Chính phủ tiếp tục đề nghị trình dự thảo luật Thủ đô để QH thông qua tại kỳ họp thứ 4 của khóa XIII (dự kiến tháng 10/2012), nhưng UB Pháp luật QH cho rằng chưa nên.


Luật Biển được kỳ vọng là một hành lang pháp lý để triển khai chiến lược Biển Việt Nam.

Chưa nên thông qua Luật Thủ đô trong năm 2012

Dự án luật Thủ đô được trình trước QH lần đầu vào kỳ họp thứ 7 khóa XII, nhưng đã bị “bác” ngay trước giờ bế mạc kỳ họp cuối cùng của khóa XII, nguyên nhân chính là do chất lượng chuẩn bị chưa cao với nhiều điều khoản gây tranh cãi.

Chính phủ tiếp tục đề nghị trình dự thảo luật này để QH thông qua tại kỳ họp thứ 4 của khóa XIII (dự kiến tháng 10/2012), nhưng UB Pháp luật QH cho rằng Luật Thủ đô liên quan mật thiết đến nhiều nội dung trong Hiến pháp 1992 cũng như các Luật tổ chức HĐND, UBND và Luật đô thị, đều dự kiến trong nhiệm kỳ QH khóa XIII mới được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị chưa nên đưa dự thảo luật này vào chương trình và để QH khóa mới xem xét, quyết định khi thông qua chương trình làm luật của nhiệm kỳ khóa XIII. Nếu đưa vào chương trình, luật này phải tuân theo quy trình như đối với một dự án mới.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trong TVQH không đồng tình với lập luận của UB Pháp luật. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB các vấn đề XH của QH cho rằng Luật Thủ đô đã đi qua một chặng đường dài, nên để Chính phủ tiếp tục trình dự luật này.

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ hai QH khóa XIII, Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được trình QH cho ý kiến. Tuy vậy, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn thấy thế “vẫn chậm”, vì nhiều vấn đề trong quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng có nguyên nhân từ sự lạc hậu, không còn phù hợp trong chính sách quản lý và sử dụng đất đai.

Để khẩn trương chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiến pháp 1992, UB Pháp luật đề nghị TVQH trình Quốc hội ra Nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ngay tại kỳ họp đầu tiên của QH khóa mới tháng 7/2011.

Các Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi), Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi bổ sung một số điều, Luật đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) dự kiến sẽ có trong chương trình chuẩn bị.

Nhưng theo Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Luật Ngân sách được thông qua năm 2002 nay đã tỏ ra quá lạc hậu, chỉ đưa việc sửa đổi vào chương trình chuẩn bị thì chưa thỏa đáng. Ông Hiển đề nghị đẩy Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi lên cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 QH khóa XII để có thể thực hiện ngay trong năm tài khóa 2014.

Bà Trương Thị Mai cũng tán đồng: “Luật Ngân sách sửa đổi đã được nâng lên đặt xuống quá nhiều lần trong suốt khóa XII, luật này không muốn sửa cũng phải sửa”.

Xét tình hình đầu tư từ vốn ngân sách vẫn dàn trải và thiếu hiệu quả như hiện nay, nhiều thành viên TVQH cũng đề nghị đẩy Luật đầu tư công lên chương trình chính thức chứ không chỉ là chuẩn bị.

  • Thủy Chung