- Để có được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cô giáo phải mất vài tháng trời lăn lộn và sự giúp sức của cả một ê kíp hùng hậu. Danh hiệu mang về thì vinh quang, nhưng đằng sau đó là nhiều  gian nan mà cô nói không dám thi lại lần nữa.

Đoạn trường ai có qua cầu...

Theo tâm sự của một giáo viên Ngữ văn cấp THCS vừa tham gia thi giáo viên giỏi cấp thành phố, cô bắt tay vào việc chuẩn bị cho thi cử từ tháng 10 năm trước, sau khi có kết quả cấp huyện.

Đây là cấp căng nhất, áp lực nhất với các cô giáo lọt vào vòng trong. Vì lúc này, các cô không chỉ là đại diện cho trường mà còn thay mặt cả huyện đi thi.

Cũng chính vì quá căng thẳng nên cô đã dành cả thời gian và công sức cho "công trình" này, lơ là việc nhà, thậm chí "lạnh nhạt" chồng trẻ, con thơ.

Ra trường và đi dạy được 10 năm nay, cô mong mỏi có danh hiệu để chứng tỏ được năng lực.

Một tiết thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp THCS. (Ảnh: Bích Ngọc)

Ngót cả tháng đầu tắt mặt tối với tài liệu, hồ sơ, giấy tờ, bài giảng, máy chiếu,... đêm đến khi đồng hồ điểm 1, thậm chí 2 tiếng, cô mới thấy thấm mệt. Chồng chờ, cô cáo bận, cáo mệt, mong thông cảm và lăn ra ngủ ngay. Nhiều lần như vậy, biết chồng giận lắm, nhưng cô nhủ thầm sẽ cố gắng nín nhịn, chờ thi xong sẽ bù đắp lại.

Cận kề ngày thi, cô càng lo lắng hơn khi trường thi cách nhà đến hàng chục cây số.

Để đảm bảo sức khỏe, những người dự thi như cô phải đi từ hôm trước. Vậy là một lần nữa cô phải "năn nỉ" chồng. Đồng nghiệp hiểu chuyện, động viên. Bác lãnh đạo phòng giáo dục không yên tâm, để cô có tâm trạng tốt, đã xuống tận nhà gặp chồng cô "xin phép". Chồng ngậm ngùi! Cô cũng thương lắm, nhưng vì sự nghiệp mai sau...

Ê kíp hậu trường

Sáng hôm đó, cô đến trường thi trong tâm trạng hồi hộp, căng thẳng và khá lo lắng. Theo quy định, cô sẽ phải thi 2 tiết thực hành trong phân phối chương trình, 1 tự chọn - 1 bắt buộc.

Trước đó, cô đã có 1 tuần để chuẩn bị 2 tiết này và nhờ đồng nghiệp dự giờ, góp ý. Lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục, ban giám hiệu và tổ bộ môn đã hỗ trợ, giúp đỡ cô rất nhiều, lao tâm khổ tứ với cô lắm. Vì thành tích cô mang về không phải cho riêng mình mà còn cho cả huyện nhà.

Cô đi thi, mọi người cũng cùng đi theo để động viên. Hơn 10 người, từ trưởng phòng trở xuống, thậm chí cả anh phụ trách tin học, có khi không cần đến nhưng không thể không "mang" vì sợ nhỡ máy móc trục trặc.

Kinh phí để lo cho hơn chục người cùng đi cũng khá tốn kém, cô hiểu, vì điểm thi được sắp xếp quá xa địa phương mình.

Thời gian thi thì kéo dài cả ngày, cả chục con người ấy và mấy chục người nữa của huyện bạn, chắc cũng giống bên cô, cứ bên ngoài chờ đợi, chắc là mệt mỏi. Rồi những lăn tăn đó phải nhanh chóng cho qua để tập trung vào chuyên môn.

Tiết dạy này đã được phòng chuyên môn và tổ bộ môn nhóm họp, thảo luận nhiều lần rồi đưa ra phương pháp thống nhất.

Tuy có năng lực mới được đi thi, nhưng thực chất, cô là người diễn lại bài giảng do tập thể chuẩn bị.

