- Dự kiến ngày 22 và 23/7, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch, bầu Chủ tịch nước ngày 25/7 và bầu Thủ tướng vào chiều hôm sau.

Sáng nay (1/6), sau phiên họp riêng về kết quả bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13.

Ngồi ghế mới, đại biểu phải hành động ngay

Theo dự kiến, 11 trong tổng số 13 ngày rưỡi của kỳ họp thứ nhất được dành cho công tác tổ chức, nhân sự.

Quốc hội sẽ dành 1 buổi thảo luận tại tổ và 1 ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách 6 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, Quốc hội cũng dành 1 buổi phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009.

Kiểm tra thùng phiếu trước khi bỏ phiếu ngày bầu cử 22/5. Ảnh: Lê Anh Dũng
Một số ý kiến cho rằng nên cân nhắc rút ngắn thời gian thảo luận về kinh tế, xã hội để tập trung cho công tác nhân sự. Hơn nữa có tới 2/3 đại biểu là những gương mặt hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, vẫn phải dành thời gian thỏa đáng thảo luận tình hình kinh tế - xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lạm phát, giá cả đang nóng, diễn biến phức tạp nên được hầu hết cử tri quan tâm, "chẳng lẽ Quốc hội không bàn gì".

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phân tích, kỳ họp thứ nhất ra mắt quốc dân đồng bào nên nếu không bàn gì chuyện kinh tế, xã hội thì dân sẽ băn khoăn. Chưa kể, đây vẫn là một kỳ họp bình thường theo thông lệ, không có lý do gì để trì hoãn.

Như phân tích của Thường vụ Quốc hội, cho dù kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa mới trọng tâm là bàn công tác nhân sự và kiện toàn bộ máy tổ chức nhưng hoạt động chung của Quốc hội phải mang tính kế thừa liên tục, không được phép trì hoãn. Chưa kể, Chính phủ khóa mới cũng cần được lắng nghe ý kiến Quốc hội để định hướng cho 6 tháng cuối năm.

"Đại biểu khóa mới đến ngồi ghế Quốc hội là phải hành động ngay, không có chuyện dành thời gian làm quen. Hoạt động của Quốc hội không nên gián đoạn", ông Ksor Phước nói.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, nếu ngay kỳ họp đầu tiên mà không bàn bạc các vấn đề quan trọng của đất nước, có thể cử tri sẽ băn khoăn rằng Quốc hội khóa mới không kế thừa hay tiếp nối được tinh thần hoạt động của Quốc hội khóa cũ.

Cung cấp đủ thông tin nhân sự

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13 dự kiến khai mạc vào sáng 21/7, bế mạc vào ngày 5/8.

Trong hai ngày 22 và 23/7, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch và ủy viên Ủy ban Thường vụ. Dự kiến chiều 23/7, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu nhậm chức và điều khiển các phiên họp tiếp theo.

Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước vào ngày 25/7 và bầu Thủ tướng vào chiều hôm sau.

Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, các bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thủ tướng sẽ phát biểu nhậm chức trước Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần tập trung làm thật tốt công tác nhân sự bởi đây sẽ là nhiệm vụ quyết định cho cả khóa tới.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Lê Quang Bình lưu ý, quan trọng nhất là phải cung cấp đủ thông tin để đại biểu có đủ cơ sở chọn lựa và bầu các chức danh chủ chốt.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không xem xét bất kỳ dự án luật nào. Hai luật dự kiến trình tại kỳ họp này là Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học sẽ được lùi sang xem xét vào kỳ họp thứ hai.

Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên cho biết, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội có thể sẽ được công bố vào ngày 3/6.

Lê Nhung