiếc nuối”.
Vậy là em đành lỗi hẹn kì thi ĐH năm nay. Lần đầu ra Hà Nội nằm điều trị em còn mang sách vở ra, cố gắng học. Nhưng rồi bệnh tật, hóa chất khiến người cô bạn đau, mệt rã rời, đành phải buông trang sách xuống.
Mắt Ngọc Anh hấp háy, vui hẳn lên khi được hỏi về ước mơ sau này: “Em sẽ thi vào ĐH Y Hà Nội, khoa Sản vì em thích được nhìn những đứa bé chào đời, trông thật đáng yêu. Hi vọng năm sau khi sức khỏe tốt hơn em sẽ theo học lại lớp 12 để có cơ hội thực hiện ước mơ”.
Bệnh tật không cản được khát khao đến giảng đường

Cùng nằm điều trị tại Viện Huyết học-Truyền máu TW, cũng như Ngọc Anh, Nguyễn Mạnh Kỳ, quê Tân Yên, Bắc Giang cũng đã phải dừng học 1 năm vì bệnh bạch cầu cấp.

  Bệnh tật khiến sức khỏe giảm sút, ngày ngày phải nằm trên giường bệnh với những đợt truyền hóa chất mệt mỏi vẫn không ngăn được khát khao bước chân vào giảng đường ĐH của Nguyễn Mạnh Kỳ. Trong ảnh: Mạnh Kỳ chụp chung với bố tại Viện Huyết học – Truyền máu TW.
May mắn sau khi điều trị sức khỏe khá dần lên, Mạnh Kỳ đã theo học hết chương trình lớp 12. Em vừa thi xong tốt nghiệp với 46 điểm. Sắp tới cậu bạn sẽ thi vào hai trường ĐH là ĐH Công nghiệp Hà Nội (khoa Tài chính Ngân hàng) và ĐH Công đoàn (khoa Quản trị kinh doanh).
Về Hà Nội điều trị bệnh, gia đình chú Nguyễn Văn Đối, bố em chắt bóp ít tiền dành dụm được hồi làm cán bộ địa phương, công thêm tiền lương của mẹ em đang làm tại Công ty thương nghiệp của huyện mua cho con chiếc điện thoại để học bài trực tuyến trên mạng.
Với tài khoản được thầy giáo chủ nhiệm hỗ trợ thêm (phải nạp thẻ), ngày ngày em lên mạng học và làm các dạng bài thi. Mạnh Kỳ cho biết: “Với mức điểm 18 như năm ngoái em hi vọng có thể vượt “ải vũ môn” để vừa đi học vừa điều trị và nuôi ước mơ theo đuổi ngành Công nghệ TT sau này”.
  • Văn Chung