Rất hiểu điều đó nên vì danh dự, cô phải cố hoàn thành nhiệm vụ. Khi có danh hiệu rồi, cô sẽ mãi mãi là giáo viên dạy giỏi, bất kể sau này có thế nào...

Giáo án, máy chiếu và cả trang phục áo dài đã được chuẩn bị khá tươm tất. Buổi sáng cô dạy tiết bắt buộc. Trấn tĩnh, tự tin cô bước vào lớp trước 20 đôi mắt nhìn cô thân thiện. Dù không phải học sinh của mình, nhưng trước đó, cô đã có một buổi để làm quen. Hơn nữa, cô may mắn được dạy đúng các học sinh lớp chọn nên các em khá thông minh và ngoan ngoãn.

Khi 5 đại diện ban giám khảo bước vào lớp, trống ngực cô đập rộn ràng và căng thẳng. Nhưng mắc lỗi thì cơ hội để làm lại phải chờ đến 5-6 năm sau, môn của cô mới quay vòng lại. Cô không thể phụ lòng tin của trường, của đồng nghiệp và đặc biệt là gia đình. Họ đã tạo cơ hội cho cô.

Sau phút đầu lo lắng, cô bắt đầu vào bài giảng như được lập trình sẵn. Cô cứ giảng, cứ nói, rồi gọi học sinh trả lời. Còn 5 phút nữa hết tiết, chẳng hiểu sao, cô lại kết thúc luôn tiết dạy. Chắc là căng thẳng quá! Có lẽ trong lòng cũng nghĩ, mượn học sinh dạy tạm nên "quên" không giao bài tập về nhà. Đến chiều dạy tiết tự chọn, cô sẽ sửa sai việc này và làm tốt hơn để gỡ điểm, cô nhủ vậy.

Rồi cuối cùng, cô cũng hoàn thành 2 tiết dạy và thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cô vẫn còn chút băn khoăn.

Cả 2 tiết dạy như vậy mà không biết mình được và chưa được điều gì. Cô rất cần và chờ mong sự nhận xét của các chuyên gia để rút kinh nghiệm và học hỏi, nhưng không thấy.

Họ đến dự giờ, chấm điểm rồi vội vàng xuống phòng hội đồng để ít phút sau đó họ lại lên chấm cô giáo khác. Cô cũng băn khoăn, chỉ qua 2 tiết dạy chẳng khác nhau về mặt phương pháp mà các chuyên gia có thể đánh giá được cô là giáo viên giỏi, mà 2 tiết khác 1 tiết ở điểm gì mà yêu cầu vậy (?)

Những băn khoăn nhanh chóng qua đi. Cô nhủ thầm không nghĩ về chuyện đó nữa, cả kết quả cũng "mặc" ban giam khảo quyết định. Cô muốn về nhà thật nhanh để ôm con thật chặt và bù đắp những thiếu hụt cho chồng con trong thời gian qua.

Hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố cấp THCS  của Hà Nội năm nay có sự tham gia của 87 giáo viên tiêu biểu của các quận, huyện ở 3 môn Ngữ văn, Địa lý, Thể dục. Ban giám khảo gồm 5 - 6 người/môn là các chuyên gia của trường sư phạm và lãnh đạo, chuyên viên Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ đi lần lượt các cụm quận, huyện để chấm thi.

Cùng ngày, hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố bộ môn Toán, Vật lý và Công nghệ cấp THPT cũng khai mạc. 96 thầy cô giáo có thành tích xuất sắc nhất được lựa chọn từ 194 trường THPT trên địa bàn thành phố sẽ tham gia thi.

Mỗi giáo viên sẽ phải thi lý thuyết trắc nghiệm (60 phút) hiểu biết về Luật Giáo dục, Điều lệ nhà trường, xử lý tình huống sư phạm… và thi thực hành 2 tiết (mỗi tiết 45 phút) với bài dạy trong phân phối chương trình (1 bài bốc thăm trước 1 tuần và 1 bài tự chọn).

Bảo Anh