- Việc bầu Tổng bí thư, dù tiến hành tại Đại hội hay trong BCH TƯ khóa XI, cũng nên nhất thiết có số dư - ý kiến của ông Bùi Đức Lại.

LTS: Sự kiện chính trị được đón chờ nhất trong năm 2011 - Đại hội Đảng XI - sẽ khai mạc ngày 12/1 với chủ đề "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".

Trong vòng một tuần lễ, 1.400 đại biểu, đại điện cho hơn 3,6 triệu đảng viên sẽ thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng (BCH TƯ) khóa X; báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2001-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).

Đại hội sẽ bầu BCH TƯ Đảng khóa XI (nhiệm kỳ 2011-2015).

VietNamNet trân trọng giới thiệu bài viết của ông Bùi Đức Lại, nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương. Góc nhìn của tác giả có thể có nhiều chỗ cần tranh luận thêm, song  ông cũng mạnh dạn nêu lên với tinh thần "việc của Đảng cũng là việc của quốc gia", bằng tâm huyết của một đảng viên lâu năm và niềm tin tưởng Đại hội sẽ thực sự trở thành ngày hội lớn của dân tộc.

Điều lệ Đảng không có điều nào đề cập tập trung về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh Tổng bí thư. Nguyên tắc (chế độ) lãnh đạo tập thể (cá nhân phụ trách) không giành cho lá phiếu biểu quyết của Tổng bí thư trọng lượng lớn hơn so với lá phiếu của các thành viên còn lại trong tập thể lãnh đạo. Có lẽ đó là những điều cần được nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi trong tương lai.

Trong thực tế hiện nay, Tổng bí thư là chức danh có vai trò quan trọng bậc nhất đối với toàn bộ hoạt động của Ban lãnh đạo Đảng, và do đó đối với toàn Đảng và đất nước. Tổng bí thư là tổng công trình sư, thường là người đề xuất chính các ý tưởng, là người ra quyết định cuối cùng trong các tình huống phức tạp. Không có sự ủng hộ của Tổng bí thư thì sáng kiến chính trị của các thành viên khác trong Ban lãnh đạo khó có thể được đưa ra xem xét, càng không thể được thực hiện.

Vừa qua, sự thành bại của không ít đảng lãnh đạo trong các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa cho thấy một sự thật hiển nhiên: Tổng bí thư có thể không có dấu ấn riêng trong các thành công, nhưng trong mọi thất bại của đảng và chế độ, đều có nguyên nhân trực tiếp từ sự yếu kém của người đảm nhận chức danh này. 

Đại biểu dự đại hội đảng bộ quận Hà Đông, Hà Nội, năm 2010. Ảnh: LAD
Ở Việt Nam, việc Đảng và cả xã hội có đòi hỏi cao về phẩm chất, năng lực đối với Tổng bí thư gắn với chất lượng chung của tập thể Ban lãnh đạo là điều chính đáng. Các yêu cầu đó đã được đề cập trong văn kiện của Đảng, trong nhiều ý kiến tâm huyết của cán bộ, đảng viên và nhân dân đề đạt với Đại hội XI.

Nhiều cán bộ, đảng viên, người ngoài Đảng còn trực tiếp tham gia ý kiến giới thiệu, đánh giá, lựa chọn chức danh này, dù biết rằng, trong phạm vi các thể chế hiện hành, ý kiến của họ không có nhiều hiệu lực.

Nước ngoài có quan hệ với Việt Nam cũng không thể không quan tâm và tìm cách tác động đến sự việc này, xuất phát từ lợi ích của họ. Xét đến cùng, việc này không lạ, nhưng cần được nhận biết và nhận thức rõ ràng. Đại hội với bản lĩnh cao của đại biểu, nhận thức sâu sắc trách nhiệm trước dân tộc, nắm chắc và sử dụng đúng quyền hạn, thì không thể bị chi phối bởi bất cứ thế lực nào và phương tiện gì. 

Người lãnh đạo có tài đức xứng đáng không phải cứ muốn là có mà là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố cá nhân và xã hội. Ở đâu càng có nhiều tài năng nảy nở, phát lộ và tự khẳng định mình trong thực tiễn hoạt động, thì việc tìm ra người đứng đầu tuy không dễ, nhưng dù kết quả cuối cùng diễn ra theo phương án nào, vẫn có “hệ số an toàn” cao.

Sẽ khó khăn hơn nhiều khi môi trường văn hóa - xã hội, chính trị không thuận lợi, hiền tài hiếm hoi, đưa đến tình thế “trong bó đũa chọn cột cờ”. Câu nói cửa miệng này có thể lọt tai một vài người, nhưng đó là một tình thế nguy hiểm, thiếu an toàn, có thể “sai một ly đi một dặm”.

Trong tình thế đó, càng cần tinh thần trách nhiệm và thái độ cẩn trọng cao nhất và phương pháp tối ưu. Càng cần đề cao sức mạnh dân chủ, giữ vững và tôn trọng các nguyên tắc, thủ tục quy định.

1- Đại hội XI nên sớm quyết định chức danh Tổng bí thư do đại biểu Đại hội XI bầu trực tiếp hay do BCH TƯ khóa XI bầu. Phương án nào cũng có ưu, nhược điểm, nhưng nếu thực hiện Đại hội bầu Tổng bí thư, bên cạnh việc hạn chế sự chi phối từ ngoài, sẽ tạo thêm thuận lợi về thế và tín nhiệm đối với chức danh này trong điều kiện hiện nay.
2- Thực hiện trách nhiệm "chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ sau" theo quy định của Điều lệ, BCH TƯ khóa X có trách nhiệm giới thiệu nhân sự nhiệm kỳ XI.

- Giới thiệu là quyền và trách nhiệm của BCH TƯ khóa X. Bầu là quyền của đại biểu Đại hội XI, hoặc BCH TƯ khóa XI.

- Theo tinh thần Điều lệ, việc giới thiệu của BCH TƯ khóa X không chế ước quyền bầu cử của đảng viên. Cụ thể là các ủy viên Trung ương khóa X không được BCH TƯ khóa X giới thiệu, vẫn có đầy đủ quyền ứng cử và nhận đề cử mọi chức danh trong Ban lãnh đạo mới. Không thừa nhận, gây khó dễ, có lời nói, việc làm bài xích là những việc làm không phù hợp với Điều lệ Đảng.

- Nhân sự lãnh đạo Đảng và lãnh đạo Nhà nước có liên quan đến nhau, do đó - cùng với việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo Đảng khóa XI - Ban lãnh đạo Đảng khóa X cũng dự kiến nhân sự lãnh đạo Nhà nước. Nhưng về nguyên tắc, việc quyết định giới thiệu nhân sự lãnh đạo Nhà nước sắp tới thuộc thẩm quyền của BCH TƯ khóa XI (hoặc Bộ Chính trị khóa XI, tùy đối tượng). Ban lãnh đạo Đảng khóa XI sẽ chủ động thực thi thẩm quyền này theo quy chế; dự kiến của Ban lãnh đạo khóa X chỉ mang ý nghĩa tham khảo.

3- Tiến hành bầu cử dân chủ, đúng quy chế, đảm bảo quyền quyết định chủ động, trách nhiệm của người đi bầu (đại biểu Đại hội, ủy viên BCH TƯ khóa XI), là biện pháp hàng đầu để đảm bảo kết quả tối ưu trong bầu cử Ban lãnh đạo khóa XI nói chung và Tổng bí thư nói riêng.

Việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: đổi mới Quy chế bầu cử, đổi mới nội dung và phương pháp làm việc, ý chí, trách nhiệm và nhận thức của đại biểu…

Lập ra một danh sách bầu cử có số dư, tuy là một vấn đề có tính chi tiết cụ thể, nhưng trên thực tế lại là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy dân chủ bầu cử. Số dư cần có là số dư có tính tranh cử thực sự, chứ không phải là số dư hình thức với một số "quân xanh" lộ liễu được tạo ra bằng các thủ thuật.

Việc bầu Tổng bí thư dù tiến hành tại Đại hội hay trong BCH TƯ khóa XI cũng nên nhất thiết có số dư. Hai chọn một có lẽ hợp lý trong điều kiện hiện nay.

Để lập ra được một danh sách như vậy, cần có biện pháp hợp thức về tổ chức để ngăn ngừa việc xin rút của người được giới thiệu do sức ép về nhận thức, tâm lý và các tác động khác. Nếu muốn làm thì việc này không khó, có thể thực hiện bằng nhiều cách.

Cách đơn giản nhất là để mỗi đại biểu đại hội tự giới thiệu (bằng phiếu kín) 2 ứng cử viên cho chức danh Tổng bí thư (giới thiệu 1 là không hợp lệ và không được tính). Từ kết quả tổng hợp, lập danh sách bầu cử Tổng bí thư gồm 2 người có số phiếu giới thiệu cao nhất để bầu.

4- Đại hội nên khuyến khích, hoan nghênh những người ứng cử, nhận đề cử và đề cử ngoài danh sách được giới thiệu. Xác suất trúng cử không cao, nhưng họ phải vượt qua sức ép rất lớn hữu hình và vô hình, cả trong và sau Đại hội. Vì vậy, việc làm họ làm xứng đáng được xem là thể hiện ý thức trách nhiệm trước công việc của Đảng, chứ hoàn toàn không phải là tranh giành chức vụ như có một số người từng quan niệm.

Bùi Đức Lại